Tiếp tục trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết "Tại nước ta, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV, tiếp đến mới là do rượu, tai nạn giao thông".
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Ảnh Chinhphu.vn |
PV: Thưa ông, mặc dù hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe con người, nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá ở nước ta vẫn rất cao?
Ông Nguyễn Huy Quang: Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim,...
Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nicotine, nhựa thuốc lá (tar), benzen, carbon monoxide... Vì vậy, những người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 - 10 lần so với người không hút thuốc lá.
Hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hại hơn khói thuốc do người hút thở ra vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26% do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc.
Người thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26 lần so với người không hít phải khói thuốc. Khói thuốc thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở cả nam và nữ.
Khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ 82%.
Tại nước ta, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV, tiếp đến mới là do rượu và tai nạn giao thông.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm), ước tính có khoảng 8 triệu người sẽ chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá trong đó gần 4 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên.
PV: Ngoài việc thuốc lá gây tác hại đối với sức khỏe con người, xin ông cho biết thuốc lá còn gây tác hại gì đối với kinh tế - xã hội?
Ông Nguyễn Huy Quang: Trên thế giới, thuốc lá gây thiệt hại 200 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 1-3% GDP.
Tại Việt Nam, số tiền điều trị năm 2010 cho 3 bệnh liên quan đến hút thuốc lá là ung thư phổi, bệnh mạch vành và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vào khoảng 2.034 tỷ đồng.
Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền dành cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người.
Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây nghèo đói. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, làm gia tăng hoạt động buôn lậu, gây ra nguy cơ cháy nổ.
PV: Với những ảnh hưởng và tác hại của việc hút thuốc lá như vừa nêu trên, xin ông cho biết quan điểm xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá hướng đến những mục tiêu gì?
Ông Nguyễn Huy Quang: Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là thực hiện kiểm soát toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá để giảm cầu và giảm cung đối với thuốc lá. Trong đó quy định các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn, thuế để giảm cầu thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá;...
Như trong dự thảo Luật cũng đã nêu, dự kiến sẽ thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá để làm đầu mối huy động, tạo lập và cung cấp nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Dự án Luật này cũng định hướng một lộ trình yêu cầu từ 01/01/2013, việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh phải chiếm ít nhất 40% diện tích của mỗi mặt trước và sau trên tất cả các bao bì thuốc lá. Từ 01/01/2016 trở đi, các cảnh báo này phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các bao bì thuốc lá.
Dự luật này sau khi ban hành và được triển khai nghiêm túc, chúng ta tin tưởng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ đạt thêm những kết quả tích cực./.
PV: Xin cảm ơn ông.<
(Theo Hoàng Diên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com