Trả lời PV của Tiền Phong, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: “Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra yêu cầu rất đúng đắn, căn bản, đó là phải tái cơ cấu nền kinh tế. Chuyển nền kinh tế chủ yếu từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Nhưng chúng ta phải xác định những tiêu chí cụ thể”.
Cần từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, phát triển mạnh các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao. Trong ảnh: Một xưởng may của TCty may Đức Giang (Hà Nội) Ảnh: Việt Hùng. |
Theo ông, cần đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào ?
Trước mắt, có thể kết hợp cả hai yếu tố, vẫn còn những yếu tố phát triển theo chiều rộng, nhưng dần dần phải chuyển sang chủ yếu phát triển theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng, hiệu quả của nền kinh tế.
Để làm việc ấy, cần thay đổi một cách cơ bản tư duy kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và phải cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng như bộ máy và toàn bộ chính sách.
Chúng ta đang tiến hành ổn định kinh tế vĩ mô thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và tập trung vào những việc trước mắt là kiềm chế lạm phát, ổn định lại các cân đối kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhưng tôi chưa thấy tiến hành được những công việc cần thiết để tái cấu trúc nền kinh tế. Vì chính tái cơ cấu nền kinh tế thì mới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Lạm phát có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chỗ bội chi ngân sách, đầu tư kém hiệu quả, cung tiền và tín dụng quá lớn, trong khi đó nền kinh tế đạt hiệu quả quá thấp.
“Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế...” - Nghị quyết Đại hội Đảng XI. |
Cho nên, tái cấu trúc thì phải đổi mới DN nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phải nâng cao hiệu suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị.
Ví dụ, cà phê phải cố gắng chế biến thành cà phê hòa tan, nâng cao giá trị gia tăng; thủy sản không chỉ xuất khẩu tôm đông lạnh mà phải làm thành tôm bao bột hay các sản phẩm chế biến sâu, trên cơ sở đó vừa đem được nghệ thuật ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài vừa có được khả năng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Về mặt khoa học, công nghệ cũng không thể cứ tiếp tục xuất khẩu cao su thô để nhập khẩu săm lốp ô tô, không thể xuất khẩu than nhập khẩu điện... Chúng ta phải tự mình đầu tư vào công nghiệp chế biến và tận dụng tối đa các nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao hơn.
Nếu chỉ cố chạy theo tăng trưởng nhanh mà không chú ý điều chỉnh những khiếm khuyết của nền kinh tế thì...?
Càng tăng đầu tư càng dẫn đến lạm phát. Muốn chống lạm phát một cách cơ bản đến tận gốc rễ thì phải thay đổi những chính sách nói trên và như vậy nền kinh tế mới ổn định được. Hiện nay chúng ta mới chống lạm phát bằng những công cụ hành chính là chủ yếu và chúng ta chưa chịu đau, chưa sửa những khiếm khuyết nội tại của nền kinh tế mà Đại hội Đảng XI đã chỉ ra.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. |
Theo ông, làm thế nào để có một thị trường cạnh tranh thực sự, ví dụ trong lĩnh vực điện?
Cải cách DN nhà nước phải theo hướng hoạt động cạnh tranh bình đẳng và phải bãi bỏ tất cả ưu đãi, lợi ích nhóm, đồng thời công khai, minh bạch trong quản lý đối với DN nhà nước. DN nhà nước phải có trách nhiệm giải trình, báo cáo về tài chính, chịu kế toán và kiểm toán.
Đặc biệt, việc bổ nhiệm nhân sự chủ chốt phải tiến hành công khai theo tiêu chí rõ rệt như trong một thời hạn phải đem lại kết quả gì, nếu không phải chịu trách nhiệm như thế nào. Đấy là tất cả những việc phải làm và cần tiếp tục cổ phần hóa DN nhà nước. Các việc đó vừa qua đã tiến hành nhưng rất chậm chạp, phải đẩy mạnh hơn nữa.
Cùng đó, chúng ta phải cải cách bộ máy hành chính và chất lượng các văn bản vì có rất nhiều văn bản có sơ hở. Chẳng hạn vừa qua, quyết định cho phép nâng giá điện theo cơ chế thị trường, nhưng không có cơ chế kiểm soát giá thành của ngành điện.
Như vậy, người ta cứ nâng giá mãi, thỏa mãn tất cả chi phí của ngành điện thì rất vô lý và sẽ gây tác hại rất lớn đối với nền kinh tế. Chính sách đưa ra phải có thảo luận dân chủ với dân, để cho các tổ chức quần chúng, nhân dân phản biện. Quan trọng là phải xây dựng một thị trường cạnh tranh theo pháp luật, phải công khai, minh bạch, tránh những ưu đãi ngầm.
Làm sao đạt mục tiêu năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành công nghiệp theo hướng hiện đại, theo ông?
Thời gian còn lại không nhiều. Muốn làm được thì phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ và phát triển mạnh DN tư nhân, DN có năng lực cạnh tranh. Chúng ta cũng phải làm rõ các tiêu chí đến 2020 chúng ta phải đạt những mục tiêu cụ thể gì.
Còn cụ thể, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI có ghi đó là phát triển mạnh công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến hàng nông sản... Nhưng vấn đề là phải làm cụ thể những sản phẩm đó như thế nào.
Nhiều DN hiện nay giàu lên chủ yếu là do khai thác tài nguyên, đất đai, bất động sản. Thế thì rõ ràng sẽ không đạt được mục tiêu, không có được những sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com