Ông Trần Hữu Linh – Phó cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) nhìn nhận: muốn thúc đẩy thương mại điện tử cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía nước và doanh nghiệp.
- Người tiêu dùng tỏ ra lo ngại về các hành vi lừa đảo khi mua hàng trực tuyến. Vậy trong trường hợp này, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là gì? Và đối với những doanh nghiệp lừa đảo qua mạng sẽ phải căn cứ vào đâu để xử lý và chịu những khung hình phạt nào, thưa ông?
Hiện nay, đối với hầu hết các loại hình tội phạm công nghệ cao chỉ mới áp dụng mức xử lý cao nhất là phạt hành chính như cảnh cáo, thông báo cho đơn vị quản lý, phạt tiền ở mức thấp. Trong khi đó hình thức phạm tội lại rất đa dạng, từ lừa đảo trong các giao dịch trực tuyến, giả mạo thẻ ATM, cho đến phát tán virus, ăn cắp mật khẩu, phá hoại cơ sở dữ liệu của các website cá nhân và doanh nghiệp v.v…
Tất cả những văn bản pháp quy xử lý các hành vi phạm tội trên mạng hiện nay được đánh giá là mới chỉ hỗ trợ phần nào cho việc “định tội”, chứ chưa giúp cho việc “định khung” hình phạt đối với những hành vi tội phạm trên môi trường mạng. Do đó, các cơ quan điều tra xét xử vẫn gặp khó khăn trong khâu xử lý tội phạm ngay cả khi đối tượng và hành vi phạm tội đã được kết luận rõ.
Đến nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự vào ngày 19-6-2009 (bắt đầu có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2010) theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh từ môi trường mạng máy tính thành mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet và các thiết bị số. Luật cũng chi tiết hóa và tăng khung hình phạt đối với các hành vi tội phạm, bao gồm hành vi phát tán virus; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của các mạng máy tính, viễn thông và thiết bị số; đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính và mạng viễn thông. Khung xử lý vi phạm đối với tất cả các hành vi đều được nâng cao hơn, kể cả mức xử phạt hành chính và xử lý hình sự (mức phạt tiền cao nhất theo quy định cũ là 100 triệu đồng, nay nâng thành 200 triệu đồng, mức phạt tù cao nhất theo quy định cũ là 7 năm tù, nay tăng lên 12 năm tù). Những hành vi phạm tội cũng được chi tiết hóa và phân chia mức độ nghiêm trọng để áp khung hình phạt thỏa đáng.
- Xin ông cho biết trong lộ trình phát triển TMĐT của Việt Nam, những vấn đề nào sẽ được ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới?
Để TMĐT phát triển thì các yếu tố hạ tầng được xây dựng một cách đồng bộ từ pháp lý, viễn thông, Internet, thanh toán, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhận thức là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần trang bị những kỹ năng mua hàng cần thiết để tránh rủi ro. Ngược lại, các doanh nghiệp TMĐT cần tuân thủ các điều kiện về bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến để tăng niềm tin cho khách hàng.
TMĐT là lĩnh vực mới nên vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở giai đoạn đầu phát triển là rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với thực trạng và năng lực ứng dụng của các đối tượng. Đặc biệt, cần xây dựng những chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ứng dụng TMĐT.
- Hầu hết người tiêu dùng và các website hiện nay vẫn chọn cách thanh toán sau khi giao hàng, chủ yếu vẫn là chuyển tiền mặt. Như vậy có nghĩa là hình thức thanh toán trực tuyến vẫn chưa phát huy được vai trò của mình trong TMĐT. Nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trên là gì, thưa ông?
Từ năm 2008, trên thị trường xuất hiện nhiều cổng thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến dưới dạng ví điện tử hoặc thẻ thanh toán, nhưng sau đó lại chưa triển khai được nhiều dịch vụ. Có thể thấy, triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến là không dễ dàng. Một giải pháp thanh toán trực tuyến tổng thể cần phải giải quyết được mối liên kết với các ngân hàng. Mà để làm được điều này, cần phải có những đơn vị đủ lớn, đủ uy tín để tiến hành hoạt động kết nối.
Tuy nhiên, không thể nói việc chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến dẫn tới việc Việt Nam không thể triển khai TMĐT. Hiện các công ty này đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và trong thời gian rất gần sẽ có những giải pháp trọn vẹn để giải quyết khâu thanh toán trực tuyến ở Việt Nam. Đồng thời, xin nhấn mạnh, thanh toán trực tuyến không phải là tất cả. Để TMĐT phát triển, chúng ta cần phải quan tâm phát triển đồng bộ nhiều hạ tầng khác như nhận thức, pháp lý, xử lý vi phạm, chuyển phát …
- Được biết Bộ Công thương và Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã phối hợp triển khai mô hình tem bảo đảm TrustVN cho các trang web TMĐT có uy tín. Vậy tiêu chuẩn để các website được gắn tem này là gì? Và xin ông cho biết đến nay có khoảng bao nhiêu trang web được gắn tem?
TrustVn là chương trình chứng nhận uy tín cho website TMĐT Việt Nam của Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) và Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom). EcomViet là thành viên chính thức của Liên minh các tổ chức dán nhãn tín nhiệm website thương mại điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ATA - Asia Pacific Trustmark Alliance), nơi quy tụ những tổ chức uy tín nhất về dán nhãn tín nhiệm trong khu vực và trên thế giới. Những website được gắn nhãn tín nhiệm TrustVn được bảo đảm việc tuân thủ các nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân theo thông lệ quốc tế, điển hình như: mục đích thu thập thông tin cá nhân, việc quản lý và sử dụng thông tin đó như thế nào, có tiết lộ thông tin cá nhân cho bên thứ ba và có được sự đồng ý từ khách hàng...
EcomViet và Trung tâm Thông tin cạnh tranh (CCID), Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp tiến hành thu nhận, giải đáp, tư vấn thắc mắc của người tiêu dùng và hỗ trợ các website được gắn nhãn TrustVn về việc giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể xem danh sách các website được gắn nhãn TrustVn tại www.trustvn.org.vn.
- Thị trường TMĐT của Việt Nam đã khá sôi động với sự đổ bộ của một số tên tuổi lớn của nước ngoài. Nếu xét đến mức độ cạnh tranh tới đây, ông có thể phân tích doanh nghiệp Việt có cơ hội thế nào?
Với hơn một phần tư dân số sử dụng Internet hàng ngày thì có thể thấy, trong thời gian tới, TMĐT của Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển sôi động. Về thị trường, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp TMĐT nước ngoài vào Việt Nam. Sự xuất hiện của những đại gia trong lĩnh vực TMĐT trên thế giới như eBay, Yahoo, Google, Alibaba tại Việt Nam thời gian qua là dấu hiệu cho thấy TMĐT ở Việt Nam có sức hấp dẫn đáng kể. Chính sự tham gia của các công ty tên tuổi trên thế giới sẽ khiến cho môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT ngày càng quyết liệt.
Các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi trong ứng dụng TMĐT. Chẳng hạn như, về thanh toán trực tuyến, ngay trong năm nay chúng ta sẽ thấy có những giải pháp của các công ty cung cấp dịch vụ kết hợp với hệ thống ngân hàng để đơn giản hóa quy trình này. Thanh toán trực tuyến sẽ không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng trong một số doanh nghiệp lớn như các hãng hàng không, du lịch như trước đây nữa mà sẽ được ứng dụng rộng rãi. Về hiệu quả ứng dụng, số lượng các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu nhờ TMĐT sẽ tiếp tục tăng nhanh.
- Ông có thể đưa ra lời khuyên gì đối với những doanh nghiệp còn đang e dè trong ứng dụng TMĐT?
Trước hết, cần khẳng định, TMĐT là việc của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ tạo cơ chế và xây dựng các hạ tầng cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin khuyến nghị với các doanh nghiệp muốn ứng dụng TMĐT rằng, hãy coi đây là một công cụ đắc lực trong chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay; cần lập một kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá năng lực cũng như đặc điểm sản phẩm của doanh nghiệp mình; cần quyết tâm nhưng tuyệt đối tránh tình trạng làm theo phong trào; chú trọng vào nguồn nhân lực TMĐT; nên nhờ các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để họ giúp triển khai kế hoạch ứng dụng TMĐT một cách bài bản.
- Xin cảm ơn ông!
(Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com