Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 1,09% so với tháng 5 thì lãi suất huy động và cho vay sẽ có điều kiện để giảm dần. Tuy nhiên, theo TS. Kiêm, trước mắt khó có thể kỳ vọng lãi suất thực đầu vào sẽ giảm về mức trần quy định (14%/năm).
Nhiều dự báo gần đây đều cho rằng, lãi suất sẽ hạ nhiệt theo dấu hiệu của lạm phát và CPI tháng 6 vừa được Tổng cục Thống kê công bố chỉ tăng 1,09% so với tháng 5/2011. Theo ông, lãi suất liệu có sớm giảm?
CPI chỉ tăng hơn 1% trong tháng 6 là dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu được kiểm soát theo chiều hướng hạ nhiệt dần. Điều này sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất tiền đồng đang ở mức cao hiện nay. Vì thế, khả năng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc lãi suất sẽ giảm nhanh và sớm. Trước mắt, lãi suất thực huy động trên thị trường sẽ khó đồng loạt giảm ngay về mức trần 14%/năm, mà phải theo chiều hướng giảm dần từ mức 17 - 18%/năm hiện nay.
Ngoài việc chỉ số CPI tháng 6 vừa được công bố ở mức tương đối thấp, có còn dấu hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới đây, thưa ông?
Hiện ngoài dấu hiệu ổn định của lạm phát, đang có hai yếu tố khác tác động tích cực lên diễn biến của mặt bằng lãi suất, đó chính là việc các ngân hàng thương mại cũng đang từng bước cắt giảm dần chi phí đầu vào, thôi trả lãi suất huy động cao (19 - 20%/năm) cho những khoản tiền gửi có giá trị lớn. Mặt khác, nếu diễn biến của CPI tiếp tục được kiểm soát tốt trong những tháng tiếp theo, thì khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tính đến việc hạ lãi suất cho vay tái chiết khấu và tái cấp vốn so với mức 14%/năm hiện nay. Những yếu tố trên sẽ là tiền đề để giảm dần mặt bằng lãi suất đầu vào, cũng như hạ lãi suất cho vay.
Điều đó cũng có nghĩa áp lực về lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng sẽ hạ, thưa ông?
Vấn đề đặt ra là khi chiều hướng lãi suất đầu vào đi xuống theo tín hiệu của lạm phát thì lãi suất cho vay thỏa thuận cũng phải giảm theo, chứ không chỉ có chi phí đầu vào hạ mà lãi suất đầu ra vẫn giữ nguyên. Đó mới chính là mục đích mà chúng ta cần đạt được. Có như vậy mới giảm được áp lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đang đứng trước nguy cơ đình trệ do mặt bằng lãi suất vay vốn cao. Còn nếu lãi suất huy động thấp, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao thì chỉ có lợi cho ngân hàng thương mại.
Theo ông, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt được 7,05% tính đến ngày 10/6 là thấp hay phù hợp với mục tiêu kiểm soát dưới 20% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra?
Tôi cho rằng, mức tăng trưởng dư nơ tín dụng 7,05% đạt được trong hơn 5 tháng đầu năm là thấp. Vì nếu tính trên mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của cả năm nay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 20% thì đến thời điểm này dư nợ cũng phải đạt mức 10%. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với doanh nghiệp thường dồn vào những tháng cuối năm. Đáng chú ý là do có nhiều dự báo về việc lãi suất tiền đồng sẽ giảm trong 2 quý cuối năm, nên các doanh nghiệp cũng kỳ vọng đến thời điểm này sẽ tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất rẻ hơn để phục vụ mùa sản xuất - kinh doanh cao điểm vào dịp cuối năm 2011. Tuy nhiên, với chủ trương kiểm soát chặt tăng tưởng dư nợ, giảm dần cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất để kiểm soát lạm phát, thì khả năng chính sách tiền tệ vẫn sẽ khá thận trọng.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com