Trao đổi với báo giới tại buổi giới thiệu bản Báo cáo tình hình kinh tế VN 2010 do Phái đoàn EU và Tham tán Thương mại 27 quốc gia thành viên EU tại Hà Nội thực hiện mới đây, khi đề cập vấn đề rào cản thương mại, ông Sean Doyle - Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại VN cho rằng việc áp dụng hàng rào kỹ thuật là cần thiết để đảm bảo sự minh bạch trong thương mại.
Đề cập vấn đề giày mũ da VN, Đại sứ Sean Doyle cho rằng, thuế chống thuế bán phá giá với giày VN chỉ áp dụng với một số mã hàng nhỏ, đó chính là giày mũ da và hiện nay, giày dép XK của VN sang EU vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Ông cũng lưu ý tới việc VN và EU sẽ sớm mở đàm phán song phương về khu vực mậu dịch tự do, và tin tưởng trong năm nay việc đàm phán sẽ chính thức bắt đầu và khu vực mậu dịch tự do sẽ là kênh quan trọng để giải quyết những vấn đề như chống bán phá giá. "Một FTA giữa VN và EU sẽ là một kênh ổn định để đưa ra các mức thuế để tránh những biện pháp thương mại gây ảnh hưởng tới đôi bên như việc hạ giá mặt hàng của những nhà sản xuất của các nước XK" - Đại sứ Sean Doyle nói.
- Tuy nhiên, nhiều rào cản thương mại đang được EU dựng lên nhằm hạn chế hàng hoá XK của các nước trong đó có VN, điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc XK hàng hoá giữa các nước, ông nghĩ sao về điều này ?
Tôi muốn nói rằng tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng một mức nào đó hàng rào kỹ thuật. Và việc áp dụng hàng rào kỹ thuật là cần thiết. ví dụ EU dựng hàng rào kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi không thể để những hàng hoá, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xâm nhập EU, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng, có thể lưu thông trong thị trường của chúng tôi...
Bất cứ một sản phẩm nào đến từ các nước nghèo khi xâm nhập thị trường lớn hơn thường bán với giá thấp. Nhưng cũng có những sản phẩm được bán với giá thấp đến nỗi những nhà sản xuất, những người công nhân cùng sản xuất mặt hàng đó ở những nước có thu nhập cao hơn bị mất công ăn việc làm, từ đó họ kêu gọi tìm hiểu cần làm rõ điều này. Đó là lý do tại sao lại có những cuộc điều tra chống bán phá giá. Từ những cuộc điều tra này chúng tôi luôn xem xét và trả lời những câu hỏi như: liệu có phải những lợi nhuận từ những nhà sản xuất ở các nước nghèo có được có phải họ có được từ việc cấp đất không hay việc cho thuê đất với giá rẻ từ Chính phủ, liệu có phải được cấp vốn mà không phải trả lãi... chúng tôi luôn tìm hiểu những nhà sản xuất đó có cạnh tranh trên một nền tảng công bằng hay không ?
Tôi nghĩ rằng VN cũng sẽ phải sử dụng những hàng rào kỹ thuật trong tương lai.
- Vậy để có thể tránh bị kiện chống bán phá giá cũng như nâng cao được giá trị XK, theo ông các DN VN cần phải làm gì ?
VN đã mở rộng thị trường cho hàng hoá của mình, tạo được vị thế trên thế giới. Hai hiệp định rất quan trọng là Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện giữa VN và Liên minh Châu Âu (PCA) và Hiệp định khu vực tự do mậu dịch với Châu Âu sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng XK và tăng trưởng kinh tế cho VN. Đây là cơ hội cho giới DN và nền kinh tế VN. Lời khuyên của tôi có lẽ là các DN VN cần gia tăng giá trị hàng hóa. Ví dụ, đừng XK hạt cà phê thô, mà nên chế biến, đóng gói và XK. Nếu chỉ XK hạt cà phê thô thì có thể một DN ở một đất nước nào đó sẽ làm những công việc còn lại. Nghe có vẻ đơn giản hơn nhưng có khi họ lại kiếm được nhiều tiền hơn chính những công nhân trồng cà phê tại VN.
Một điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các mặt hàng khác như: hải sản, mỹ nghệ, đồ gỗ... Nói một cách ngắn gọn là các DN VN cần dịch chuyển nhanh hơn trên thang chuỗi giá trị. Có lẽ đó là cơ hội duy nhất cho các DNNVV VN nếu như họ muốn tăng trưởng mạnh mẽ.
- EU mong đợi điều gì từ VN xét trên góc độ đầu tư nước ngoài, liệu VN có còn là nơi chi phí và nhân công rẻ để thu hút đầu tư hay không, thưa ông ?
Tôi cho rằng VN nên gia nhập chuỗi sản xuất giá trị cao hơn. Tôi cho rằng, VN không nên cạnh tranh hàng giá rẻ. Nếu VN nghĩ mình đã sản xuất ra sản phẩm giá rẻ thì khi cạnh tranh trên thị trường thế giới, sẽ thấy còn nhiều nước khác có thể sản xuất mặt hàng cùng loại với giá rẻ hơn hàng của VN.
Trong việc thu hút đầu tư và thương mại, tôi tin rằng EU vẫn tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng mang tính chiến lược của VN trên tất cả các lĩnh vực.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Tuấn Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com