Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đặt mục tiêu tăng năng suất

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh
Trên các diễn đàn đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng lần thứ XI, tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đang là một nội dung thu hút sự quan tâm lớn.
 
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng nhanh năng suất lao động sẽ đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng về số lượng và chất lượng.

Là chuyên gia chắp bút cho Đề án Nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, theo bà, tại sao sự lựa chọn giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng luôn khó?

Tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng là kết quả trực tiếp của quá trình tăng trưởng, nhưng người ta dễ nhìn thấy và lóa mắt trước tốc độ tăng trưởng hơn là chất lượng tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng chỉ sự gia tăng thuần túy về của cải trong một thời kỳ nhất định, nhưng bản thân nó không đảm bảo của cải tăng lên sẽ đóng góp vào tăng sức mạnh, sức cạnh tranh của quốc gia một cách lâu bền.

Tuy nhiên, một nền kinh tế bong bóng có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng một khi bong bóng xẹp, thì giá phải trả rất đắt cả về kinh tế, xã hội, thậm chí cả chính trị.

Lâu nay, nhiều quan điểm vẫn thường coi ICOR như một trong những chỉ số chính để đánh giá chất lượng tăng trưởng. Bà có ý kiến thế nào ?

Hệ số ICOR cho biết, để tạo thêm một đơn vị sản lượng, thì cần bao nhiêu vốn đầu tư. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng, cần nhiều vốn đầu tư mới tạo ra một đơn vị giá trị GDP, thì chất lượng tăng trưởng thấp. Vì thế, không nên sử dụng hệ số ICOR tùy tiện để đánh giá chất lượng tăng trưởng.

Thông thường, các nước ở trình độ phát triển cao có hệ số ICOR cao hơn các nước có trình độ phát triển thấp hơn (nhưng không phải đúng với mọi trường hợp), một phần là do quy luật năng suất biên giảm dần của vốn, phần khác còn do nguồn lực tăng trưởng của từng nước là khác nhau. Chẳng hạn, hệ số ICOR của Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ năm 2006 rất cao, lần lượt là 19,8; 13,5 và 17,1, song tăng trưởng của họ là chất lượng.

Đối với một quốc gia, hệ số ICOR có thể sử dụng để đánh giá hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, cần xem xét thay đổi hệ số này theo chuỗi thời gian, không nên sử dụng hệ số tính toán hàng năm mà vội vã đánh giá. Đó là do nhiều khoản vốn đầu tư của năm nay sẽ đóng góp vào tăng trưởng trong tương lai.

Ở nước ta, hệ số ICOR tăng dần theo các năm và tương đối cao khi so với các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Năm 2008, ICOR của Việt Nam là 6,7; của Trung Quốc là 3,8 và của Thái Lan là 4,9. Hệ số ICOR của Trung Quốc khá ổn định, dao động khoảng 3,7-4,1 trong giai đoạn 2000-2008, trong khi của Việt Nam tăng từ 4,36 lên 6,7 trong cùng giai đoạn.

Như vậy, ICOR của Việt Nam vừa cao, vừa tăng lên theo thời gian là một biểu hiện cho thấy hiệu quả đầu tư còn thấp, tăng trưởng nhờ vào tỷ lệ đầu tư cao, hay được đẩy bởi nhân tố vốn.

Hiệu quả đầu tư thấp là một trong số nhiều nguyên nhân của chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh thấp, nhất là khi Việt Nam đang phải nhập khẩu vốn do tiết kiệm trong nước còn thấp. Những tài sản vốn hình thành qua hoạt động đầu tư kém hiệu quả, nhất là những công trình hạ tầng kỹ thuật và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, có thể đáp ứng tăng trưởng cho giai đoạn trước mắt, nhưng nếu không cải thiện, sẽ khó đảm bảo cho tăng trưởng về lâu dài.

Vào thời điểm này, những cân nhắc về tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng bền vững vẫn đang được đưa ra như hai vế đối chọi nhau. Nhiều quan điểm cho rằng, chỉ có thể chọn 1 trong 2. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Quan điểm chỉ có thể chọn 1 trong 2, hoặc tốc độ tăng trưởng cao, hoặc tăng trưởng bền vững là chưa thuyết phục.

Đã có một số nền kinh tế vừa đạt tốc độ tăng trưởng cao, vừa tăng trưởng bền vững (Hàn Quốc, Đài Loan). Nhờ tăng trưởng nhanh và bền vững mà hai nền kinh tế này nhanh chóng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong khi đó, Thái LanMalaysiaPhilippines cũng có xuất phát điểm tương đồng, song tăng trưởng thiếu ổn định, không tạo được nền móng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn. Đến nay, họ vẫn bị tắc trong bẫy thu nhập trung  bình.

Sự khác biệt đáng kể nhất giữa hai nhóm này thể hiện ở chỗ Hàn Quốc và Đài Loan đã tạo dựng được nền tảng và cách thức tăng năng suất lao động tốt hơn nhiều so với nhóm sau trong cùng một khoảng thời gian như nhau.   

Mặc dù Việt Nam đã vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nhưng để tiếp tục nâng mức thu nhập trung bình, không có cách nào khác là cần tăng trưởng nhanh, nhưng  phải bền vững, tức là tăng trưởng đạt tốc độ cao như có thể cần được giữ trong dài hạn. Để đạt mục tiêu như vậy, quan điểm rõ ràng là tăng trưởng nhanh cần gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Quan điểm này bản thân nó đã chỉ rất rõ là không cho phép tăng trưởng nhanh bằng mọi giá, chỉ chú ý đến tốc độ tăng trưởng. Do đó, nó cần được nhận thức đầy đủ và được thể hiện xuyên suốt trong quy trình hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, đánh giá thực hiện từng chính sách từ cấp Trung ương tới địa phương.

(Theo Khánh An // Báo đầu tư)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch
  • “Nguy cơ bong bóng tiền tệ hoàn toàn có thể xảy ra”
  • “Sữa sẽ còn tăng giá nếu doanh nghiệp nhà nước không đứng ra nhập khẩu”
  • Lãi suất còn nghe ngóng thị trường
  • Cảnh giác với những bất ổn của nền kinh tế
  • Du lịch Thủ đô: Thời khắc vàng
  • Tập đoàn nhà nước ít quan tâm phát triển công nghệ
  • Làm gì để tăng trưởng ổn định, bền vững?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi