Theo ông Vũ Bá Phú, điều kiện để áp dụng các biện pháp PVTM bao gồm: Sự gia tăng đột biến của một loại hàng hoá, gây khó khăn, thiệt hại với ngành sản xuất trong nước. Hàng hoá nhập khẩu đó có thể làm DN trong nước bị phá sản, hoặc giảm doanh thu rõ rệt, mất công ăn việc làm của người lao động...
- Trong khi hàng hóa của nhiều DN VN thường xuyên phải đối mặt với các biện pháp PVTM của một số nước thì các DN VN lại chưa tận dụng được lợi thế của biện pháp này ngay trên “sân nhà” ?
Đây là hai mặt của một vấn đề. Trước hết, khi chúng ta dựng hàng rào kỹ thuật thì không được phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, nghĩa là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm... với hàng nhập khẩu như thế nào thì chúng ta cũng phải áp dụng như thế với hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do năng lực DN của chúng ta còn hạn chế, chưa thể áp dụng những quy trình sản xuất ở mức cao, mà nếu có tuân thủ sẽ làm đội giá thành, dẫn đến hàng trong nước kém cạnh tranh.
Mặt khác, các nhà sản xuất trong nước có thể chưa thực sự hiểu hết lợi ích, tác dụng của các biện pháp khắc phục thương mại.
- Theo ông những mặt hàng nào của VN hiện nay có thể cần phải áp dụng các biện pháp PVTM trước sự cạnh tranh không lành mạnh của các hàng nhập khẩu ?
Chúng ta có thể thấy một số mặt hàng, sản phẩm trong nước khá phát triển như vật liệu xây dựng: xi măng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh... Những sản phẩm này hiện nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, Tây Ban Nha... Mặc dù ở trong nước cũng có những sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là những DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này như Inax, Toto...
Chúng tôi đặt câu hỏi là tại sao các DN cùng sản xuất mặt hàng này lại không ngồi với nhau để rà soát và phân tích liệu rằng những mặt hàng nhập khẩu ấy có nguy cơ đe doạ các mặt hàng sản xuất trong nước hay không ? Đồng thời đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước điều tra hoặc có các biện pháp thích hợp để bảo vệ nền sản xuất của mình.
- Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp PVTM cũng như con dao hai lưỡi, không khéo sẽ khiến các DN trong nước ỷ lại, dẫn đến nguy cơ hàng giảm tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu ?
Các DN nên hiểu rằng đây là các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, các DN cần nắm được những nguyên tắc sử dụng, áp dụng trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao... Để các công cụ này thực sự phát huy tác dụng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DN chứ không phải là một công cụ để các DN lạm dụng, ỷ lại. Các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho DN về các công cụ chính sách này.
- Vậy chúng ta rút ra bài học gì từ sự xung đột giữa hai nhóm DN sản xuất và nhập khẩu như trong việc áp dụng các biện pháp PVTM đối với kính nổi năm ngoái, thưa ông ?
Trong trường hợp mặt hàng kính nổi sở dĩ có chuyện xung đột giữa hai nhóm DN, đó là các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu kính nổi. Rõ ràng, có xung đột lợi ích khi phía các nhà sản xuất trong nước muốn bán được hàng do mình sản xuất ra, còn các nhà nhập khẩu muốn duy trì nhập khẩu thoải mái để bán những mặt hàng của mình nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh hơn.
Tương tự như vậy, với ngành thép hiện nay, cũng có một số lượng lớn các DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những DN chuyên nhập khẩu mặt hàng này về bán ở thị trường trong nước.
Theo tôi điều quan trọng là các nhà sản xuất, kinh doanh cùng một mặt hàng nên đẩy mạnh liện kết để tìm giải pháp hài hoá, mang lại lợi ích cho cả hai phía.
- Có ý kiến cho rằng sở dĩ các mặt hàng trong nước luôn chịu “dưới cơ” các mặt hàng nhập khẩu, không tiến hành các biện pháp PVTM có nguyên nhân là do thiếu nguồn lực tài chính ? Ông có nhận định gì về ý kiến này ?
Tôi nghĩ đó chỉ là một trong những nguyên nhân. Sở dĩ các vụ kiện chống bán phá giá của các DN trong nước với hàng nhập khẩu hiện còn ít là do các DN chưa hiểu rõ hết những lợi ích mà các công cụ PVTM mang lại cho DN. Đây là những công cụ rất chủ động, nằm trong tay DN. Ngoài ra, nó hoàn toàn miễn phí, quan trọng hơn nó có thể áp dụng trong thời hạn 5 năm và có thể gia hạn thêm được 10 năm.
Nếu một DN làm ăn bài bản, khi gia nhập thị trường sản phẩm nào đấy họ có thể có những cân nhắc tính toán, có nên bỏ ra chi phí để đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp phù hợp với hàng hoá nhập khẩu VN. Theo tôi, khi mà các DN hiểu hết lợi ích của những công cụ chính sách này, chắc chắn sẽ tăng cường sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tôi nghĩ các DN của ta không thiếu nguồn lực, trong số những DN sản xuất những mặt hàng như tôi nói ở trên có nhiều DN lớn, nhiều kinh nghiệm kinh doanh...
- Vậy theo ông tại sao các sản phẩm, hàng hoá XK của VN luôn bị các nhà nhập khẩu nước ngoài kiện, đưa ra các hàng rào kỹ thuật khiến hàng XK luôn gặp khó khăn ?
Các DN nước ngoài họ làm ăn bài bản, luôn chủ động tìm đến các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, bảo vệ quyền lợi ích hơp pháp của mình. Chính vì vậy mà số lượng các vụ việc đưa ra luôn nhiều hơn ở VN. Bên cạnh đó, đứng về phía nguồn lực của cơ quan chức năng ở nước ngoài họ có kinh nghiệm hơn, có nguồn lực lớn hơn. Các cơ quan này ở nước ngoài thường ra đời sớm, nhiều nước thành lập ngay khi thành lập WTO, hoặc thành lập từ ngày thành lập GATT (tổ chức tiền thân WTO– PV). Hơn nữa, số lượng cán bộ, nhân viên điều tra lớn, ví dụ ở EU có tới hàng trăm người, ở Mỹ có hàng ngàn người... Trong khi đó ở VN cơ quan này chỉ có Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới ra đời từ năm 2006. Riêng bộ phận điều tra các biện pháp PVTM chỉ có 10 người, làm nhiều việc từ khởi kiện, theo kiện, kháng kiện... nên gặp không ít khó khăn.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com