“Nếu chúng ta siết mạnh nhập khẩu sẽ gây trở ngại cho phát triển của nền kinh tế trên mọi phương diện. Do đó, việc xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được điều hành thân trọng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định.
Xung quanh vấn đề xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã có cuộc trao đổi với báo giới và cho biết:
Một trong những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô là tạo ra cân bằng trong kinh doanh, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Riêng hai mặt hàng điện thoại di động (là mặt hàng nằm trong danh mục hạn chế nhập khẩu - PV) hiện nay đang trong lộ trình miễn thuế 0%. So với nhiều mặt hàng khác, đây là sự ưu ái rất lớn bởi nhu cầu của xã hội.
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tự động đối với mặt hàng này, nhưng chủ trương là không khuyến khích nhập khẩu hàng xa xỉ và thị trường di động, laptop ở Việt Nam không thiếu.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình nhập khẩu trong những tháng đầu năm?
Với 3 tháng đầu năm 2011, giá trị nhập siêu ở mức 15,7%, đây là mức thấp nhất và tương đối an toàn đối với cán cân thương mại và thanh toán của Việt Nam. Trong khi các năm trước tỉ lệ này đã có lúc lên đến 28%, năm 2010 thì dưới 18%.
Trong bối cảnh Việt Nam tăng trưởng còn phụ thuộc nhập khẩu, nếu chúng ta siết mạnh sẽ gây trở ngại cho phát triển của nền kinh tế trên mọi phương diện. Do đó, việc xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được điều hành thận trọng, tính toán làm sao để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Được biết, chúng ta đã có bước đột phá về xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về điều này?
Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đạt 1,338 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng rất cao xuất phát từ nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng với ưu đãi thị trường mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc. Nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng này thì sẽ hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.
Chúng ta biết tận dụng những ưu đãi các mặt hàng được miễn hoặc giảm thuế mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc. Thông qua làm việc giữa các hiệp hội, các doanh nghiệp đã nắm bắt rõ hơn các mặt hàng nào được miễn giảm thuế. Ngoài ra còn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp hai nước bởi miễn thuế không chỉ doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mà Trung Quốc cũng được hưởng.
Một thị trường khác cũng đang được quan tâm là Nhật Bản. Theo Thứ trưởng, với những diễn biến hiện nay, liệu đây có phải là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam?
So với tăng trưởng xuất khẩu trong quý 1 đi các nước trên thế giới là 33,7% thì xuất khẩu sang Nhật chiếm hơn 28% không phải là con số cao. Điều này chứng tỏ chưa có gì đột biến trong việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật.
Trong bối cảnh thị trường hàng hoá của Nhật đang gặp khó khăn do sự cố thiên tai, thiếu các mặt hàng thiết yếu như gạo, nông sản,… nếu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đủ cung ứng cho nước bạn thì doanh nghiệp cần đáp ứng được yêu cầu của nước bạn.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và doanh nghiệp trong nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và lãi suất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tham mưu gì cho Chính phủ để gỡ rối?
Hiện nay Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang chủ trì phối hợp các ngành để đưa ra mức trần lãi suất hợp lý. Lãi suất giờ đang ở mức 14%, tuy nhiên thực tế lãi suất cho vay cao hơn mức này.
Tôi nghĩ rằng, đối với các lĩnh vực mà hiệp hội có vai trò lớn, tác động mạnh đến các hội viên để đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan nhà nước thì quyền lợi của hội viên sẽ được đảm bảo hơn. Ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa hiệp hội và Bộ Công Thương, họ đã được vay với mức lãi suất 13% từ ngân hàng Vietcombank.
Những khó khăn cần giải quyết từ từ, đồng bộ, không nên nóng vội. Hơn nữa, muốn thực hiện tốt trong hoạt động xuất nhập khẩu thì doanh nghiệp không nên chỉ chờ sự tác động của cơ quan Nhà nước mà bản thân họ và hiệp hội phải tự tìm ra những vấn đề hạn chế, vướng mắc để đưa ra giải pháp kiến nghị.
Xin cảm ơn ông!
(Dân Trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com