Năm 2010, cả nước nhập siêu trên 12 tỉ USD. Đây được coi là một kết quả tích cực vì đạt dưới mức kế hoạch (20 tỉ USD) đề ra cho năm 2010. Song, để Việt Nam chấm dứt tình trạng nhập siêu và dần trở thành nước xuất siêu – đó là cả một bài toán hóc búa.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện “kiềm chế nhập siêu”.
12 tỷ USD – con số nhập siêu của nước ta năm 2010 được ngành công thương đánh giá là đạt kết quả tốt vì dưới mức đề ra là 20 tỷ USD. Có thể coi đây là tín hiệu vui của nền kinh tế không, thưa ông?
Không hoàn toàn là tín hiệu vui. Bởi, tuy năm nay chúng ta hạn chế được nhập siêu song có thể nói, nhập siêu ở Việt Nam có nhiều đặc điểm “độc nhất vô nhị”. Tình trạng nhập siêu đã kéo dài 20 năm, kể từ năm 1990 đến nay. Các cơ quan chức năng lý giải là do thời kì đầu của công nghiệp hóa, phải nhập máy móc, nguyên vật liệu... Tôi không phủ nhận điều đó. Đúng là các nước khác khi trải qua quá trình công nghiệp hóa cũng rơi vào tình trạng nhập siêu, nhưng chỉ kéo dài 3 - 5 năm. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng nhập siêu đã thành bệnh kinh niên. Thậm chí cả nông nghiệp cũng nhập siêu.
Tôi cho là nhập siêu của Việt Nam không nằm ở nguyên nhân mang tính nhất thời hay các nguyên nhân mang tính nghiệp vụ. Nhất thời nghĩa là tại thời điểm này chúng ta nhập nhiều để chuẩn bị cho đợt xuất khẩu sau. Còn nguyên nhân nghiệp vụ có thể là do quản lý xuất, nhập không chặt chẽ. Trong khi đó biện pháp giải quyết nhập siêu của ta lại mang tính nghiệp vụ, nhất thời, ngắn hạn, “nhịn” nhập khẩu năm nay để giảm nhập siêu xuống nhưng sang năm sau lại phải nhập bù.
Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu, chủ yếu chúng ta đang nhập nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Hàng tiêu dùng rất ít. Như vậy, nhập siêu là để phục vụ sản xuất là chính?
Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, chúng ta nói rằng chủ yếu nhập nguyên vật liệu, máy móc nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng rất ít. Nhưng chúng ta cần xem hàng tiêu dùng ở đây là gì, nguyên vật liệu là gì. Nhập linh kiện về để sản xuất ô tô có tính là nhập thiết bị máy móc không hay là hàng tiêu dùng vì ô tô chủ yếu bán trong nước mà không xuất khẩu.
Trước đây, chúng ta nói rằng nhập nguyên vât liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thực ra với ngành dệt may, da giầy có thể đúng. Nhưng hiện nay rất nhiều ngành hàng trong nước nhập vật tư thiết bị, linh kiện không phải để xuất khẩu mà là để tiêu dùng trong nước. Nguyên nhân là do lợi nhuận trong các ngành sản xuất thua kém rất nhiều so với lợi nhuận thương mại. Bởi vậy, doanh nghiệp đã chuyển từ việc sản xuất sang nhập hàng về bán. Thậm chí, bia rượu và giải khát cũng nhập khẩu. Ngay như khóa Minh Khai là một thương hiệu có tiếng ở Việt Nam cuối cùng cũng bỏ sản xuất, nhập linh kiện để lắp ráp. Các mặt hàng điện, điện tử tuy gắn mác Việt Nam nhưng linh kiện đều của Trung Quốc...
Có thực tế là khi chúng ta xuất khẩu càng nhiều nhập khẩu càng tăng lên. Vậy phải chăng, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng cần được khuyến khích phát triển để hạn chế bớt nhập khẩu?
Đây là vấn đề mấu chốt, tức là phải làm ra linh kiện của mình nhưng phải nhớ là chúng ta không thể làm tất cả. Làm linh kiện phải xem qui mô thị trường, thị trường lớn mới có điều kiện mở rộng qui mô, chuyên môn hóa triệt để, nâng cao năng suất. Qui mô thị trường Việt Nam nhỏ cho nên chúng ta phải lựa chọn, không nên có tư tưởng cái gì cũng làm hết mà phải tìm được linh kiện, phụ kiện sản xuất có hiệu quả.
Vậy lời giải cho bài toán khó này thế nào, thưa ông?
Muốn xuất khẩu được thì sản xuất phải phát triển. Nhưng sản xuất của ta hiện nay không thể phát triển thêm. Một số ngành xuất khẩu chủ lực đã phát triển hết khả năng theo bề rộng như gạo, thủy sản, cà phê, cao su, dệt may, da giầy... Việc huy động lực lượng để phát triển theo bề rộng đối với khoảng 20 mặt hàng chủ lực là đã hết. Việc phát triển theo chiều sâu chưa thực sự hiệu quả. Bản thân mặt hàng đã xuất khẩu cũng chưa thay đổi được công nghệ, chất lượng, mở rộng theo chiều sâu. Gạo vẫn là gạo nguyên liệu, cà phê vẫn là cà phê hạt đỏ hạt xanh. Duy có thủy sản, cụ thể là cá tra do thường xuyên phải đối mặt với kiện phá giá nên có thay đổi trong sản xuất, chế biến nhưng chưa phải là đột phá.
Nhìn sang các nước bạn, Thái Lan công bố có 2 ngành hàng dẫn dắt nền kinh tế là công nghiệp ô tô và công nghiệp điện, điện tử. Chỉ cần hai ngành hàng này có thể “cứu” toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Hay Malaysia lựa chọn phát triển công nghệ thông tin. Vậy ở Việt Nam là sản phẩm gì? Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa. Nhưng đến nay, nước ta vẫn chưa thể sản xuất xe máy, lắp ráp ô tô chỉ có hơn 10% nội địa hóa. Nếu nói là công nghiệp hóa thì ít nhất cũng phải có một sản phẩm công nghiệp, sản phẩm ấy là chủ lực để dẫn dắt nền kinh tế. Do vậy, chúng ta phải có chủ trương, chính sách công nghiệp hóa rõ rệt tập trung làm một ngành hàng để ngành hàng đó sẽ là xương sống của nền kinh tế.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua có nhiều ý nghĩa trong việc chuyển biến ý thức người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tìm đến với hàng trong nước nhiều hơn, cũng là yếu tố trong việc góp phần giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề kinh tế phải dùng chính sách kinh tế có hiệu quả, mang tính lâu dài. Không có chính sách kinh tế thì sự vận động chỉ có tính chất tạm thời. Do vậy, rất cần phải tìm ra các loại hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Và quan trọng nhất là khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ để có hàng hóa chất lượng, giá rẻ phục vụ người tiêu dùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com