Với Trung Quốc, cán cân thương mại từng nghiêng về phía Việt Nam. Để phát triển bền vững, cần chủ động điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại - ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương chia sẻ.
- Thưa ông, con số nhập siêu từ thị trường Trung Quốc hiện nay của Việt Nam rất lớn, tới gần 13 tỷ USD. Ông đánh giá gì về tác động của việc nhập siêu lớn từ thị trường Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam?
Ông Bùi Huy Sơn:Nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề mới và cũng không phải là vấn đề chỉ riêng của Việt Nam. Nhiều năm qua, Trung Quốc thặng dư thương mại với thế giới gần 140 tỷ đô-la Mỹ, trong đó Trung Quốc xuất siêu sang nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU.
Năm 2010, chúng ta có 10 nhóm sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, đều là những nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu thiết yếu không chỉ phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho cả sản xuất hàng xuất khẩu. Đó là máy móc, thiết bị, phụ tùng (22,9%), vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày (14,6%), sắt thép, sản phẩm sắt thép các loại (10,5%), xăng dầu các loại (5,4%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (4,5%), phân bón (2,7%).
Đó cũng là những nhóm hàng mà chúng ta chưa thể tự đáp ứng đủ nhu cầu (như xăng dầu), hoặc chưa có sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh để phục vụ sản xuất, xuất khẩu (như vải, phụ liệu dệt may da giày).
Đồ chơi Trung Quốc vẫn đang tràn ngập Việt Nam
Nói cách khác, việc nhập khẩu nhóm hàng này cũng là sự lựa chọn khó khăn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vì hàng trong nước chưa thể đáp ứng được.
Nhóm các sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chỉ có giá trị và tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ nước này. Một số nhóm hàng tỷ trọng gần như bằng 0% như sữa và sản phẩm sữa (dưới 1.000 USD), dầu mỡ động thực vật (trên 1.000 USD), bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc (dưới 5.000 USD)...
Dù giá trị và tỷ trọng nhỏ và đang giảm dần trong tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng ta cũng không thể phủ nhận khả năng đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận dân chúng của nhóm này, với giá cả phải chăng. Thêm vào đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng thuận lợi hơn do Việt Nam đang phải dần bỏ quy định về hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu... theo quy định của WTO và thuế nhập khẩu ngày càng giảm hơn theo lộ trình của Hiệp định ACFTA...
Do đó, chúng ta có thể thấy việc Việt Nam, cũng như nhiều nền kinh tế khác nhập siêu từ Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, sự xuất hiện của các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chắc chắn sẽ gây sức ép lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời, tình trạng nhập siêu kéo dài nói chung, không chỉ từ Trung Quốc, cũng sẽ tác động tiêu cực tới các cân bằng kinh tế vĩ mô, nhất là cân đối ngoại tệ và vấn đề tỷ giá.
Cán cân thương mại đã từng nghiêng về phía Việt Nam
- Chúng ta từng có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Vì sao từ năm 2005 trở lại đây, xu hướng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lại gia tăng?
Trong giai đoạn 1991-2001, mặc dù Việt Nam bắt đầu mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới song, sự hiểu biết lẫn nhau về thị trường và cơ hội hợp tác của cả hai phía chưa cho phép nên việc trao đổi thương mại giữa hai nước Việt - Trung chủ yếu thông qua mậu dịch biên giới.
Mức độ đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam còn rất hạn chế, nên nhu cầu về trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu chưa lớn. Bản thân khi đó, năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế Trung Quốc chưa được như hiện nay.
Trước năm 2005, Việt Nam chỉ nhập từ Trung Quốc chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng với giá trị thấp như xe đạp, hoa quả, bia, rượu. Trong khi đó chúng ta xuất sang Trung Quốc các mặt hàng khoáng sản, nguyên liệu thô, có giá trị lớn hơn. Vì lẽ đó, cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam.
Tuy nhiên, giai đoạn sau, cùng với đà hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, quy mô nền kinh tế chúng ta không ngừng lớn mạnh, hướng ra xuất khẩu, năng lực sản xuất gia tăng. Nhu cầu máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chưa đủ đáp ứng cho sản xuất.
Các cam kết mở cửa thị trường cũng được thực hiện từ giai đoạn này như ACFTA.... Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng hàng hóa của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh về chất lượng, giá thành, mẫu mã...
Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc, sau nhiều năm đầu tư, với mẫu mã đa dạng phong phú mà giá cả lại rất cạnh tranh nên nhiều nhóm hàng nguyên vật liệu, máy móc (thiết bị dây chuyền sản xuất, vải sợi, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất, xăng dầu, sắt thép, kim loại, phương tiện vận tải, phân bón) để đầu tư phát triển sản xuất đã được không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng nhập về.
Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư để phát triển kinh tế. Nhiều dự án lớn về thủy điện, nhiệt điện... được triển khai. Và nhiều thiết bị, máy móc của Trung Quốc có chất lượng đáp ứng yêu cầu và giá cả cạnh tranh đã trở thành là sự lựa chọn cho các nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà tại cả các nước/khu vực phát triển như Mỹ, EU...
Chúng ta đang dần hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm nguyên nhiên liệu thô, vốn mang lại kim ngạch thương mại lớn mà giờ chủ yếu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngược lại, chúng ta lại vẫn phải nhập về máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Vì lẽ đó, cán cân thương mại lệch dần về phía Trung Quốc.
Nói hàng Trung Quốc chất lượng thấp là do một bộ phận người dân?
- Thưa ông, kinh nghiệm từ các nhà máy điện cho thấy, máy móc phụ tùng, thiết bị Trung Quốc chiếm phần lớn do giá rẻ, chưa đảm bảo chất lượng hiện đại. Nhiều ngành xuất khẩu lại phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Các dự án đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị, đặc biệt là các dự án lớn, các dự án sử dụng ngân sách nhà nước đều tuân thủ quy chế và thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, yếu tố chất lượng phải được đảm bảo đầu tiên trước khi xét đến yếu tố giá. Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, hàng hóa của Trung Quốc đã được xuất khẩu không chỉ sang Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm do các tập đoàn đa quốc gia lớn đầu tư sản xuất tại Trung Quốc đảm bảo chất lượng quốc tế và được quốc tế công nhận.
Việc đánh giá hàng Trung Quốc chất lượng thấp có lẽ do một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhóm hàng kém chất lượng của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.
Cơ cấu nhập khẩu hiện nay từ Trung Quốc là phù hợp với tình hình thực tế. Mặc dù vậy, để phát triển bền vững, chúng ta cần chủ động điều chỉnh cơ cấu này theo Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước. Việc này cũng gắn liền với việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư, sản xuất trong nước và qua đó góp phần từng bước cân bằng cán cân thương mại.
- Vậy, giải pháp cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc là gì, thưa ông?
Về cơ bản, chúng ta nỗ lực giảm nhập siêu nói chung bằng theo hai hướng, đó là tăng cường xuất khẩu và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Chúng ta sẽ tăng tỷ trọng các nhóm hàng công nghiệp, những mặt hàng mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giảm dần xuất khẩu hàng khoáng sản, nguyên liệu thô, nông sản chưa gia công, chế biến.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp lớn như ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất nguyên liệu, gia công xuất khẩu để giảm dần và thay thế nguồn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài như xăng dầu, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da...
Kết quả cho thấy, tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo đang tăng dần trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc đã cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc là một tín hiệu đáng mừng.
Ngoài ra, cần làm tăng sức tiêu thụ hàng Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa phong trào Người Việt dùng hàng Việt, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam dùng thiết bị Việt Nam...
Tuy nhiên, việc cùng lúc thực hiện yêu cầu giảm nhập khẩu để giảm nhập siêu, trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là bài toán kinh tế tổng hợp. Và để giải quyết được, đòi hỏi sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ, sự phối hợp thực thi linh hoạt của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam có thứ gì, Trung Quốc cũng có và giá cạnh tranh
- Chúng ta có lợi thế và có điểm yếu gì khi sang thị trường Trung Quốc ? Ngoài vấn đề cạnh tranh rất khốc liệt về giá thành, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật của phía Trung Quốc. Xin ông cho biết thêm về điều này?
Cạnh tranh trong nước đã khó, cạnh tranh để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, càng khó hơn và luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro, thách thức do sức ép cạnh tranh quyết liệt, quy định, chính sách, tập quán thị trường phức tạp.
Với thị trường Trung Quốc, ngoài khó khăn chung đó, chúng ta còn gặp không ít khó khăn khác như tính tương đồng của cơ cấu kinh tế. Nói cách khác, những gì chúng ta có thì Trung Quốc đều có thể sản xuất, thậm chí với số lượng lớn, giá cả cạnh tranh hơn.
So với nhiều thị trường khác, Trung Quốc là thị trường khá mới mẻ với doanh nghiệp Việt Nam chúng ta chưa thiết lập được hệ thống phân phối rộng khắp trên thị trường này.
Không chỉ có các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, chúng ta còn phải cạnh tranh với các nước thứ ba đã có nhiều năm đầu tư, kinh doanh tại thị trường này. Các chính sách của Trung Quốc còn đang được tiếp tục hoàn thiện, chưa thực sự ổn định.
Tuy vậy, trong hợp tác thương mại với Trung Quốc, chúng ta cũng có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi quan trọng. Trước hết phải kể đến sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ hai nước thông qua lang pháp lý cởi mở, các cam kết ưu đãi thông thoáng, các biện pháp hỗ trợ, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,…
Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi về địa lý, giao thông vận tải là lợi thế quan trọng của Việt Nam so với nhiều nước khác.
Cũng cần phải kể đến thị trường tiêu thụ rộng lớn của Trung Quốc với gần 1,5 tỷ người tiêu dùng với nhu cầu đa dạng, nhiều cấp độ, sức mua lớn và không ngừng tăng cao. Nhiều nét tương đồng về văn hóa cũng góp phần tích cực giúp các hoạt động giao thương phát triển.
Trong khuôn khổ của WTO, Trung Quốc đang đề ra các yêu cầu kỹ thuật để quản lý thương mại. Việt Nam và các nước khác thường xuyên theo dõi sát những thay đổi về chính sách này và có thể yêu cầu Trung Quốc giải thích, điều chỉnh nếu cần thiết để không cản trở thương mại.
Trên thực tế, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng đã và đang thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc theo hướng này. Mặt khác, việc đầu tư, nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu của Trung Quốc cũng như các nước khác như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày càng bền vững hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com