Từ ngày 1/7/2010, hơn 1.500 DNNN sẽ chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Dưới đây là góc nhìn của một số chuyên gia về vấn đề này.
![]() TSVũ Đình Ánh: “Do áp lực thời gian nên việc chuyển đổi chỉ dừng ở thay đổi tên gọi” |
TS Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện Khoa học giá cả thị trường, Bộ Tài chính: Áp lực thời gian
Nếu căn cứ vào Nghị định 25/2010/NĐ - CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 5/5/2010), thì những đối tượng của việc chuyển đổi là doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn và doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng khó có khả năng hoàn thành trước ngày 1/7/2010, cần tạm thời chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sau đó chuyển đổi tiếp sang công ty cổ phần. Chỉ có vẻn vẹn 55 ngày cho một cuộc chuyển giao! Quá gấp gáp như vậy nên chỉ mang tính hình thức, cho đúng với cam kết của WTO mà thôi.
Phải khẳng định rằng, mục tiêu lớn nhất đặt ra cho quá trình chuyển đổi DNNN chính là tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp và khắc phục tình trạng làm ăn kém hiệu quả của DNNN. Nhưng muốn đạt được kỳ vọng này, việc chuyển đổi phải tạo được sự chuyển biến thực sự trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Vì thế, tính hiệu quả, chất lượng của công tác chuyển đổi phải được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, trên thực tế, do áp lực thời gian nên việc chuyển đổi chỉ dừng ở thay đổi tên gọi. Rồi sau đó doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiều lần chuyển đổi lòng vòng, gây tốn kém cả về kinh phí, thời gian, nhân lực...
Cùng với việc “đổi tên”, công ty sẽ chỉ có một chủ sở hữu cụ thể và chỉ chịu trách nhiệm trước ông chủ này. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh câu hỏi: Liệu ai sẽ đảm nhiệm tốt vai trò ông chủ sở hữu tại các công ty TNHH một thành viên này? Cũng theo Nghị định 25, sẽ có 4 ông chủ tương ứng với từng loại doanh nghiệp. Riêng với các công ty được chuyển đổi từ công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, quan trọng, Chính phủ còn để ngỏ trong việc xác định ông chủ.
Nhưng xem ra cách giải quyết này vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu cải cách triệt để khu vực DNNN.
![]() Luật gia Vũ Xuân Tiền: “QH cần đưa việc giám sát thực hiện CPH các công ty TNHH một thành viên vào chương trình giám sát” |
Luật gia Vũ Xuân Tiền: Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam: Làm sao xóa “bình mới, rượu cũ”?
Thứ nhất, về nhận thức tư tưởng, cần làm rõ khái niệm về “tư nhân hoá”. Khi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ chuyển chủ sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân. Vì vậy, không thể và không nên “dị ứng” với cụm từ “tư nhân hóa”.
Thứ hai, cần nghiên cứu tổng kết, đánh giá những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến trình cổ phần hoá DNNN trong thời gian trước đây, từ đó đề xuất biện pháp tháo gỡ “nút thắt”. Cần lưu ý, các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc cổ phần hóa DNNN trước đây và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu lại liên quan đến rất nhiều bộ, ngành. Do đó, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ - cơ quan phù hợp nhất để đảm nhận vai trò “nhạc trưởng” của chương trình này, cần phát huy tốt nhất vai trò của mình.
Thứ ba, cần ban hành mới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các công ty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi. Bởi lẽ, những văn bản trước đây, về nguyên tắc là đã hết hiệu lực thi hành.
Thứ tư, Quốc hội cần đưa việc giám sát thực hiện cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên vào chương trình giám sát của mình. Rất cần một nghị quyết của Quốc hội về yêu cầu, lộ trình của việc cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên và những biện pháp ngăn chặn tình trạng né tránh cổ phần hóa thông qua việc “thành lập tập đoàn” hoặc “gia nhập tập đoàn”.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ khẩn trương có văn bản quy định về lộ trình thực hiện việc cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên sau ngày 1/7/2010.
Thứ sáu, cần có ngay những quy định về cổ phần hóa các doanh nghiệp không chỉ giới hạn đối với các công ty TNHH một thành viên mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc các đoàn thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu.
![]() TSTrần Tiến Cường: “Phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định pháp luật khác về Nghị định 25” |
TS Trần Tiến Cường – Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Hậu 1/7/2010 sẽ thế nào?
Phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định pháp luật khác và Nghị định 25/2010/NĐ-CP. Về xử lý tài chính, cần khẩn trương xây dựng và ban hành hướng dẫn về quy chế tài chính đối với công ty TNHH một thành viên. Tương tự như vậy là việc cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với loại hình công ty này để đảm bảo có cơ sở pháp lý cho việc quản lý lao động, trả lương, thưởng tại doanh nghiệp sau chuyển đổi. Điều đáng lưu ý là có sự khác biệt nhất định trong quản lý lao động, trả lương, thưởng tại các công ty TNHH một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và các các công ty TNHH một thành viên khác.
Một vấn đề nữa là vướng mắc về chọn mô hình Hội đồng thành viên (HĐTV) hay Chủ tịch công ty. Nghị định 25/2010/NĐ - CP chỉ quy định bắt buộc áp dụng mô hình HĐTV đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ được chuyển đổi từ tổng công ty nhà nước. Đối với các doanh nghiệp khác, Nghị định dành quyền quyết định chọn mô hình cho chủ sở hữu công ty. Đây cũng là điểm các doanh nghiệp cần có sự hướng dẫn cụ thể.
Việc kiêm nhiệm hay tách bạch giữa Chủ tịch công ty và Tổng giám đốc cũng cần được làm rõ.
![]() PGS.TS Nguyễn Đình Tài: “Cơ cấu quản trị doanh nghiệp, chứ không phải cơ cấu sở hữu, quyết định thành công dài hạn của DNNN” |
PGS.TS Nguyễn Đình Tài: Phó Chủ nhiệm thường trực CLB DNNN: Mấu chốt là cải thiện quản trị công ty
Cơ cấu quản trị doanh nghiệp, chứ không phải cơ cấu sở hữu, quyết định thành công dài hạn của DNNN. Vì vậy, đối với công ty TNHH một thành viên nhà nước, trước hết cần có quy định về điều kiện trở thành thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc DNNN là công ty TNHH một thành viên.
Những công ty này cũng cần ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin và báo cáo thường xuyên cho chủ sở hữu về các vấn có liên quan của công ty. Bổ sung các quy định về cơ chế cho phép Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tiếp cận các thông tin thuộc quyền kiểm soát của Giám đốc, đồng thời đa dạng hóa các kênh thông tin ngoài chế độ báo cáo bằng sổ sách như hiện nay.
Hơn nữa, cần thống nhất các quy định về cơ chế hoạt động tài chính, lao động tiền lương của các công ty TNHH một thành viên, không quy định riêng cho công ty TNHH một thành viên 100% sở hữu nhà nước. Thống nhất áp dụng chế độ hợp đồng lao động đối với Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý điều hành của công ty TNHH một thành viên.
(Theo Ngọc Nhi // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com