Việc thành phố Hà Nội quy định về những mảnh đất dưới 15m2 phải hợp khối với mảnh đất bên cạnh, nếu không sẽ bị thu hồi là trái luật. Tuy nhiên, để quản lý đô thị tốt, không thể chần chừ mãi, dây dưa mãi việc để tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ngay mặt tiền những con phố mới mở.
Đó là ý kiến của KS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi trao đổi với Đất Việt về quy định mới đây của thành phố Hà Nội về những mảnh đất dưới 15m2 sẽ phải hợp khối với mảnh đất bên cạnh trong 30 ngày, nếu không sẽ bị thu hồi.
Ông Minh cho biết: Việc tồn tại những căn nhà siêu mỏng, siêu méo là do lỗi bài toán quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết làm rất dở, không nghĩ trước được những trường hợp như vậy nên xảy ra tình trạng thành phố rất lộn xộn, đường phố mở đến đâu thì nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên tới đó. Cho nên nếu không xử lý thì bộ mặt thành phố sẽ nhếch nhác đến bao giờ?
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đô thị từng ước mơ Hà Nội làm quy hoạch được như thành phố Đà Nẵng, mà ở đó nhà cửa được quy hoạch chi tiết, khang trang. Quan điểm của ông thì sao?
Đặc điểm của Đà Nẵng khác với Hà Nội và Đà Nẵng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với Hà Nội. Đà Nẵng chủ yếu phát triển ra vùng phía Nam sông Hàn, toàn bộ vùng đó chủ yếu là đất để trống, nếu có một số nhà dân thì họ có thể lấy lấn vào, sau đó bán lại với giá cao hơn để đền bù cho chủ đất. Nhưng Hà Nội, khi mở những con đường, nếu làm như vậy sẽ không đủ kinh phí.
Theo tôi có một cách: cứ thực hiện như Trung Quốc, tức là Nhà nước thu hồi đất và lo chỗ ở cho người dân, từ nay trở đi không có đất đai sở hữu toàn dân mà sở hữu nhà nước. Người dân chỉ có quyền sử dụng công trình trên đất chứ không có quyền sử dụng đất. Có như vậy họ mới quy hoạch được thành phố Thượng Hải. Điều này phải thực hiện nhất quán, từ trên xuống dưới và từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, việc bán đất, nhượng đất, cấp dự án, tham nhũng trong lĩnh vực này sẽ được hạn chế. Ở nước ta có một nghịch lý là đất nước còn nghèo, nhưng tính như hiện nay, giá đất Hà Nội có khu vực lên đến hàng tỷ đồng một m2 thì các nước quanh khu vực như Tokyo (Nhật Bản) cũng không đến mức như vậy.
Nhưng Luật Đất đai cũng quy định người dân chỉ có quyền sử dụng đất chứ không có quyền sở hữu đất?
Luật quy định “đất đai sở hữu toàn dân” là quy định rất chung chung, không có chủ thật. Tuy nhiên, thực tế người dân có quyền nhượng, bán, trao đổi, thừa kế, như vậy, đất không phải sở hữu toàn dân, mà có chủ đàng hoàng. Do vậy, nhiều trường hợp lợi dụng chuyện này để cấp đất... Theo tôi nên quy ra cụ thể, đất đô thị do Chính phủ quản lý, ở cấp địa phương thì tỉnh quản lý, người dân chỉ được sử dụng thôi, không có quyền chuyển nhượng.
Việc quy định như thành phố Hà Nội về những mảnh đất dưới 15m2 phải sáp nhập với mảnh đất bên cạnh hoặc bị thu hồi có trái luật?
Thật ra, nếu so với Luật đất đai là sai, vì đây là quyền sử dụng đất của người dân, trong đó có quyền nhượng, bán. Nếu là mảnh đất có diện tích 15m2 cũng không làm được gì. Khi ảnh có quyền nhượng bán, trao đổi, thừa kế thì việc thu hồi là sai. Tuy nhiên, quy định về quản lý đô thị chúng ta phải chấp hành và không thể chần chừ, dây dưa mãi việc để tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ngay mặt tiền những con phố mới mở.
Xin cảm ơn ông.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com