![]() |
GS. Võ Quý. |
Mỗi loài sinh vật mất đi thì không bao giờ trở lại. Mỗi loài biến mất trong tự nhiên, đồng nghĩa với việc mất đi một mắt xích giúp duy trì sự sống trên trái đất. Trò chuyện với Giáo sư Võ Quý, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu các loài chim và môi trường, về bức tranh đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay.
Thưa giáo sư, có thông tin cho biết nhiều loài chim quý hiếm ở nước ta có nguy cơ biến mất? GS. Võ Quý: Riêng ở Việt Nam đã thống kê được 877 loài chim, trong đó, khoảng 100 loài thuộc loại hiếm. Một số loài có nguy cơ bị biến mất trong những năm gần đây. Ngay đối với những loài vốn phổ biến ở vùng đồng bằng cách đây đôi ba chục năm như Trĩ, Gà Lôi, chim Khách (Ác Là), Quạ Đen, Quạ Khoang, Vàng Anh, Tu Hú..., nay cũng rất ít khi gặp. Nguyên nhân là do chúng ta sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một cách bừa bãi. Còn nhiều trong số hàng ngàn loài sinh vật khác (kể cả những loài mà ta chưa biết đến) đang có nguy cơ biến mất trước tình trạng khai thác bừa bãi cũng như việc ngày càng có nhiều hoạt động hủy hoại môi trường. Loài Sếu đầu đỏ ở nước ta được xếp vào Sách Đỏ của thế giới và chúng ta đã xây dựng cả một vùng rộng lớn ở ĐBSCL cho loài chim này trú ngụ và phát triển. Tuy nhiên, chúng đang có nguy cơ biến mất khỏi đồng bằng. Xin giáo sư giải thích thêm. - Sau chiến tranh, loài Sếu đầu đỏ của nước ta tưởng chừng đã bị tiêu diệt. Nhưng vào năm 1985, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội, đã phát triển lại đàn sếu ở vùng Đồng Tháp Mười, tuy số lượng còn ít, chỉ khoảng vài chục con. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã dành 9.000 héc ta đất ở vùng Tam Nông để hình thành nơi bảo tồn, trú ngụ cho loài chim quý này, đó là khu bảo tồn sếu Tràm Chim. Vào những năm đầu thập kỷ 1990, có lúc đàn sếu Tràm Chim tăng lên hơn 1.000 con. Rừng tràm và đồng cỏ năng, nơi đàn sếu sinh sống được bảo vệ an toàn, nhiều loài chim ở nước khác cũng đã tụ về với số lượng ngày càng nhiều. Nhưng rồi dân số tăng, nơi sinh sống của sếu bắt đầu bị xâm hại để làm nông nghiệp, khai thác thủy sản, mật ong... và đàn sếu giảm dần, có năm chỉ còn khoảng vài trăm con. Còn có nguyên nhân nữa là, có những năm, mực nước ở ĐBSCL vào mùa nước nổi cao hơn so với mức bình thường, rừng tràm và đồng cỏ năng bị ngập sâu, sếu không có nơi kiếm ăn và trú qua đêm... Bởi vậy, điều kiện cần và đủ để “gọi” Sếu đầu đỏ trở về là phải tạo ra môi trường sống an toàn, yên tĩnh, đồng thời, có phương án xử lý mực nước lên xuống sao cho ổn định. Việc nhiều loài động, thực vật có khả năng biến mất sẽ tác động xấu đến môi trường như thế nào? - Hiện loài người chỉ mới biết khoảng 10% số loài sinh vật hiện diện trên trái đất. Bất cứ loài sinh vật nào nếu chẳng may bị tuyệt chủng, đều là tai họa cho nhân loại, vì giữa chúng luôn có sự tương tác với nhau giúp duy trì sự sống, sự tồn tại của thế giới. Thực ra, việc hình thành và mất đi của các loài trong tự nhiên là kết quả của quá trình tiến hóa, nhưng theo tự nhiên thì quá trình này thường diễn ra hết sức chậm chạp. Còn hiện nay, quá trình khai thác tài nguyên, khai thác rừng một cách bừa bãi của loài người đã khiến tốc độ biến mất của các loài sinh vật trở nên nhanh hơn, nhiều hơn, có thể phỏng đoán là gấp hàng trăm lần so với tốc độ của tự nhiên. Với tốc độ khai thác thiên nhiên như hiện nay, dự kiến chỉ trong vòng 10-20 năm nữa, tốc độ biến mất của các loài có thể gấp 1.000 lần, cũng có thể là 10.000 lần. Tự nhiên đã sinh ra muôn loài thì không có cái gì thừa. Trái đất phải mất cả triệu năm mới tạo nên được một loài để tham gia vào chuỗi mắt xích bảo vệ sự sinh tồn bền vững của trái đất! Mỗi một loài mất đi là không bao giờ trở lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với vai trò bảo vệ của chuỗi mắt xích tự nhiên trở nên yếu đi, sự sinh tồn của trái đất yếu đi. Giáo sư suy nghĩ thế nào về bài toán cân đối giữa một bên là nhu cầu phát triển nhưng phải hy sinh môi trường và một bên là bảo vệ môi trường? - Việt Nam đã lọt vào vùng quan ngại về vấn đề môi trường, theo quy ước của quốc tế. Trong vài ba chục năm qua, các hoạt động nhắm tới nhu cầu phát triển diễn ra quá nhanh nhưng lại thiếu sự khôn ngoan. Chính vì thế, môi trường ngày càng bị suy thoái. Riêng ở nước ta, nếu sắp tới đây, rừng tiếp tục bị tàn phá thì hạn hán, bão lũ sẽ ngày càng nặng nề hơn. Sự “giằng co” chọn lựa giữa việc phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên có sẵn với việc bảo vệ tài nguyên quốc gia luôn là vấn đề hóc búa đối với những nước gặp khó khăn về tài chính. Có điều, nếu muốn phát triển bền vững thì không thể bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Một khi môi trường và tài nguyên thiên nhiên đã bị suy thoái quá mức thì khó lòng mà hồi phục và sự trả giá là rất đắt. Một nước có đến 75% diện tích là đồi núi như nước ta, để có được sự cân bằng sinh thái, ít nhất phải có 50% diện tích đất tự nhiên có rừng tốt (rừng già, rừng tự nhiên) che phủ. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ có khoảng 38% diện tích có rừng, mà phần lớn lại là rừng thưa hoặc rừng tái sinh, còn rừng tự nhiên thì chỉ còn khoảng 10%. Nếu so sánh với bên ngoài, Nhật Bản chẳng hạn, nước này có độ che phủ rừng tự nhiên lên tới 78%. Hiện Chính phủ đã có chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó điểm nhấn là tăng cường công tác trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, giáo sư đánh giá thế nào về nỗ lực này? - Theo thống kê của Chính phủ, hiện diện tích độ che phủ đất rừng đã tăng từ 28% lên 38%. Nhưng như tôi đã nói, phần lớn là rừng thưa, rừng trồng cây mọc nhanh để mau chóng có màu xanh che phủ đất trống, đồi núi trọc. Nếu nhắm đến mục đích kinh tế trước mắt thì một số cây trồng có thể đáp ứng, tuy nhiên giá trị đối với thiên nhiên là rất thấp. Các loại rừng đó không thích hợp với nhiều loài động vật ở nước ta nên mức độ đa dạng sinh học thấp. Bởi thế, trong những năm qua, dù độ che phủ của rừng có tăng, nhưng xét về mặt sinh thái thì không đáp ứng yêu cầu, nhất là khi biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến rất nhanh. Một khi còn có thể, ta cần phải khẩn trương thay thế dần những khu rừng keo hay bạch đàn bằng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao để phục hồi mức đa dạng sinh học rất quý giá của nước ta. Năm 1985, khi làm Phó chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, có phải giáo sư đã từng đặt vấn đề cần bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên một cách hợp lý với lãnh đạo Đảng và Nhà nước? - Có. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học công nghệ và ông đã rất quan tâm đến chương trình này. Còn nhớ khi đó, tôi đã từng cảnh báo với Tổng bí thư Lê Duẩn rằng nếu không sớm lo bảo vệ môi trường, nhất là tài nguyên rừng thì chỉ sau 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn rừng. Không còn rừng thì không còn nước phục vụ nông nghiệp. Và như vậy sẽ có nguy cơ đói! Tổng bí thư có vẻ xuôi tai nhưng không hiểu vì sao tôi lại được giao nhiệm vụ là phải đi nói cho tất cả các bí thư và chủ tịch cấp huyện thấu hiểu vấn đề. Tôi đã trình bày rằng đó là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, vì một người như tôi không thể và không có điều kiện hoàn thành công việc ấy. Cho đến nay, hai mươi lăm năm đã trôi qua, có thể thấy vấn đề bảo vệ môi trường chưa thực sự được quan tâm, dù rất nhiều người đã hiểu rằng môi trường quan trọng như thế nào đối với sự tồn tại của tất cả chúng ta. Năm ngoái, khi tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có hỏi tôi còn làm môi trường nữa không? Khi tôi trả lời vẫn còn làm, ông liền dặn dò: “Anh phải tiếp tục nói mạnh về vấn đề này như đã từng nói với Tổng bí thư Lê Duẩn vậy”!Việt Nam được xem là một trong những nước có tài nguyên sinh học phong phú nhất trên thế giới. Các nhà khoa học đã thống kê được ở Việt Nam có 310 loài thú, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 700 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển, hàng ngàn loài côn trùng..., 11.376 loài thực vật bậc cao và 2.393 loài thực vật bậc thấp... Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều loài mà các nhà khoa học chưa biết đến.
(Theo Lê Hà // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com