Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y DHăm
Ênuôl trao đổi với phóng viên Báo điện tử
CP- Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y DHăm Ênuôl đã trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ như vậy nhân dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 sắp được tổ chức tại Đắk Lắk.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế của cây cà phê Đắk Lắk?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y DHăm Ênuôl: Trong những năm gần đây, cà phê luôn là sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk với diện tích trên 180.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 600 triệu USD.
Riêng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 620 triệu USD, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp.
Nếu Đắk Lắk mất mùa cà phê và cà phê mất giá thì những lĩnh vực khác sẽ khó phát triển theo. Khi cà phê được giá, được mùa thì những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan đến cà phê sẽ được hưởng nhiều thuận lợi, từ những việc như mua sắm, sửa chữa, xây dựng nhà cửa của các hộ nông dân…
Cà phê là nông sản rất quan trọng đối với người dân Đắk Lắk. Hầu như tất cả nông dân ở Đắk Lắk ít hoặc nhiều đều có liên quan đến cà phê như trồng, sản xuất, kinh doanh cà phê.
Với vai trò là nước trồng và xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, Việt Nam nói chung có rất nhiều điều kiện để phát triển cà phê thành ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân. Đắk Lắk có chương trình hành động cụ thể gì để nâng cao giá trị của cà phê?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y DHăm Ênuôl: Xuất thô mang lại giá trị rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội cà phê và các Hội thảo vừa là hoạt động xúc tiến thương mại, vừa kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng tỷ lệ cà phê chế biến, cụ thể là chế biến cà phê bột chất lượng cao.
Năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Công ty Cà phê Ngon liên doanh Ấn Độ. Doanh nghiệp này sẽ tham gia sản xuất cà phê bột ở Đắk Lắk, cùng với các thương hiệu như Trung Nguyên, An Thái… làm nên những sản phẩm cà phê nổi tiếng của Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chụng.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp tăng cường chế biến cà phê bột với giá trị xuất khẩu cao.
Qua các Hội thảo, Lễ hội về cà phê, Đắk Lắk sẽ cùng với các bộ, ngành, đề nghị với Chính phủ có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn với cây cà phê như chúng ta đã có với lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ví dụ, tạo cơ chế chính sách về thuế, khoa học kỹ thuật… để các doanh nghiệp trong và ngoài nước không chỉ thu mua xuất khẩu cà phê thô như trước đây mà còn có tầm nhìn dài hạn để cà phê Việt Nam có thể tham gia vào sân chơi toàn cầu.
(Theo Ngọc Hà/chinhphu.vn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com