Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng tỷ lệ tái cấp vốn: Chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 29/4 đã bất ngờ tăng các lãi suất chủ chốt thêm 1%, trong đó lãi suất tái cấp vốn là 14%/năm. Theo TS. Nguyễn Minh Phong thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đây là việc cần thiết, nhưng chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn.

Với lý do kiềm chế lạm phát đang ở mức cao, NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đây là một trong những giải pháp cần thiết, nằm trong nhóm giải pháp và tiền tệ tín dụng theo hướng thắt chặt. Bởi khi thực hiện chính sách thắt chặt tài chính - tiền tệ, có một số nguyên tắc: Một là, giảm hạn mức tín dụng, giảm quy mô huy động và cho vay. Hai là, tăng dự trữ bắt buộc. Ba là, tăng lãi suất, bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất tái cấp vốn.

Như vậy, việc nâng lãi suất tái cấp vốn sẽ giúp NHNN kiểm soát được khối lượng tín dụng tung ra thị trường. Hiện ngân hàng thương mại (NHTM) đang khó huy động vốn. Nếu NHNN để tỷ lệ tái cấp vốn cho các NHTM ở mức thấp sẽ tạo ra nhu cầu lớn, làm tăng lượng tín dụng ra thị trường.

Điều này đi ngược lại Nghị quyết 11, do đó, điều chỉnh lãi suất là việc cần thiết phải làm. Mặt khác, tăng tỷ lệ tái cấp vốn còn giúp giảm thiểu hiện tượng buôn bán vốn trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất tái cấp vốn chỉ nên làm trong ngắn hạn để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tiền tệ thật nhanh. Sau đó phải hạ xuống để phục vụ mục tiêu hạ lãi suất cho vay, từ đó giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn hiện nay.

Đối tượng nào sẽ chịu tác động mạnh nhất từ tăng lãi suất tái cấp vốn, thưa ông?

Chắc chắn khi NHNN điều chỉnh tỷ lệ tái tài trợ, đối tượng hưởng lợi là DN. Nhưng nếu xét theo nghĩa nâng lãi suất lên, người thiệt hại cũng chính là DN. Ở đây, ngân hàng chỉ là trung gian. Họ nhận lượng vốn tái cấp, cộng thêm chi phí rồi cho DN vay.

Trước đây, khi lãi suất thấp, dòng vốn từ NHNN tái cấp cho các NHTM, rồi NHTM dùng vốn tái cấp mua trái phiếu chính phủ hoặc cho ngân hàng khác vay lại để hưởng chênh lệch lãi suất. Loanh quanh như vậy, nguồn vốn không đến được DN, lãi suất trên thị trường không hạ, Nhà nước và DN cùng chịu thiệt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 là 3,32%, mức cao nhất từ đầu năm đến nay và trong ba năm gần đây. Theo ông, con số này phản ánh điều gì?


Cao nhưng không bất ngờ. Trong Nghị quyết 11, Chính phủ đã lường định rõ, áp lực lạm phát năm nay rất lớn. Tuy nhiên, mức cao của nó đã vượt khỏi dự đoán.

Điều này cho thấy, nếu tính theo bốn tháng, tính theo cùng kỳ hay với bất cứ kiểu tính nào khác, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% đã bị phá vỡ một cách tuyệt đối. Mọi người phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng lạm phát hai con số, dao động từ 13 - 17%, nhiều ý kiến chốt ở mức 15%.

Đây sẽ là một trong những áp lực để Chính phủ thực hiện các chính sách an sinh xã hội cao hơn và các DN cũng cần tính đến trong sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, theo ông, giải pháp nào sẽ giúp DN bớt khó khăn?


Chính phủ đặt mục tiêu năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì vậy, ít nhất trong năm nay, cả Chính phủ lẫn DN đều phải chấp nhận giảm bớt đầu tư, kinh doanh để giữ được sự ổn định về mặt tiền tệ theo nghĩa kiểm soát lạm phát tiền tệ. Như vậy, tình hình khó khăn sẽ không chỉ kéo dài trong ngày một ngày hai.

Theo tôi, các DN trước hết phải nhận thức đúng tình hình, xem xét lại kế hoạch kinh doanh để đảm bảo áp lực vốn không bị quá mức. Thứ hai, tìm kiếm các nguồn vốn thay thế an toàn hơn. Thứ ba, cần có điều chỉnh trong hợp đồng, kể cả vay vốn, đầu tư với mức lãi suất đủ cao (hiện trên 20%), từ đó đảm bảo lợi nhuận, tránh rủi ro bất ngờ do lợi nhuận giảm sút. Cuối cùng là tái cấu trúc DN, nâng cao khả năng quản trị, giảm thiểu chi phí...

Xin cảm ơn ông!

(Doanh Nhân Sài Gòn)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi