Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cà phê cuối tuần: “Anh cả” viễn thông và hướng đầu tư nước ngoài

picture
Phó tổng giám đốc VNPT, ông Phan Hoàng Đức - Ảnh: M.Chung.

Trong khi Viettel liên tiếp đầu tư, mở nhiều mạng viễn thông ra nhiều nước trên thế giới và đã đang thu được những thành công nhất định thì, VNPT vẫn chưa có một mạng di động nào của mình ở thị trường nước ngoài.

Vậy tại sao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đơn vị thường được xem là “anh cả” trong làng viễn thông của Việt Nam vẫn chưa thành lập được mạng viễn thông nào tại thị trường quốc tế? Phải chăng do VNPT đã quá chậm thay đổi hay không thức thời? VnEconomy đã đặt câu hỏi trên tới Phó tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức.

Ông Đức nói:

- Định hướng của VNPT đầu tư ra nước ngoài cũng khác so với các doanh nghiệp viễn thông khác. Chúng tôi đi theo hướng hợp tác và đầu tư, không theo hướng đầu tư mạng lưới hạ tầng và tổ chức.

Cụ thể định hướng đó là như thế nào, thưa ông?

Định hướng của chúng tôi là hợp tác với các mạng lớn, để đầu tư dài hơi hơn, và theo như thông lệ của thế giới là hoạt động trên đầu tư và trên cơ sở của hạ tầng, tham gia góp vốn vào các nhà khai thác có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam. Tức chúng tôi sẽ đầu tư hẳn vào những mạng, những thị trường phát triển.

Hiện chúng tôi đang có những đối tác gắn bó với VNPT rất lớn như Orange France Telecom (Pháp), T- Mobile (Mỹ)... Đó là các nhà mạng di động lớn và chúng tôi có những mối quan hệ rất tốt. VNPT định hướng và đang xây dựng chiến lược như thế.

Phải hết sức thận trọng

Ông nghĩ sao về định hướng đầu tư hạ tầng, thành lập mạng viễn thông của mình ở thị trường nước ngoài, như Viettel đã và đang làm, và cũng khá thành công?

Mỗi một doanh nghiệp có những bước đi khác nhau, không thể đi cùng như nhau được. Hướng chúng tôi vẫn đang tập trung điều chỉnh lấy thị trường trong nước là thị trường chủ yếu.

Như việc Viettel tập trung đầu tư về hạ tầng và cơ sở để tổ chức khai thác dịch vụ, gắn kết cũng là tín hiệu vui và là sự thành công đối với doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài. Và Viettel cũng đã thành công.

Nhưng hướng đi của VNPT khác với Viettel. Quan điểm của chúng tôi là, với những giải pháp, chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đi rồi thì thôi, chứ không phải mình cũng đi đầu tư như vậy để tạo ra sự cạnh tranh ở môi trường đó.

Nhưng nói vậy, chứ đến giờ, định hướng hợp tác, góp vốn vào các mạng lớn trên thế giới của VNPT, xem ra đã có tín hiệu gì rõ nét đâu?

VNPT đã gặp nhiều đối tác nhưng do thị trường thế giới khủng hoảng, khó khăn quá cho nên cũng có những bước chậm lại. Môi trường đầu tư hiện nay cũng có những khó khăn nên chúng tôi sẽ phải có những điều chỉnh lại để làm sao các bước đi ra nước ngoài phải đảm bảo sự bền vững.

Dù sao đầu tư ra nước ngoài cũng phải hết sức thận trọng.

Đâu là cơ sở cho định hướng và chiến lược đầu tư ra nước ngoài như trên của VNPT?

Việc VNPT lựa chọn hướng này vì chúng tôi biết phải phát huy thế mạnh những gì mà chúng tôi có. Chúng tôi xác định, mô hình có thể đem lại hiệu quả cao nhất là hợp tác kinh doanh với nước ngoài, còn vấn đề đầu tư bằng hạ tầng và tổ chức khai thác, chúng tôi chưa tính đến.

VNPT có ba định hướng khi đầu tư ra nước ngoài.

Thứ nhất, VNPT là một đơn vị, theo tôi, chắc chắn về năng lực mạng lưới sẽ không có doanh nghiệp nào bằng. Vì thế, chúng tôi đang có một mô hình hợp tác kinh doanh với nước ngoài rất có hiệu quả và chặt chẽ, đó là hợp tác kinh doanh lưu lượng.

Ví dụ như khai thác kinh doanh vệ tinh hiện nay của VNPT. Chúng tôi kết hợp với các doanh nghiệp quản lý vệ tinh trong khu vực để cho thuê. Mình truyền ra nước ngoài, đối tác truyền về khu vực của VNPT.

Định hướng thứ hai mà VNPT đang hướng tới là hợp hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài về sản xuất sản phẩm công nghiệp thiết bị đầu cuối, để đưa các sản phẩm đó về Việt Nam, hoặc là họ đưa hạ tầng hệ thống các thiết bị qua bên này (Việt Nam) sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu thị trường, cả trong nước và nước ngoài.

Hiện VNPT đang hình thành một số công ty có liên doanh, hợp tác với các đối tác của Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất các thiết bị đầu cuối tại Việt Nam.

Và định hướng thứ ba, như tôi đã nói là đầu tư trên thị trường bằng việc góp vốn hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp viễn thông lớn. Vấn đề này cũng rất cởi mở.

Ông có thể cho biết, việc hợp tác sản xuất thiết bị với các đối tác nước ngoài của VNPT đến đâu rồi?

Chúng tôi đã có nhiều sản phẩm ra rồi ví dụ cáp quang, điện thoại Avio… Trong tương lai, chúng tôi đang định hướng một số vấn đề về nguồn năng lượng sạch. VNPT cũng đã có một nhà máy liên doanh với Hàn Quốc hợp tác cho công nghệ 4G.

Còn kế hoạch góp vốn, mua cổ phần của các đối tác nước ngoài thì sao?

Cơ hội đầu tư góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp viễn thông nước ngoài như tôi kể trên, hiện nay có những khó khăn nhất định. Chúng tôi đang có những điều chỉnh quyết liệt để làm sao có những hướng đi hiệu quả hơn. Quan điểm của chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài là phải đảm bảo tính bền vững.

Theo ông, lợi thế hay sự khác biệt của chiến lược là hợp tác góp vốn, hay mua cổ phần của các doanh nghiệp viễn thông lớn mà VNPT định hướng so với chiến lược phát triển hạ tầng xây dựng mạng mới là như thế nào?

Tôi cho rằng, lợi thế quan trọng nhất đối với định hướng của VNPT là hạ tầng. Trong hợp tác kinh doanh phải ngang bằng nhau về đường truyền, các cơ sở vật chất khác, giống như là một dòng nước nếu thông đồng bén giọt, trôi chảy trong một lưu lượng thì ta có thể hợp tác kinh doanh. Mình thấp quá người ta tràn vào mình còn mình cao quá thì lại đổ ra ngoài. VNPT là đơn vị có hạ tầng đủ điều kiện và năng lực.

Thứ hai, việc hợp tác kinh doanh theo hướng đầu tư ra nước ngoài của VNPT, với định hướng tạo ra các sản phẩm công nghiệp, vì đây là lợi thế của Việt Nam về lao động và cơ sở vật chất kỹ thuật của đối tác. Và mình phải phát huy.

Tóm lại, đầu tư ra nước ngoài phải hết sức thận trọng chứ không đơn giản. Trình độ chúng ta thấp hơn các nước nên phải lựa chọn loại hình dịch vụ nào và lợi thế nào để trong quá trình hợp tác mình không bị thua thiệt. Bước thận trọng của VNPT là như vậy thôi.

Xoay xở chậm, vẫn quyết tâm thay đổi

Trước sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông trong thời gian qua, điển hình như Viettel, nhiều người cho rằng, VNPT đang thụt lùi. Cá nhân ông nghĩ sao?

Cũng giống như cái bánh, thị trường viễn thông ngày càng cao, càng to ra, là tốt. Năm ngoái, chúng tôi tăng trưởng vẫn trên 30%, đó là điều rõ ràng, doanh số không thể giấu được, và đóng góp ngân sách nhà nước không phải là con số ảo.

Vì thế, nếu nói VNPT thụt lùi tôi không công nhận, nhưng để nói tất cả cùng chiến thắng thì đó là điều tốt cho đất nước.

Nhưng so với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp khác thì dường như, VNPT đang phát triển chậm hơn?

Nhận xét này có thể một phần cũng đúng.

Bởi vì, VNPT là bước tiến của cả quá trình phát triển 66 năm rồi. Trước đây trong môi trường độc quyền, VNPT chỉ là một nhà cung cấp, công ích chưa có. Chúng tôi phải đầu tư vào mạng điện thoại cố định, đầu tư cho vùng sâu vùng xa để đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo trách nhiệm của VNPT với nhà nước. Những lĩnh vực này, tính đến hiệu quả thì không ai đầu tư làm gì.

Bây giờ VNPT vẫn đảm trách những dịch vụ đấy, vẫn phải giữ và phát triển nó. Thêm nữa, công nghệ mới VNPT vẫn phải đưa vào, đồng thời cũng phải duy trì hệ thống cũ. Sau khi mạng di động ra đời phát triển nhanh quá, mạng cố định không thể phát triển được, nhưng đã đầu tư rồi, không thể bỏ được.

Bên cạnh đó, trong khi một số mạng di động thành lập sau không phải lựa chọn công nghệ. Đơn cử như công nghệ GSM, VNPT đã thử nghiệm và đưa vào rồi. Vì thế, những doanh nghiệp đi sau là một lợi thế rất lớn.

Tôi khẳng định VNPT không bị thụt lùi, vì chúng tôi vẫn là doanh nghiệp đứng thứ hai nộp ngân sách nhà nước. Hai mạng di động của chúng tôi lợi nhuận rất lớn nhưng vẫn phải chia ra một phần để giữ lại mạng cố định. Đội ngũ của chúng tôi là 9 vạn người, vấn đề giải quyết lao động cũng rất lớn.

Đấy chưa kể, cả mạng bưu chính, như bạn cũng biết, cho dù đã tách ra là tổng công ty (Tổng công ty Bưu chính Việt Nam - VNPost), chuẩn bị được Nhà nước đầu tư là công ích nhưng hiện nay vẫn đang nằm trong VNPT. Vì thế mạng bưu chính công ích hiện VNPT vẫn phải đảm nhận.

Nhiều người đánh giá VNPT thay đổi chậm quá, tôi cũng đồng ý, nhưng mà mục tiêu của chúng tôi là quyết tâm thay đổi.

Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, kinh nghiệm của thế giới khi họ tái cấu trúc, điều chỉnh không phải là một hoặc hai năm, kể cả các doanh nghiệp lớn của các nước Pháp, Mỹ, Úc… người ta cũng phải mất ít nhất là 5 năm, không phải 8 năm để thay đổi cho những định hướng mới.

Và VNPT cũng phải thay đổi, dù là doanh nghiệp lớn, cồng kềnh, xoay xở chậm, nhưng VNPT vẫn phải quyết tâm thay đổi.

(Theo Vneconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Cà phê cuối tuần: “Con nuôi không thể như con đẻ”
  • "Chỉ thị 1792 tạo cú hích tái cơ cấu đầu tư công"
  • Cà phê cuối tuần: Tắc đường và chuyện vỏ dưa, vỏ dừa…
  • Cà phê cuối tuần: “Vào cuộc thì phải hết mình”
  • Hàng hóa, dịch vụ: Thiết yếu hay thứ yếu?
  • Xuất khẩu gạo: Giá trị chưa tương xứng
  • Tái cấu trúc DNNN: Cần xác định lại mục tiêu
  • ‘Hợp nhất các ngân hàng là điều hết sức bình thường’
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi