Trước thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta đang gặp phải những rào cản, mà chủ yếu là nhân tố bên trong như tư duy kinh tế, hệ thống thể chế, bất cập trong phân cấp quyết định đầu tư, phát triển tràn lan nhiều dự án lớn mà không tính đến thực trạng cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội… PV có cuộc trao đổi cùng TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) xung quanh vấn đề này .
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, có thể thấy nền kinh tế VN đã bắt đầu đà khôi phục và có vẻ như tương đối vững chắc. Tuy nhiên đằng sau đà hồi phục còn nhiều vấn đề, trong đó có nhập siêu.
Còn đó những điểm yếu ?
- Đây chính là “khuyết tật” của cơ cấu kinh tế, thưa ông ?
Thực tế là trong 6 tháng đầu năm nhập khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi xuất khẩu tăng có 10%. Tức là ngay cả trong khi nền kinh tế hồi phục thì khuyết tật của cơ cấu nền kinh tế cũng hiện ra rất rõ. Chúng ta là nền kinh tế gia công, nhập khẩu để xuất khẩu, chứ không phải chúng ta tạo được giá trị gia tăng lớn của kinh tế trong nước để phục vụ cho XK - Đấy là vấn đề quan trọng thứ nhất.
Một vấn đề liên quan nữa là tỷ giá. Khi nhập siêu lớn, (trong 5 tháng đầu năm, nhập siêu 5,5 tỷ USD - kể cả xuất vàng). Điều đó có nghĩa là tỷ giá của VN không thể ổn định trước sức ép lâu dài của nhập siêu. Và có thể thấy sức ép hiện nay là VND sẽ phải giảm giá. Khi đó, với chính sách duy trì tỷ giá, trong khi dự trữ ngoại hối của VN suy giảm rất mạnh so với năm 2008 – 2009 thì đây là bài toán rất lớn của kinh tế vĩ mô.
- Liên quan đến tỷ giá còn có một vấn đề là đầu quý 1, với sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rất lớn, nhiều DN đã vay USD, bán lại USD cho ngân hàng để lấy VND. Điều này có thể tạo rủi ro cho tỷ giá trong thời gian tới khi các hợp đồng cho vay đến kỳ đáo hạn ?
Thông thường những hợp đồng kéo dài khoảng 6 tháng, có nghĩa là đến quý 3/2010 chu trình đó được đảo ngược trở lại theo nghĩa là các DN sẽ phải trả USD, và khi thu nhập của DN là bằng tiền Việt, thì DN phải mua USD để trả ngân hàng.
Như vậy, việc thị trường ngoại hối có vẻ đang ổn định lại đang ẩn chứa làn sóng ngầm bên trong và nó có thể nổi lên bề mặt khi các DN mua USD trở lại để trả cho ngân hàng. Lúc đó sức ép tỷ giá như tôi vừa nói cộng với nhu cầu USD đột biến có thể tạo nên sự biến động mới về tỷ giá. Đây chính là dấu hiệu tạo ra sự rủi ro cho nền kinh tế.
Thực ra mọi việc không thuần tuý nằm ở lãi suất vì thực ra nếu lãi suất cao mà DN có cơ hội tốt thì DN vẫn có thể vay, sản xuất và có lãi.
Tuy nhiên, khi cơ hội có mức độ, còn lãi suất - chi phí vốn cao thì nó sẽ loại một loạt hoạt động kinh tế ra ngoài phạm vi có thể thực hiện được hoặc thực hiện có lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh tế của các DN sẽ bị thu hẹp. Giả sử các DN có hoạt động thì hoạt động đó bị vướng vào hoạt động có tính rủi ro cao. Cần phải có sự sinh lời kỳ vọng đủ lớn để trang trải lãi suất.
- Lãi suất ở mức độ cao cũng là vấn đề có tính cơ cấu của VN, thưa ông ?
Ví dụ Chính phủ nói rằng phải hạ lãi suất xuống nhưng trong bối cảnh lạm phát ở mức độ trên dưới 10% thì không thể nào hạ lãi suất được, bởi người gửi tiền sẽ phải có kỳ vọng về lãi suất trên mức lạm phát để có lợi nhuận chứ không thể gửi tiền vào ngân hàng mà làm cho đồng tiền của mình mất giá trị. Tức là lãi suất tiền gửi thấp nhất cũng phải còn 10%. Thì lãi suất cho vay thấp nhất cũng phải 13 – 14%. Khi hai chuyện đó với chuyện cứ ép lãi suất xuống thì gần như là điều không thể. Đấy là điều có tính cơ cấu xuất phát từ nền kinh tế lạm phát cao. Và lạm phát cao là do chúng ta muốn tăng trưởng bằng vốn.
- Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn nhất, đã có dự báo rằng các DN VN sẽ phá sản hàng loạt kiểu như hiệu ứng “đomino” như các nước khác (kể cả các nước phát triển). Nhưng đến thời điểm này, chỉ có rất ít DN phải tuyên bố dừng hoạt động, thưa ông ?
Ở VN các DN không như ở các nước, sự phá sản ở VN rất phức tạp. Thứ nhất, để phá sản, DN VN mất từ 3 - 5 năm là chuyện bình thường. Và đó không chỉ là vấn đề về thời gian mà là vấn đề về “sĩ diện”, về hình ảnh của DN. Ở các nước phá sản là tái cơ cấu, tức là sử dụng cơ chế phá sản như là một cơ hội để cơ cấu lại Cty, tái cơ cấu các khoản nợ. Còn ở VN, phá sản được hiểu là khuynh gia bại sản.
Như vậy, từ góc độ liên quan đến thể chế, liên quan đến luật pháp, quan niệm mang tính chất tâm lý của các DN làm cho hoạt động phá sản diễn ra lặng lẽ, chìm xuống trong cuộc sống hàng ngày chứ không nổi lên thành hiện tượng. Chúng ta không nhìn thấy DN phá sản nhưng có thể nhìn thấy nhiều DN lẳng lặng cho công nhân nghỉ việc, lúc nào có hợp đồng thì lại lẳng lặng gọi công nhân vào làm. Tức là mọi thứ diễn ra dưới bề mặt không thể quan sát chứ không phải không có.
Bên cạnh đó, tính nhỏ lẻ, phi chính thức của DN VN cũng làm cho hoạt động phá sản cũng nhỏ lẻ và phi chính thức, không nổi lên.
- Quay trở lại vấn đề nhập siêu, theo ông nguồn gốc ở đây là gì ?
Nguồn gốc nhập siêu lớn nhất thì phải kể đến là các tập đoàn, TCty nhà nước và các khoản đầu tư công. Ví dụ nhà máy lọc dầu Dung Quất - cả dự án trên 3 tỷ USD về cơ bản là nhập siêu. Dự án đóng tàu của Vinashin về cơ bản cũng là nhập siêu. (Vinashin phải nhập khoảng trên 90% từ thép, vỏ tàu, bánh lái... thậm chí nhập cả từ que hàn, ốc, vít) sau đó thêm gia công của VN vào. Khi tỷ lệ nhập khẩu lớn như vậy trong khi giá trị gia tăng không tương ứng thì nó sẽ thành nhập siêu. Đơn cử nếu dự án đầu tư công như đường sắt cao tốc nếu được Quốc hội chấp thuận chủ trương thì cũng phải nhập chứ không thể sản xuất tại chỗ.
Giải pháp hạn chế rủi ro
- Vậy theo ông, cần giải pháp để giảm rủi ro cho nền kinh tế ?
Chính bài toán bàn cờ - khi bàn cờ kinh tế chia ra thành nhiều ô ngang chéo, khiến nền kinh tế của VN bị xẻ lẻ, chia ra làm rất nhiều ô. mỗi nền kinh tế đó tạo thành một nhóm đặc quyền đặc lợi, cạnh tranh không lành mạnh với nhau sẽ phá vỡ các chiến lược, quy hoạch kế hoạch của VN ngay cả khi các quy hoạch “thật đẹp”. Chính cách chia chẻ như thế sẽ phá vỡ hoàn toàn chính sách đường lối. Và làm cho nhiều kế hoạch trở thành vô hiệu lực.
- Vậy vấn đề trước mắt chúng ta cần làm là gì ?
Có hai vấn đề cơ cấu. Vấn đề thứ nhất liên quan đến phân bổ nguồn lực: đất đai, nguồn lực tài nguyên, vốn, con người... Mà phân bổ nguồn lực hiện nay ở VN là ưu tiên cho khu vực kém hiệu quả như quan điểm của một số chuyên gia đã nói là vấn đề cơ bản nhất trong khía cạnh này là do khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo.
Thứ 2 là thay đổi cơ cấu về phân cấp để đảm bảo đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Trong đó, chúng ta cần có cơ chế điều phối vùng. Hiện nay chúng ta chia ra 9 vùng. tuy nhiên, cơ chế không rõ ràng. Ngay cách chia vùng của VN hiện nay vẫn còn chồng chéo, một địa phương nằm trên nhiều vùng khác nhau. Chẳng hạn như Hà Nội vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, vừa thuộc vùng thủ đô, Hà Nội lại vừa có cơ chế riêng của nó. Đồng thời lại liên quan đến một loạt tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Chính sự chồng chéo này phá vỡ hoàn toàn các cơ chế quy hoạch vùng khác. Vì vậy, cần có sự phân chia và điều phối vùng đảm bảo sự điều phối vùng đó có thể đưa ra được chính sách cũng như cơ chế điều phối.
Ở VN có tình trạng, các tỉnh theo hay không theo cơ chế điều phối khung cũng không ảnh hưởng gì. Một năm họp đôi lần, họp xong ai về nhà nấy và muốn làm gì thì làm. Chứ không phải có một cơ chế khung, ai không theo cơ chế điều phối khung sẽ có chế tài, theo cơ chế khung thì có cơ chế khuyến khích. Khi khung đó không có và không hiệu lực thì phá vỡ mọi thứ.
- Vậy chúng ta nên theo mô hình nào, thưa ông ?
Nhìn những nước xung quanh như Trung Quốc có 31 tỉnh, Hàn Quốc có 19 tỉnh, Nhật Bản cũng tương tự có thể thấy mô hình các nước Đông Á rất ít tỉnh, còn mô hình Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... có nhiều tỉnh. Và đặc điểm chung của chúng ta đi theo mô hình các nước Đông Nam Á khiến nền kinh tế bị chia chẻ, phân tán. Tuy nhiên, mỗi nước có đặc trưng riêng và nếu mình cứ trói vào việc học kinh nghiệm một nước nào đó thì khó nhưng sẽ rút ra kinh nghiệm từ một số quốc gia. Theo tôi, ở trạng thái hiện nay, VN nên tập trung phát triển vào khu vực DNNVV.
- Khi xác định DN dân doanh phải là nền tảng thì cơ chế cần thay đổi như thế nào, thưa ông ?
Cụ thể là chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ lãi suất phải khác đi, chính sách phát triển thị trường chứng khoán cũng như chính sách thể chế luật lệ cũng phải khác đi. Đó phải là mô hình mà các chính sách cụ thể đi theo phải nhất quán.
Để làm được điều đó cần có quyết tâm rất lớn. Chiến lược chính sách nhất quán và hệ thống thực thi ở dưới phải được cấu hình theo cách đó để hỗ trợ chứ không phải phá vỡ.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com