“Từ trước tới nay, giá cả thường có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau do tăng cường xuất khẩu và cũng do các hoạt động vào dịp Tết âm lịch, do vậy dự báo lạm phát cho năm 2010 sẽ vào khoảng 10,5%”.
Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, được công bố tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Nếu như dự báo của WB trở thành hiện thực, có nghĩa là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ tăng khoảng 0,84% so với tháng 11.
Nhưng điểm chú ý hơn là WB cũng chỉ ra những tác động từ chính sách tiền tệ liên quan đến lạm phát trong năm nay.
Lạm phát cơ bản có xu hướng tăng lên
Theo tổ chức này, câu chuyện lạm phát năm nay khác với năm 2007-2008, không đi đôi với sự tăng giá của mọi loại hình tài sản như chứng khoán, bất động sản nhưng có sự tăng giá nhanh chóng của vàng. Tỷ giả danh nghĩa chênh lệnh khoảng 9-10% so với tỷ giá hiệu dụng thực thời gian gần đây cũng là một tham chiếu khác khi xét đến tác động đến lạm phát.
Nguyên nhân nào tác động đến lạm phát?
Một điểm được WB lưu ý là tính đến tháng 11, lạm phát giá lương thực so với cùng kỳ đã tăng gần 14,8%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2009…
Nhưng tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến trong mấy tháng gần đây mới là điều đáng bàn. Theo WB, lạm phát đến sớm đã nhóm lại những tranh luận về cách ứng phó thích hợp để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế. Và khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, Chính phủ đã viện đến các cơ chế hành chính như kiểm soát giá cả và quỹ bình ổn giá.
Chi tiết đáng chú ý trong phân tích của WB là lạm phát cơ bản (core inflation), được cho là lạm phát xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ, có xu hướng tăng cao.
Sau khi giảm trong nửa đầu năm nay, đường biểu diễn chỉ tiêu lạm phát này so với cùng kỳ bắt đầu đi lên trong những tháng gần đây và gần như “đồng hành” cùng với xu hướng lạm phát chung.
Chính sách tiền tệ lo cả lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng
“Việt Nam dường như có truyền thống xây dựng chính sách tiền tệ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhìn nhận.
Theo WB, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức 5,8% trong quý 1/2010 và khu vực tư nhân ngày càng phàn nàn nhiều hơn về chi phí đi vay quá cao, Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng hạ thấp lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất ngắn hạn xuống 7% thông qua các nghiệp vụ thị trường mở. Và chính sách điều chỉnh tiếp tục được kéo đến quý 3/2010, kể cả khi lạm phát lại bắt dầu leo thang.
Nhưng vào đầu tháng 11, khi lạm phát tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải nâng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản, lên 9%. Tương tự là lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cũng tăng thêm 100 điểm cơ bản, lần lượt là 7% và 9%.
Tuy nhiên, với lãi suất liên ngân hàng tăng lên đến 18-20% sau khi lãi suất cơ bản tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách bơm thêm thanh khoản và làm hạ nhiệt thị trường liên ngân hàng. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 cao hơn dự kiến, song Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 9% cho đến hết năm.
“Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý tiền tệ gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng những nhiệm vụ được giao nhiều khi mâu thuẫn nhau, đó là hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đồng thời phải bình ổn giá cả”, WB bình luận.
Theo cơ quan này, với tình trạng lạm phát gia tăng và thị trường ngoại hối tiếp tục bất ổn, Chính phủ cần phải truyền đi thông điệp rõ ràng và nhất quán về cam kết nhằm đạt được và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành, WB cho rằng chính sách tiền tệ phải được đặt trong mục tiêu lạm phát và phải đảm bảo nhất quán xuyên suốt các mục tiêu chính sách tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá…
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com