Theo nhiều chuyên gia, các khoản “nợ ngầm” do các doanh nghiệp nhà nước tự vay mới là tiềm ẩn rủi ro
Hiện nợ công của Việt Nam vẫn được Chính phủ công bố nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các khoản “nợ ngầm” do các doanh nghiệp nhà nước tự vay mới là tiềm ẩn rủi ro đối với các khoản nợ của Việt Nam trong thời gian tới.
Xung quanh những khoản nợ này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
Vì sao lại có những đánh giá và những con số khác nhau về thực trạng nợ công của Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Tính đến 31/12/2009, nợ công so với GDP của Việt Nam là 52,6%, trong đó nợ Chính phủ/GDP là 41,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP là 9,8%. Con số 52,6% nợ công tại thời điểm cuối năm 2009 là chưa có quy định của Thủ tướng về nợ công bởi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2010.
Như vậy, dù nó vượt quá 50% GDP nhưng vì khi đó chúng ta chưa có ngưỡng an toàn nên cũng khó có thể nói mức dư nợ đó có an toàn hay không.
Còn nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 38,8%, trong đó nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước là 15,8%, còn nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn so với xuất khẩu là 4,2%. Với tư cách là cơ quan quản lý nợ, chúng tôi có thể khẳng định rằng, nợ Chính phủ và nợ quốc gia hiện vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn. Phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi.
Tuy nhiên, do cơ cấu đồng tiền vay nợ của Việt Nam khá đa dạng nên cũng tiềm ẩn những rủi ro khi có biến động trên thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, danh mục nợ của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những bất cập, chẳng hạn như công tác huy động vốn ODA vẫn còn thụ động, nhiều khoản vay ODA còn gắn với những ràng buộc làm tăng chi phí đầu vào, phân bổ vốn vay còn dàn trải, cơ chế cảnh báo sớm còn hạn chế....
Còn chuyện các tổ chức quốc tế có con số khác nhau về nợ công của Việt Nam là do cách thức đánh giá, phân loại khác nhau. Chẳng hạn như cách đánh giá thâm hụt ngân sách của chúng ta khác với một số tổ chức quốc tế.
Cụ thể, khi chúng ta đánh giá thì chúng ta đưa toàn bộ các khoản gốc và lãi vào các kỳ ngân sách. Nhưng tổ chức quốc tế thì họ chỉ đưa phần trả nợ thuần, không tính trả nợ gốc.
Thứ hai nữa là có những yếu tố khi tính nợ chúng ta không tính vào bội chi ngân sách như trái phiếu Chính phủ phát hành cho các dự án giáo dục thủy lợi..., nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại tính vào.
Đặc biệt, với những công trình lớn kéo dài thì chúng ta tính cân đối vào những năm ngân sách tiếp theo, nhưng các tổ chức quốc tế thì họ tính ngay vào năm phát hành trái phiếu để vay nợ.
Nhưng một số tổ chức quốc tế vẫn khuyến cáo Việt Nam nên quan tâm đến khả năng trả nợ trong thời gian tới, vì thực tế các khoản nợ của Việt Nam trước đây đã vượt ngưỡng an toàn?
Như tôi đã nói, vấn đề nợ công thì đến đầu năm nay mới có Luật. Còn trước đó thì do chúng ta chưa có những quy định và khái niệm nào về nợ công nên nói an toàn hay không là không có cơ sở. Còn hiện nay, giới hạn về nợ Chính phủ và nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn an toàn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định, an toàn nợ là một chuyện song đảm bảo khả năng trả nợ là một câu chuyện cũng rất quan trọng. Theo quy định của Thủ tướng thì nghĩa vụ trả nợ ở mức 30% tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng hiện nay chúng ta đang 15,8%, có nghĩa là nợ của Việt Nam vẫn đang an toàn.
Hiện nhìn chung các cơ quan trong nước đều có chung quan điểm về mức nợ của chúng ta. Còn các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế thì chúng tôi sẽ tham khảo và sẽ có trả lời chính thức trong thời gian tới.
Vậy trong tổng số nợ công hiện nay đã tính cả các khoản “nợ ngầm” chưa?
Theo Luật Quản lý nợ công thì nợ công là nợ có Chính phủ bảo lãnh và nợ của các chính quyền địa phương. Về nguyên tắc những khoản vay Chính phủ bảo lãnh thì Chính phủ phải đứng ra thanh toán nếu doanh nghiệp đó thất bại. Còn các khoản “nợ ngầm”, tức là các khoản nợ tự vay tự trả thì chúng ta không đưa vào diện nợ công. Nếu Chính phủ không bảo lãnh thì Chính phủ không phải trả. Những khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì doanh nghiệp đó phải chịu.
Ngay cả Vinashin thì chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề của Vinashin, trong đó tập trung vào tái cơ cấu. Còn các khoản nợ của Vinashin theo dạng tự vay tự trả thì đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn tự thực hiện nghĩa vụ của mình mà chưa cần trợ giúp từ ngân sách nhà nước.
Số nợ 750 triệu USD là khoản Chính phủ cho Vinashin vay lại nên về nguyên tắc, Chính phủ sẽ đứng ra thực hiện trả nợ khi đến hạn. Còn sau đó, Chính phủ sẽ làm việc cụ thể với tập đoàn này để xử lý thanh toán khoản vay này.
Nhưng với các doanh nghiệp nhà nước thì dù các khoản vay đó không được bảo lãnh thì nếu xảy ra rủi ro, Chính phủ vẫn phải đứng ra thu xếp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều khoản vay chúng ta chưa tính đến khả năng trả nợ?
Về nguyên tắc thì các khoản vay dù là của doanh nghiệp nào nếu không bảo lãnh thì Chính phủ không có trách nhiệm trả. Hơn nữa, trong quá trình vay thì phải nói đến 2 quy trình khác nhau. Một là quy trình huy động vốn và quy trình đầu tư các dự án cụ thể.
Nếu đi huy động vốn thì bao giờ chúng tôi cũng phải tính đến ngân sách tăng lên bao nhiêu, vay nước ngoài bao nhiêu, trong nước bao nhiêu để bù đắp thâm hụt ngân sách và cho vay lại.
Còn nếu các dự án đầu tư thì phải thẩm định các dự án đó và cơ quan cho vay lại là ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại để đảm bảo các dự án có hiệu quả. Rủi ro có thể xảy ra nhưng đó là trong từng trường hợp cụ thể chứ không phải là không tính đến khả năng trả nợ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, sắp tới các khoản vay ưu đãi ODA sẽ giảm thì ngưỡng an toàn nợ sẽ bị đe dọa?
Chúng tôi cũng đã lường trước được vấn đề này. Khi các dự án đi vay vốn không thuộc diện vay ODA nữa thì chắc chắn phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn, bởi những khoản vay thương mại đó sẽ không được đưa vào diện cân đối ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.
Hiện nay Bộ Tài chính đang cùng với các bộ ngành xây dựng chiến lược nợ đến năm 2020, trong đó có tính đến biến đổi lãi suất đi vay sẽ tăng dần lên và các khoản vay thương mại sẽ tăng lên.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com