Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu bức thiết - Kỳ vọng lớn lao

Nhận diện thực trạng

Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án tái cơ cấu nền kinh tế) đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện với mục tiêu trong vòng 10 năm tới phải đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bộc lộ nhiều điểm yếu trầm trọng, đây là đề án mang nhiều kỳ vọng lớn lao.

Khu vực kinh tế tư nhân có mức đầu tư không cao nhưng có đóng góp lớn trong nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Sơ chế và gia công

Những điểm yếu cơ bản của cơ cấu kinh tế nước ta không phải đến bây giờ mới được nhìn ra. Từ khá lâu, các chuyên gia kinh tế cũng như chính bản thân các nhà hoạch định chính sách đã phác thảo cận cảnh nền kinh tế với các biểu hiện rõ nét: Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có xu hướng giảm dần, chất lượng giảm sút; tăng trưởng kinh tế thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai...) và năng suất lao động còn thấp. Chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở mức cao và có xu hướng tăng lên... Nếu các điểm yếu này chậm được khắc phục, tốc độ và hiệu quả nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Theo Bộ KH-ĐT, trong số 112 ngành kinh tế quốc dân, chỉ có 26 ngành có đóng góp từ 1% GDP trở lên. Đây chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng; các sản phẩm công nghiệp sơ chế và sản xuất hàng tiêu dùng thâm dụng nhiều lao động phổ thông. Có 21 sản phẩm đóng góp từ 0,5 đến dưới 1% GDP, cũng chủ yếu là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu và một số dịch vụ.

Hiện nay vốn đầu tư đang đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP hàng năm; lao động và nhân tố lao động tổng hợp đóng góp phần còn lại, khoảng 40%. Do công nghệ chậm đổi mới, các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 6%) và hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Cơ cấu các ngành nghề còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động phổ thông giá rẻ là chính. Trình độ sản xuất thấp nên sản phẩm xuất khẩu nước ta chủ yếu ở dạng gia công, lắp ráp. Giá trị gia tăng thấp do dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài.

Đến nay nước ta chưa có sản phẩm chủ lực mới, rất ít sản phẩm thương hiệu quốc gia. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP cũng như kim ngạch xuất khẩu đều từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng, rất ít các sản phẩm công nghiệp mang tính đặc thù thương hiệu Việt Nam!

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng nước ta cần có những tập đoàn, những thương hiệu quốc gia. Ông Bình bức xúc: “Chúng tôi đi chào phần mềm ở nước ngoài, nhiều đối tác hỏi Việt Nam có điện không, có thịt để ăn không. Đơn giản là trong suy nghĩ của họ, Việt Nam đi đôi với hình ảnh về chiến tranh, đói nghèo. Do vậy nói về việc làm phầm mềm họ rất ngạc nhiên. Điều này chứng tỏ nước ta vừa thiếu thương hiệu quốc gia, vừa thiếu quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới”.

Đổi mới nền tảng kinh tế

Ngoài việc nền kinh tế phụ thuộc vào các sản phẩm thâm dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thô, điểm yếu của nền kinh tế nước ta còn bộc lộ ở cơ cấu bất hợp lý về phân bố nguồn lực, biểu hiện ở các điểm: Các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ, chưa thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế; trong khi đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng và đang mở rộng quy mô đến mức làm nền kinh tế nước ta phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài. Mặt hạn chế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là việc chuyển giao, phát triển năng lực công nghệ tại nước ta chưa đáng kể.

Một khía cạnh khác cũng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là không gian kinh tế đang bị chia cắt, cát cứ theo đơn vị hành chính, nhất là các tỉnh, thành. Vì vậy, kinh tế vùng chưa hình thành bằng sự kết nối hữu cơ, hợp tác và bổ sung lẫn nhau để phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, các địa phương thường theo đuổi cơ cấu kinh tế tương tự nhau, cạnh tranh theo kiểu “cùng đi về đáy”, làm sai lệch hoặc phá vỡ không gian và quy hoạch phát triển chung...

Các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định: Tái cấu trúc kinh tế xuất phát từ 2 hoàn cảnh. Một là, thế giới cũng đang cấu trúc lại nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng để hạn chế những khiếm khuyết, như điều chỉnh mô hình kinh tế cũng như cung cách quản lý, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Hai là, do bản thân nền kinh tế nước ta đã bộc lộ các yếu kém nội tại, như cơ cấu kinh tế bất hợp lý, nông sản chế biến còn thấp, chủ yếu là xuất khẩu thô. Ngành công nghiệp đầu đàn, kỹ thuật cao chưa có, chỉ nặng về gia công; phân bổ giữa các ngành, các lĩnh vực chưa hợp lý...

Về lĩnh vực ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc, ông Kiêm nhấn mạnh: “Cái gì mà xu thế thế giới đang cần, ta phải chớp thời cơ để làm. Xét nội tại nền kinh tế cũng thế, những gì nổi lên gây bức xúc, cản trở cho sự phát triển phải ưu tiên làm trước, những yếu kém khác, tồn tại thực sự nhưng đòi hỏi thời gian dài xử lý thì lùi lại làm sau. Việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phân định những việc dài hơi hoặc ngắn hạn để có giải pháp cụ thể”.

Việc tái cấu trúc kinh tế đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thực hiện thành công Việt Nam sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp và vượt các quốc gia khác trong khu vực về trình độ phát triển. Ngược lại, nếu quá trình đổi mới chậm lại, không theo kịp với những thay đổi từ bên ngoài và yêu cầu phát triển nội tại của đất nước, năng suất hiệu quả và năng lực cạnh tranh không được cải thiện, sẽ làm xói mòn niềm tin của thị trường và dân chúng vào việc tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô.

DNNN: Năng lực cạnh tranh kém

Khu vực kinh tế nhà nước có mức đầu tư khá cao (tiêu tốn trên 40% GDP) nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ khoảng trên 10%, thấp hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (19,6%) và khu vực kinh tế tư nhân (43,8%). Vì vậy cần soát xét lại hiệu quả việc đầu tư công của các DNNN.

Hiện nay cả nước còn trên 1.500 DNNN thuộc diện cổ phần hóa trong năm 2009-2010 nhưng phần lớn triển khai rất chậm chạp, không đạt lộ trình đề ra. Phần lớn các DNNN hiện nay làm ăn thua lỗ, chỉ có khoảng 300 DNNN hoạt động tương đối có hiệu quả, “gánh” 80% đóng góp của khu vực kinh tế này vào ngân sách nhà nước.

Chi đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 45% nhưng chỉ đóng góp 6,1% vào mức tăng sản lượng. Trong khi đó đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm 36% nhưng tăng sản lượng 28% và đầu tư nước ngoài với con số tương ứng 19% và 28%. Điều đó cho thấy hiệu quả đầu tư khu vực nước ngoài đạt cao nhất.

Nguồn: Tổng cục Thống kê


Bắt đầu từ đâu?

Từ thực trạng nền kinh tế, Chính phủ đặt kỳ vọng việc đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nước ta đạt được cơ cấu kinh tế tương đương trình độ phát triển trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người 3.000-3.200USD. Nền kinh tế mở cửa, có kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh tốt và tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải thiện năng suất và hiệu quả.

Chế biến cao su tại Nhà máy cao su Long Thành - một đơn vị của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tạo chuyển động về chất

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định sau khủng hoảng quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Vì vậy bộ này đã hoàn thành đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị của từng sản phẩm và toàn bộ nền kinh tế.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động và nội tại nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng giá trị nội địa hóa và xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc là phương hướng chủ yếu để nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập, tự chủ nền kinh tế.

Để tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề đầu tiên là phải nhận diện đúng thực trạng nền kinh tế để xác định được nội dung cần chuyển dịch hoặc tái cơ cấu bằng các giải pháp phù hợp.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu và trong điều kiện kinh tế thế giới chưa thật sự hồi phục sau khủng hoảng, việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta phải giải quyết 3 vấn đề lớn: Trước nhất, phải tạo nền tảng vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo ra sự cải cách đột biến về thể chế. Đó là việc hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với lộ trình cam kết WTO; phát triển cơ sở hạ tầng và giải tỏa các “điểm nghẽn” để thúc đẩy đầu tư kinh doanh một cách thông suốt cả về chiều sâu và trên diện rộng; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được cổ phần hóa, trở thành các công ty cổ phần đại chúng, được quản lý và hoạt động theo các quy tắc và thông lệ thị trường, thể hiện vai trò chi phối trong các ngành kinh tế then chốt nhờ nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Kinh tế tư nhân trong nước cần phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào các ngành có lợi thế cạnh tranh dựa trên thâm dụng vốn, công nghệ cao; có ảnh hưởng lan tỏa đến việc đổi mới và chuyển giao công nghệ cho các thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Xác lập các chủ thể nền kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp (VCCI), cho rằng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nội dung quan trọng là thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp. Yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hạ tầng của nền kinh tế là 3 yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tái cấu trúc. 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kiến nghị: “Tập đoàn nhà nước hiện có rất nhiều ưu đãi. Nhưng nếu so sánh giữa 2 khu vực tư nhân và Nhà nước thì hiệu quả sử dụng nguồn vốn, giải quyết công ăn việc làm, sử dụng công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân phát triển cao hơn. Dưới góc độ như vậy, các nguồn lực quốc gia nên được phân bổ một cách hợp lý, không nên quá phân biệt”.

“Trước hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng” - ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, bên cạnh hỗ trợ về tài chính, cần phải có thông tin định hướng cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ phần lớn doanh nghiệp vẫn còn rất lúng túng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt trong việc đầu tư đổi mới thiết bị.

“Mua công nghệ nào, thiết bị nào để có được sức cạnh tranh trong tương lai, chứ không chỉ là những công nghệ rẻ, đáp ứng được yêu cầu trước mắt, hiệu quả nhưng không có sức sống trong dài hạn. Đây là một thách thức rất lớn đối với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bên cạnh các cải cách về kinh tế vĩ mô cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải cách giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, đáp ứng giai đoạn chuyển đổi sắp tới nền kinh tế. Với mục tiêu hướng tới cơ cấu kinh tế có giá trị gia tăng và hiệu quả cao hơn, có nghĩa phải dựa trên những ngành công nghiệp, dịch vụ ở trình độ cao hơn. Và vấn đề này chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đảm bảo...

Xác định ngành, lợi thế mũi nhọn

Để nâng cao hiệu quả nền kinh tế phải ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh và xác định các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển trong giai đoạn mới. Các ngành, sản phẩm ưu tiên cho nền kinh tế cần phát triển mạnh là luyện kim, lọc và hóa dầu, điện tử tin học, dịch vụ du lịch.. Những ngành này sẽ thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, chế biến gỗ...

Bên cạnh đó phải nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp và chất ượng sống ở khu vực nông thôn. Việt Nam là một nước có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như lúa gạo ở ĐBSCL; cà phê, tiêu, điều, cao su... ở Tây nguyên, Đông Nam bộ.

Giải pháp xây dựng vùng động lực tăng trưởng cũng cần được xem xét thấu đáo. Các vùng này phải kết hợp được công nghiệp hóa với đô thị hóa, xóa bỏ không gian khép kín kinh tế địa phương. Chương trình đầu tư của nhà nước phải giải tỏa các “điểm nghẽn” của nền kinh tế như từng bước hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn, trước hết là hạ tầng giao thông.

Về mô hình triển khai, cần tập trung tối đa nguồn vốn nhà nước và huy động bằng các hình thức thích hợp vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác để trong thời hạn sớm nhất hình thành đồng bộ cơ sở hạ tầng trên các vùng tăng trưởng động lực. Hoàn thành sớm nhất 3 cảng nước sâu, 3 cảng hàng không quốc tế tại 3 vùng kinh tế trọng điểm, đủ khả năng kết nối có hiệu quả nền kinh tế nước ta với bên ngoài.


Ngăn chặn tình trạng chuyển giá

TPHCM có khoảng 3.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Báo cáo quyết toán thực tế từ năm 2008 trở về trước, 61% doanh nghiệp đều kê khai kinh doanh thua lỗ. Tình trạng các doanh nghiệp FDI kê khai thua lỗ trong năm 2009 cũng không thuyên giảm.

Mặc dù kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng quy mô hoạt động so với thời điểm cấp phép lên đến hàng chục lần. Biểu hiện rõ nét về việc lợi dụng chủ trương thông thoáng trong chính sách thu hút đầu tư là các công ty mẹ thành lập công ty con trong nước để được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, sử dụng lao động giá rẻ; chuyển giá về công ty mẹ để công ty con không có lãi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cách thức chuyển giá thông thường là công ty mẹ bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với gá cao hơn giá thị trường để làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con. Ngược lại, công ty con bán thành phẩm cho công ty mẹ với giá thành thấp hơn giá thị trường để làm giảm thu nhập chịu thuế.

Để ngăn chặn việc chuyển giá, Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Thuế xây dựng hướng dẫn việc xác định giá thị trường về giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết để làm căn cứ xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

(Nguồn: Tổng cục Thuế)


Định vị nền tảng vững chắc
 

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X vừa bế mạc đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 là phát triển nhanh gắn với bền vững; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường... Điều này cho thấy yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế ngày càng nóng bỏng.

Khách hàng chọn mua áo sơ mi CTCP may Nhà Bè tại siêu thị. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chẩn đoán và trị bệnh

Mục tiêu cuối cùng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm.

Nhìn vào đặc thù nền kinh tế nước ta, muốn làm được điều ấy phải chuyển đổi cơ bản từ một nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu sang một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; một nền công nghiệp chắp vá chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên khoáng sản và lắp ráp, gia công sang các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến. Đặc biệt, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp, có giá trị gia tăng cao.

GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định: Qua khủng hoảng, tất cả các nước đều phải tái cơ cấu nền kinh tế và Việt Nam sẽ tìm ra cơ hội mới của mình nếu tái cơ cấu, cải cách đúng hướng. Thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh và duy trì đà tăng trưởng nhưng chưa làm cho mình giàu tương ứng. Bởi lẽ hiệu quả nền kinh tế còn thấp. Khoa học công nghệ nước ta nếu không có sự thay đổi cơ bản không thể tăng trưởng chất lượng cao.

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề hệ trọng, cần làm bài bản, không thể thực hiện bằng bộ máy hành chính thụ động. Để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế thành công, các giải pháp phải được định lượng, cụ thể hóa, vừa sát với tình hình Việt Nam vừa phù hợp với bối cảnh chung thế giới.

Để làm được điều này, nói như TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Việt Nam xác lập vị thế như thế nào sau giai đoạn khủng hoảng? Sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu... đã gây sức ép tiêu cực lên nền kinh tế.

“Nếu chậm khắc phục các vấn đề trên, nguy cơ xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục theo đuổi, dù tình hình kinh tế thế giới có phục hồi!” - ông Lịch nhấn mạnh.

Thật ra, tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu thường xuyên của bất cứ nền kinh tế nào. Trong bối cảnh thế giới biến động càng đòi hỏi sự linh hoạt, năng động để thích ứng.

Ngay cả năm 2009, năm nước ta chật vật chống suy thoái kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế - tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, như cấp bù lãi suất, hỗ trợ vốn đổi mới thiết bị máy móc, đầu tư sản phẩm mới, mở rộng thị trường nông thôn... Chính sách tài khóa cũng đã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là địa bàn nông thôn; đầu tư vào những ngành có lợi thế, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu...

Nhưng hầu như các tác động này vẫn chưa đủ “đô” để làm doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, đứng vững. Và sau khi chấm dứt hỗ trợ vốn và lãi suất, các doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn, căn bệnh cũ tái phát. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 70% GDP. Do đó, khi thị trường thế giới biến động hoặc khi một số nước lập hàng rào bảo hộ mậu dịch, ngay lập tức các doanh nghiệp trong nước liền bị rung lắc, chịu tác động bất lợi.

Xác lập sự liên thông, bổ trợ giữa thị trường bên ngoài và thị trường nội địa vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Sau khi có chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp đã chú ý hơn việc khai thác thị trường nội địa với số dân hơn 85 triệu người. Tuy nhiên, để chủ trương này mang lại hiệu quả thực tế cũng cần tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với “thượng đế” – người tiêu dùng trong nước.

Kinh nghiệm các nước thuộc những nền kinh tế mới nổi phục hồi nhanh trong cơn khủng hoảng kinh tế vừa qua cho thấy, họ đều khai thác có hiệu quả thị trường nội địa. Và để củng cố thị trường nội địa, cần có chính sách, giải pháp mới thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ tín dụng trung dài hạn để doanh nghiệp cải tiến thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Quyết tâm và lộ trình

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, để tái cấu trúc nền kinh tế cần phải tổng kết lại thực tiễn phát triển vừa qua để phát huy những mặt mạnh và hạn chế, sửa chữa những yếu kém. Vấn đề là phải tìm ra được những “địa chỉ” để sửa chữa, đồng thời phải hòa nhập được với những thay đổi của thế giới.

Mặt khác, cần phải sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN và hệ thống doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu cũng là khai thác mặt mạnh, khắc phục mặt kém trên tinh thần xử lý rốt ráo các vấn đề mới đang nảy sinh. Cần chú ý đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân cũng như vai trò “huyết mạch” của DNNN. Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, điều quan trọng là phải nhận diện tình hình và phát hiện những vấn đề mới xuất hiện để có thể chớp thời cơ, đi nhanh hơn.

Tái cơ cấu nền kinh tế là nhằm xoay chuyển và định vị lại hoạt động kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hội nhập sâu để trở thành một mắt xích trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Để làm được việc này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng.

Đề án tái cơ cấu đã đưa ra 11 giải pháp để khắc phục các điểm yếu của nền kinh tế, như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hẹp dần bội chi ngân sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bãi bỏ các phân biệt đối xử trong gia nhập thị trường, về quyền kinh doanh các thành phần kinh tế...

Theo đó, Chính phủ sẽ thành lập Tổng cục Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân, thành lập Quỹ bảo lãnh đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bắt buộc các tổ chức tín dụng phải dành ít nhất 30% vốn đầu tư tín dụng khu vực này. Đề án cũng đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban Cải cách và phát triển hoặc Bộ Phát triển kinh tế để có đủ thẩm quyền, năng lực thực thi tái cấu trúc nền kinh tế.

Để định vị nền kinh tế phát triển theo hướng vững chắc, nước ta còn phải giải quyết tiếp 2 vấn đề: Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn lực. Nếu 2 vấn đề này còn cản trở thì tái cấu trúc chưa thể thành công.

Là một chuyên gia phản biện đề án, TS. Cao Sỹ Kiêm đã nêu ý kiến: “Đề án muốn trở thành hiện thực phải quy định rõ bao giờ làm, ai làm, làm đến lúc nào xong và điều kiện để thực hiện là gì. Nếu không quyết tâm và đề ra lộ trình triển khai sẽ rất khó thành công”.

Việt Nam tụt 7 bậc về năng lực cạnh tranh

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa cảnh báo một lần nữa về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nếu tiếp tục mô hình xuất khẩu dựa vào nguyên liệu thô và lao động giá rẻ. Sự thay đổi của WEF trong lần xếp hạng này là nâng trọng số nhóm tiêu chí cơ bản từ 60% trước đây lên khoảng 70%.

 Vì vậy, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2009-2010 là 82/133. So với công bố tháng 10-2009, năng lực cạnh tranh Việt Nam giảm 7 bậc.

Sự thay đổi này cho thấy thế giới khẳng định xu thế không coi trọng sự phát triển dựa trên xuất khẩu thô, dựa vào lĩnh vực thâm dụng lao động, tài nguyên. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải hướng trọng tâm vào cải thiện năng suất, chất lượng tăng trưởng chứ không phải tốc độ tăng GDP. Chính chất lượng tăng trưởng là yếu tố tác động đến sự thịnh vượng quốc gia.

 

(Theo Thúy Phương - Phan Thảo // SGGP Online)

Bài thuộc chuyên đề: Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020

  • Phó tổng giám đốc IMF John Lipsky: Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập cao hơn
  • Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách
  • Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng
  • Kiềm chế lạm phát: Bài toán tổng thể
  • Sức hút của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng
  • Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010: Nhiều giải pháp để về đích
  • Hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2010
  • WB: 35 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi