Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, phải thúc đẩy đầu tư điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là cơ chế giá
. Phóng viên: Việc thiếu điện nghiêm trọng thời gian qua phải chăng do ngành điện đã không lường hết được phụ tải tăng để có kế hoạch đối phó, thưa ông?
- Ông Trần Viết Ngãi: Hiện nay, dự báo phụ tải điện hằng năm là do Viện Năng lượng thực hiện với sự kiểm tra của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN).
Từ năm 2009 đến nay, công tác dự báo có chặt chẽ hơn trước nhưng đã không đúng như tình hình thực tế. Như năm 2010, dự báo phụ tải tăng 17%-18% nhưng đã lên tới 25%-30% - mức kỷ lục từ trước đến nay.
Nguyên nhân của dự báo “non” này là do không tính hết được tốc độ gia tăng nhanh chóng số doanh nghiệp trong năm qua, với khoảng 5.000-7.000 nhà máy mới đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, đời sống nhân dân tăng lên, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh, đặc biệt là các đô thị. Trong khi đó, việc cân bằng năng lượng đang có vấn đề.
Cụ thể là hạn hán kéo dài, các hồ thủy điện luôn ở mực nước chết dẫn tới các nhà máy chỉ sản xuất 25%-30% trong khi thủy điện chiếm tới 60%-70% tổng sản lượng điện cả nước. Cùng với đó là một số nhà máy chậm đưa vào phát điện như Uông Bí, Cao Ngạn, Na Dương, Hải Phòng, Cẩm Phả.
. Tiến độ “rùa” trong đầu tư nhà máy điện cũng bị xem là nguyên nhân dẫn đến thiếu điện?
- Chậm tiến độ đúng là có tác động lớn. Thực tế thì các nhà máy hoàn thành việc xây dựng cũng không thể sản xuất ngay điện vì cần thời gian hiệu chỉnh, có khi tới 1-2 năm mới đạt được 100% công suất.
Các nhà máy nhiệt điện đầu tư trong những năm gần đâynhư Na Dương, Uông Bí, Cẩm Phả, Hải Phòng, Cao Ngạn... chủ yếu là thiết bị Trung Quốc, thiếu đồng bộ, không ổn định, nên thời gian hiệu chỉnh rất lâu dẫn đến tiến độ chậm, giá thành tăng.
Cần phát triển nhiều nguồn năng lượng cho quốc gia, trong đó có phong điện. Trong ảnh: Nhà máy điện gió công suất 100 MW/năm tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh do Công ty CP Phong Điện Fuhrlaenoder cung cấp)
. Việc thiếu điện là do EVN thiếu tầm nhìn trong quy hoạch phát triển sản xuất điện?
- Việc tập trung đầu tư xây dựng thủy điện trong những năm qua là hoàn toàn đúng và khai thác nguồn tài nguyên lớn, giá thành thấp và có sản lượng điện cao, việc vận hành nhà máy cũng ổn định.
Tuy nhiên, ngành điện đã phải đưa nhiều nhiệt điện chạy than vào để cân đối với nguồn cung thủy điện bị thiếu hụt do thời tiết và tăng phụ tải. Nếu nhìn trước khó khăn này thì khi đưa vào sớm 15.000-20.000 MW/năm nhiệt điện than thì việc tăng đột biến phụ tải vừa qua đã không thành vấn đề.
. Theo ông, đâu là giải pháp lâu dài cho việc thiếu điện hiện nay?
- Tài nguyên than, thủy điện dần dần sẽ cạn kiệt. Do vậy, phải có chính sách thúc đẩy đầu tư điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là cơ chế giá. Đặc biệt là điện gió, VN có tiềm năng sản lượng hàng chục ngàn MW/năm. Chỉ cần giá bán tới 9-10 cent/KWh là sẽ thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Xã hội hóa ngành điện rất chậm Ông Trần Viết Ngãi nhìn nhận xã hội hóa ngành điện đang rất chậm, có nhiều vấn đề. Hiện ngoài EVN, mới có các tập đoàn lớn trong nước quan tâm đến lĩnh vực này như TKV, Dầu khí VN, Sông Đà, Lilama..., còn nhà đầu tư nước ngoài rất ít. Nhiệt điện chạy than chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào, chỉ có đầu tư nhà máy điện khí. Thủy điện nhỏ cũng mới thu hút được số ít doanh nghiệp tư nhân. Nguyên nhân của việc sản xuất điện không hấp dẫn nhà đầu tư ngoài là do giá điện quá thấp. Nhiều nhà máy điện tư nhân đã không đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải (chiếm khoảng 10% tổng đầu tư) tới lưới điện quốc gia dẫn đến EVN đã không mua điện. |
(Theo Thế Dũng // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com