Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông: Việt Nam vẫn còn cơ hội thúc đẩy

Kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN 16, Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với giáo sư Carl Thayer, người được coi là am hiểu khá sâu về khu vực này, đang làm việc tại học viện Quốc phòng quốc gia Úc.

Nhiều tàu cá của Việt Nam không dám ra khơi vì sợ “tàu lạ”. Nếu bộ quy tắc ứng xử được thông qua với một cơ chế ràng buộc, hy vọng “tàu lạ” sẽ không còn ngang ngược tấn công tàu cá Việt Nam. Ảnh: Mai Kỳ

Ông đánh giá thế nào về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN 16, mà nhiều người cho là không như mong muốn, liên quan tới sự nhất trí trong lập trường của ASEAN về việc thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)? Liệu có tác động từ bên ngoài, hay ưu tiên số một của nước chủ tịch vẫn là việc dàn xếp vấn đề Myanmar?

ASEAN luôn có một chính sách nhất quán, kể từ Tuyên bố về Hiệp ước Bali II năm 2003. Tuyên bố này nhằm hỗ trợ thúc đẩy COC, tiếp theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Trung Quốc luôn chủ động trong việc sử dụng sức ép ngoại giao lên các thành viên ASEAN nhằm giải quyết các tranh chấp theo kiểu song phương thay vì đa phương. Có điều, đúng là các thành viên khác của ASEAN không coi vấn đề Biển Đông là việc đặc biệt cấp thiết để xứng đáng với một tuyên bố chung.

DOC, về thực chất, nằm trong số các văn kiện của ASEAN trong mục tiêu xây dựng một cộng đồng chính trị – an ninh. Tuyên bố Chủ tịch của ASEAN 16 đã nêu rõ: “…giao cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của ASEAN như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) hay DOC…, nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực”.

Có thể nói, mục tiêu chính của hội nghị cấp cao lần này là thúc đẩy cho một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Liệu có một cơ hội khác để thúc đẩy vấn đề này, trong năm Việt Nam là chủ tịch, chẳng hạn ở diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7, hay tại cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10?

Trung Quốc luôn thành công trong việc dập tắt mọi ý định đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương, như ARF. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề này sẽ không được nêu ra ở ARF. Có điều, từ nay đến đó thời gian chuẩn bị là không đủ. Cấp cao ASEAN 17 sẽ là nơi thích hợp hơn, bởi ASEAN sẽ gặp Trung Quốc trong cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra ngay sau đó.

Ông đánh giá thế nào về việc Liên minh châu Âu (EU) sắp tham gia TAC, cũng như các lãnh đạo ASEAN khuyến khích các cường quốc như Nga và Mỹ tham gia cấp cao Đông Á (EAS)?

EU đã là thành viên của ARF. Việc các nước ASEAN thoả thuận để EU tham gia TAC là sự công nhận vai trò đặc biệt của châu Âu trong việc đại diện cho các thành viên của mình. Khi EU tham gia vào TAC, điều đó có nghĩa là hiệp ước này có cả sự tham gia của Anh, thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an cho đến nay vẫn đứng ngoài hiệp ước này.

Còn việc ASEAN quyết định khuyến khích Nga và Mỹ cân nhắc việc tham gia, với tư cách thành viên, vào EAS, cho thấy khối này mong muốn thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp. Chính Chủ tịch ASEAN 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố rằng: “Chúng tôi khuyến khích Nga và Mỹ tăng cường tham gia vào cấu trúc khu vực đang nổi lên, bao gồm cả khả năng các nước này tham gia EAS, qua các thể thức phù hợp, có tính đến tính chất của EAS là diễn đàn của lãnh đạo, mở và thu nạp”.

Lúc đầu, ASEAN từng im lặng khi Nga xin tham gia. Sau đó, Chính quyền Obama cũng phát tín hiệu rằng họ đang nghiên cứu vấn đề này. Điều đó là tiền đề cho cuộc tranh luận giữa các thành viên ASEAN rằng liệu Mỹ có đáp ứng tiêu chí là một nước Đông Á. Mỹ sẽ chẳng bao giờ xin gia nhập EAS, nếu họ biết trước sẽ bị phản đối. Bây giờ bóng đã ở trong chân họ để tự quyết định việc nộp đơn.

Sáng kiến này của ASEAN rõ ràng đã nhấn chìm các sáng kiến đơn lẻ của Úc và Nhật trong việc tạo ra cấu trúc an ninh mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đảm bảo cho vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực. Giờ đây có khả năng là mọi “tay chơi chính” sẽ nằm cùng trong một tổ chức – EAS. Các thành viên ASEAN luôn là một phần của tiến trình này, và Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã bị chỉ trích tại Singapore năm ngoái, khi cố gắng thành lập một nhóm cốt lõi gồm 8 – 10 thành viên, mà lại không lấy ASEAN làm nòng cốt.

Về mặt kỹ thuật, ASEAN đã đồng ý để Indonesia thay thế Brunei làm chủ tịch ASEAN 2011 vì Indonesia không thể làm chủ tịch cả ASEAN lẫn APEC vào năm 2013. Nhưng, thực chất, liệu sự thay thế này còn có vai trò thúc đẩy những gì được khởi đầu tại Hà Nội?

Việc Indonesia thay thế Brunei là chủ tịch ASEAN năm tới sẽ đặt một thành viên tích cực trong khối lên vai trò dẫn dắt. Lãnh đạo Việt Nam đã từng khá lo ngại rằng những sáng kiến họ thúc đẩy với tư cách chủ tịch ASEAN, như chương trình hành động đầy ý nghĩa cho hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + 8, sẽ bị đình trệ dưới sự lãnh đạo của Brunei và Campuchia (2012). Sự thay thế của Indonesia sẽ đảm bảo cho sáng kiến này giữ được đà thúc đẩy.

(Theo Huỳnh Phan // SGTT Online)

Chủ tịch ASEAN đã thành công trong cách đề cập vấn đề Myanmar

Trong cuộc họp báo về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN 16 vào cuối tuần trước ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, nói rằng “hội nghị thành công tốt đẹp”. Ông có những lý do để tin vào điều đó.

Ngoài sự khởi động suôn sẻ cho kế hoạch xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Chủ tịch ASEAN đã khéo léo dàn xếp để vấn đề Myanmar, vốn được coi là có thể gây chia rẽ giữa các thành viên khối này, được đề cập theo cách chấp nhận được với tất cả, bao gồm cả Myanmar. Tuyên bố của Chủ tịch “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoà giải dân tộc ở Myanmar và việc tổ chức tổng tuyển cử một cách tự do, bình đẳng, và có sự tham gia của các đảng phái”, thay vì nêu đích danh nhân vật bất đồng chính kiến Aung San Suu Kyi, như đòi hỏi trước đó của Philippines, hay Indonesia.

Đặc biệt, vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được đề cập trong chương trình nghị sự cấp cao. Mặc dù các thành viên trong ASEAN vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong lập trường thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung của các bên có tranh chấp trên Biển Đông (COC), mà chỉ nhất trí tiếp tục triển khai Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông, một văn bản mang tính đạo đức hơn là ràng buộc trong ứng xử.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, đã nhận xét: “Đây là một khởi đầu tốt, nếu tính đến sự phức tạp của vấn đề và so với cấp cao ASEAN 15, khi vấn đề này bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự”.

Cuối cùng là vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế liên kết khu vực đã được khẳng định, khi EU sắp tham gia hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), cũng như Nga và Mỹ được khuyến khích tham gia Thượng đỉnh Đông Á.

 

  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu bức thiết - Kỳ vọng lớn lao
  • Phó tổng giám đốc IMF John Lipsky: Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập cao hơn
  • Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách
  • Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng
  • Kiềm chế lạm phát: Bài toán tổng thể
  • Sức hút của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng
  • Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010: Nhiều giải pháp để về đích
  • Hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi