Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển đổi DNNN: Dục tốc bất đạt!

Thời hạn chuyển đổi DNNN (1/7/2010) đã đến điểm chót. Dự kiến, vẫn còn khoảng trên 1.000 DNNN chắc chắn sẽ “lỗi hẹn” với Luật DN. Mặc dù, các DNNN vẫn đang gấp rút làm thủ tục chuyển đổi sang mô hình Cty TNHH một thành viên, Cty cổ phần. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với PV, GS TS Nguyễn Đình Tài – GĐ Trung tâm tư vấn và quản lý đào tạo, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ DNNN cho rằng: “Việc chuyển đổi cũng không nên vì đến hạn mà tiến hành quá gấp gáp cho xong chuyện”.

- Thời hạn bắt buộc phải chuyển đổi DNNN theo Luật DN “thống nhất” đã hết. Theo ông việc chuyển đổi hiện còn tồn tại những vấn đề gì ?

Xét trên góc độ quản trị DNNN ở VN hiện nay tồn tại 3 vấn đề chính. Thứ nhất, về cơ bản vẫn chưa xác định được chủ sở hữu nhà nước một cách rõ ràng, dẫn tới khó định hình cơ cấu quản trị DNNN hiệu quả. Điều này làm mất phương hướng và mục tiêu của quản trị DNNN. Tiếp đến là thực trạng, Nhà nước chưa là chủ sở hữu chuyên nghiệp và chưa đảm bảo nguyên tắc thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước quy định tại Điều 168 Luật DN. Tổ chức bộ máy của các đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa đủ khả năng và thực lực để đảm nhiệm vai trò của một nhà đầu tư vốn. Một vấn đề nữa là việc thực thi các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại DNNN thông qua hệ thống người đại diện đang phát sinh nhiều bất cập.

Sau nhiều năm thử nghiệm và triển khai thực hiện các biện pháp, phương thức đổi mới khác nhau, cơ chế xác định đầu mối chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN không có sự thay đổi đáng kể nào. Cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước. Bên cạnh bộ chủ quản và UBND cấp tỉnh nay còn có thêm TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ngoài ra, theo luật định, khi thực hiện các quyền chủ sở hữu, các cơ quan, tổ chức và cá nhân nêu trên phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhà nước khác như Bộ KHĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động...

Có thể thấy đặc điểm “cấp hành chính chủ quản” từ thời bao cấp vẫn chi phối phương thức xác định đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay. Điều này thể hiện ở việc quy định bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện phần lớn chức năng chủ sở hữu mà không phải Bộ trưởng, Chủ tỉnh UBND cấp tỉnh. Trên thế giới hiện nay, chế độ “cơ quan chủ quản” vẫn tồn tại, nhưng về phương diện pháp luật thì các nước đều quy định rõ người trực tiếp thực hiện chức năng chủ sở hữu phải là cá nhân người đứng đầu cơ quan đó. Để hình thành các quyết định mang tính chất kinh doanh của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu phải sử dụng các cán bộ và bộ phận chức năng mà thường ngày vẫn thực hiện công việc quản lý nhà nước. Vì vậy, không thể tránh khỏi tư duy và phương thức làm việc quản lý hành chính, trong đó bao gồm cả những nhược điểm mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra như quan liêu, không rõ trách nhiệm, thiếu động lực và hiệu quả... Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước vẫn rất kém hiệu quả đến mức, 62% số ý kiến cho rằng “DNNN không có chủ sở hữu thực sự”.

- Đối với TCty và các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện đang có những bất cập gì, thưa ông ?

Liên kết nội bộ của các TCty, tập đoàn kinh tế nhà nước hình thành và xuất phát từ chuyển đổi liên kết hành chính trước đây, dẫn tới nhiều vướng mắc trong khi vận hành. Mối quan hệ giữa Cty mẹ, Cty con và các DN thành viên tập đoàn chưa thực sự dựa trên liên kết chi phối kinh tế và ràng buộc về trách nhiệm, lợi ích. Cty mẹ rất khó thực hiện các chức năng phân công và điều phối hoạt động của DN thành viên theo mục tiêu chung của tập đoàn. Tổ chức bộ máy trong tập đoàn chưa tuân thủ nguyên tắc “liên kết giữa các chủ thể pháp luật” của tập đoàn kinh tế. Khá nhiều tập đoàn được tổ chức với nguyên tắc cty mẹ - cty con, nhưng bản thân cty con lại được tổ chức dưới hình thức TCty với những nhược điểm cố hữu của mô hình này trong quá khứ.

Về những vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi DNNN, ngày 29/6/2010 Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng CLB DNNN tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với DNNN trước và sau chuyển đổi”. Những vấn đề, ý kiến, quan điểm của các chuyên gia, DN liên quan đến nội dung này sẽ được đăng tải trên số báo 53 (ra ngày 2/7/2010). Mời bạn đọc đón xem.

Hầu hết các tập đoàn vẫn đang lúng túng trong nhận thức và cách giải quyết vấn đề liên kết giữa các DN trong tập đoàn. Cụ thể như: cách thức liên kết, cơ sở và căn cứ liên kết, mô hình Cty mẹ - Cty con trong liên kết tập đoàn, tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn... Quy định hiện hành chưa đề cập việc đầu tư giữa các DN thành viên với nhau, kể cả trường hợp cty con đầu tư vào Cty mẹ, Cty mẹ và Cty con cùng đầu tư vào một Cty khác...  Đây là những vấn đề bị đánh giá thiếu minh bạch, làm tăng rủi ro tài chính cũng như rủi ro của các nhà đầu tư, các chủ nợ có liên quan.

- Còn đối với mô hình Cty TNHH một thành viên thì sao, thưa ông ?

Hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật về cơ cấu quản trị Cty TNHH MTV. Điều 68 và Điều 69 Luật DN quy định Hội đồng thành viên (HĐTV), Chủ tịch Cty nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Cty. Theo tinh thần đó, có thể hiểu HĐTV, Chủ tịch Cty là đại diện theo uỷ quyền của chủ sở hữu tại Cty, trực tiếp thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nghiên cứu Điều lệ và thực tế tại nhiều Cty TNHH MTV cho thấy các quyền của chủ sở hữu quy định tại Điều 64 Luật DN hoàn toàn do cơ quan chủ sở hữu “cấp trên” thực hiện. Còn HĐTV, Chủ tịch Cty chỉ có các quyền liên quan đến nhiệm vụ quản lý điều hành Cty. Cơ cấu quản trị này tương đối giống với cơ cấu quản trị của cty nhà nước độc lập chưa chuyển đổi và thực chất làm mất đi vai trò “nhân danh chủ sở hữu” của HĐTV, Chủ tịch Cty. Và quan trọng hơn, nó đã không làm thay đổi bản chất cũng như nhược điểm cố hữu của mô hình quản trị DNNN truyền thống; không đảm bảo cho Cty có đầy đủ các quyền tự chủ của một pháp nhân độc lập, trước hết là các quyền định đoạt đối với tài sản của Cty.

Với việc phân cấp thứ bậc hành chính giữa chủ sở hữu và Cty như vậy, cả chủ sở hữu lẫn bản thân nhiều Cty TNHH MTV có nhận thức không đầy đủ về vai trò của HĐTV, Chủ tịch Cty. Họ cho rằng các chức danh này chỉ có ý nghĩa hình thức trong cơ cấu quản trị. Vì vậy, rất nhiều Cty TNHH MTV đã lựa chọn mô hình Chủ tịch Cty hoặc Chủ tịch HĐTV kiêm nhiệm Giám đốc điều hành và lập luận rằng mô hình này là đơn giản và thuận lợi hơn cho quản lý điều hành nội bộ.

Trên góc độ quyền tự chủ DN, thực tế cho thấy nhiều DNNN đã chuyển thành Cty TNHH MTV và Cty cổ phần vẫn còn áp dụng phương thức, biện pháp và thói quen tổ chức, quản lý như trước chuyển đổi. Các DN chưa sử dụng hết các quyền tự chủ được pháp luật quy định. Nguyên nhân chính là do ngại trách nhiệm, đùn đẩy thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư, vay, cho vay, thuê, cho thuê, mua, bán tài sản... cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Hiện tượng DN có thói quen xin phép các cơ quan nhà nước thực hiện các vấn đề thuộc thẩm quyền của DN vẫn còn khá phổ biến. Nhiều bộ, ban, ngành cũng chưa quán triệt về tính tự chủ của DNNN, vẫn thực hiện thay cho DN, giải quyết giúp DN hoặc “cho ý kiến” về những vấn đề thuộc quyền của DN.

Rà soát các quy định pháp luật về cơ chế hoạt động kinh doanh của cty TNHH MTV 100% sở hữu nhà nước cho thấy không có sự thay đổi đáng kể nào giữa Cty nhà nước với Cty TNHH MTV, từ các vấn đề của quản lý tài sản, chi phí, doanh thu, lợi nhuận cho tới quản lý lao động, đơn giá tiền lương, chức danh, phụ cấp... Đây cũng là nguyên nhân quan trọng tác động không tốt đến tâm lý và nỗ lực cải thiện cơ cấu quản trị DN của Cty TNHH MTV như đã nêu trên. Và vì vậy, khá nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi cty nhà nước thành cty TNHH MTV không tạo nên hiệu ứng tích cực đáng kể  như trường hợp CPH do chỉ thay đổi về hình thức pháp lý mà không kèm theo đổi mới về cơ chế hoạt động.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Thiếu điện do dự báo “non”
  • Gia nhập WTO tạo sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các quốc gia
  • DN tự in hóa đơn ít gian lận thuế hơn
  • Thị trường vàng còn nhiều ẩn số
  • Chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước: “Bình” mới, “rượu” có mới?
  • Phải tìm ra động lực phát triển cho các đô thị vệ tinh
  • “Chất lượng môi trường có thể xuống cấp 2-3 lần”
  • Xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ: Nên bỏ trạm thu phí
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi