“Đảm bảo nguyên tắc cấm dùng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, nhưng không nên đột ngột áp chế tài buộc ngân hàng bán USD cho dân. Thời gian dài quản lý lỏng lẻo, nay phải lập lại trật tự và không để phát sinh phức tạp mới sẽ nhiều khó khăn”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nhận định về diễn biến mới liên quan đến các biện pháp điều hành, quản lý thị trường ngoại hối.
Chính phủ đang quyết “siết” thị trường USD chợ đen nhưng thực tế là người dân có nhu cầu chính đáng đang gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ từ ngân hàng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Các vấn đề về thị trường ngoại tệ đều đã thể hiện trong Pháp lệnh quản lý ngoại hối nhưng vừa qua thực hiện chưa nghiêm. Thế nên, chúng tôi kiến nghị phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý ngoại tệ. Trước mắt, phải đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn phải tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế, người dân có nhu cầu ngoại tệ hợp lý có thể mua, tức là các ngân hàng thương mại phải bán cho họ.
Nghĩa là cần có chế tài buộc các ngân hàng phải bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng?
Quy định pháp luật cụ thể đã thể hiện rõ điều này. Không nên làm quá đột ngột nhưng giờ đây phải thực hiện nghiêm các quy định trên nguyên tắc là cấm không được dùng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán như thời gian vừa qua thì tình hình thị trường ngoại hối dần dần sẽ được cải thiện. Khó khăn lớn nhất là bởi một thời gian dài chúng ta quản lý lỏng lẻo, bây giờ phải lập lại trật tự và không để phát sinh phức tạp mới. Đây là trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước.
Lạm phát 3 tháng đầu năm 2011 đã gần chạm giới hạn Quốc hội đề ra vậy. Nhiều khả năng QH sẽ lại phải xem xét “nới” chỉ tiêu này, thưa ông?
Lạm phát những tháng đầu năm tăng cao. Ngay bây giờ, nếu đặt vấn đề điều chỉnh mức bao nhiêu thì tôi cho là sớm. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là ưu tiên. Đây là nhiệm vụ khó khăn mà chúng ta phải phấn đấu.
Thấy trước đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, ông có cho rằng 9 tháng cuối năm có thể thực hiện được “kịch bản” đề ra?
Các cơ quan chức năng phải đồng loạt thực hiện nghiêm Nghị quyết 11. Ví như, nghị quyết đặt vấn đề kiểm soát tổng phương tiện thanh toán từ 15-16%; tăng trưởng tín dụng dưới 20%, cắt giảm đầu tư công… phải được đảm bảo thực hiện, tránh tình trạng như năm 2010, đầu năm thắt chặt tiền tệ rất quyết liệt nhưng cuối năm lại nới lỏng ra. Chính điều này đã gây ra hệ lụy mà chúng ta đang phải gánh chịu. Tôi cho rằng, giải pháp đưa ra mạnh mẽ nhưng tổ chức thực hiện phải khẩn trương, quyết liệt thì mới hiệu quả.
Đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát song lại phải thực hiện chủ trương điều hành theo thị trường đối với giá xăng, dầu, điện. Làm 2 phép tính “trái dấu” như vậy có phải là “nhiệm vụ bất khả thi”?
Để kiềm chế được lạm phát phải thực hiện các giải pháp đồng bộ. Điều này yêu cầu điều hành của Chính phủ cương quyết nhưng phải phù hợp với thực tiễn thị trường trong và ngoài nước. Tôi có niềm tin, với kinh nghiệm điều hành và các nhóm giải pháp đã đưa ra, chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát.
(Dân Trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com