TS Nguyễn Thành Sơn. |
Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, có hiệu lực từ 1-7. TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án Năng lượng sông Hồng (Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho rằng còn nhiều lỗ hổng cần bịt để chống lãng phí tài nguyên.
TS Nguyễn Thành Sơn nói: Căn cứ đầu tiên để xây dựng các văn bản pháp luật về khoáng sản phải xuất phát từ sự nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới tích cực thăm dò tìm kiếm, bổ sung nguồn tài nguyên khoáng sản.
Đối với tài nguyên khoáng sản hiện có thì cần được khai thác sử dụng một cách tiết kiệm. Không phải tỉnh nào có cái gì cũng cứ việc đào lên để ăn ngay. Bởi tài nguyên khoáng sản càng để dành càng có giá trị.
Chúng ta đang thay việc cấp phép theo kiểu xin - cho trước đây bằng việc cấp phép thông qua đấu giá. Điều này có giúp Nhà nước chống được thất thoát và khai thác lãng phí tài nguyên?
Trước đây, khi Luật Khoáng sản ra đời năm 1996, được sửa đổi năm 2005, chúng ta nghĩ đã có luật rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng giờ nhìn lại chúng ta mới thấy những nguồn tài nguyên khoáng sản đã hao khuyết đi nhiều.
Luật Khoáng sản hiện hành vẫn còn nhiều kẽ hở. Ví dụ như vừa qua, báo chí có thông tin: Gần đây, UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép cho một doanh nghiệp chỉ khai thác 120.000 tấn quặng sắt (ở huyện Bá Thước) nhưng lại quyết định thu hồi của dân tới 254 ha đất để cấp kèm cho doanh nghiệp này. Để khai thác có 40.000 tấn/năm (trong 3 năm sẽ hết) mà cần tới 254 ha đất thì quá lãng phí.
Ở Thanh Hoá chỉ có một dự án luyện gang ở huyện Nông Cống. Nếu xuất khẩu số quặng này (với giá bán 130USD/tấn, và thuế xuất khẩu 30%) thì nhà nước chỉ thu được tối đa khoảng 5 triệu USD. Đổi 254 ha đất để lấy có 5 triệu USD thì lãng phí tài nguyên quá.
Hiện Luật Khoáng sản không có điều khoản nào quy định riêng về chế biến, mà nó được ghép với khai thác. Trong hoạt động khai khoáng có khái niệm “làm giàu quặng” và “làm nghèo quặng”. Bởi vậy, nếu không có quy định riêng về chế biến, sẽ tạo lỗ hổng để doanh nghiệp khai thác chạy theo số lượng, gây lãng phí tài nguyên, đồng thời không ngăn được việc xuất thô tài nguyên khoáng sản như hiện nay...
Theo ông, dự thảo hướng dẫn Nghị định thi hành Luật Khoáng sản lần này cần bổ sung những quy định nào?
Điều tôi quan tâm nhiều hơn là trong Nghị định không chỉ phải bịt những kẽ hở để chống lách luật, mà cũng cần phải quan tâm tới cả điều ngược lại là khai thông những điểm sẽ bị tắc khi triển khai thực hiện.
"Nguyên nhân quan trọng nhất đã, đang và sẽ dẫn đến sự thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia chính là nhận thức của chúng ta. Thực tế, tài nguyên khoáng sản ở nước ta rất có hạn vì diện tích đất chúng ta nhỏ, tuổi địa chất thấp. Trong khi đó, chúng ta lại ngộ nhận, cho rằng Việt Nam rất giàu về tài nguyên khoáng sản. Chưa thăm dò, chưa nghiên cứu tính khả thi, nhưng cứ tuyên bố là “nhất, nhì thế giới”. Nhận thức sai lầm đã dẫn đến sự lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia thời gian qua" - TS Nguyễn Thành Sơn. |
Ví dụ, qui định tổ chức thăm dò được hưởng quyền ưu tiên cấp phép khai thác trong thời hạn ít hơn 18 tháng là không khả thi. Bởi thực tế nếu kết quả thăm dò chưa được duyệt thì không lập được dự án, chưa có dự án thì không xin được phép khai thác.
Có những việc cần gộp thì chúng ta lại tách, như việc tách quyền thăm dò với quyền khai thác là không khả thi, vì sẽ chẳng có doanh nghiệp nào bỏ tiền ra thăm dò mà không chắc là được quyền khai thác trong khi nhà nước sẽ không mua lại kết quả thăm dò theo thoả thuận.
Ngược lại, có việc cần tách bạch thì dự thảo Nghị định lại gộp vào một rọ, như việc gộp cả khoáng sản chưa thăm dò, với khoáng sản đã được thăm dò đều đấu giá cùng một quy trình, hay việc gộp cả khâu thăm dò và khâu khai thác vào đấu giá cùng một bước. Lẽ ra, đối với khoáng sản chưa thăm dò thì đấu giá, còn khoáng sản đã thăm dò thì nên đấu thầu khai thác. Như vậy sẽ tránh rủi ro cho doanh nghiệp và cho cả nhà nước.
Cảm ơn ông!
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com