Việt Nam và Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao vào tháng 5.1995. Quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến dài trong thời gian này, đặc biệt trong các hoạt động đầu tư, thương mại và giáo dục. Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Ken Fairfax, tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM về vấn đề này. Ông Fairfax vừa chấm dứt nhiệm kỳ ba năm và sắp sửa bàn giao lại công việc tại TP.HCM cho đồng nghiệp của ông, một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt.
![]() |
Mỹ đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Xin ông cho biết thêm thông tin về điều này?
Theo các con số thống kê mới nhất tại Việt Nam, thì Mỹ hiện là nhà đầu tư đứng đầu với số vốn đăng ký lớn nhất, lên tới gần 10 tỉ đôla chỉ trong những tháng đầu năm 2010. Tuy nhiên, phải xem xét số vốn giải ngân để biết được lượng đầu tư cụ thể.
Tôi không có con số mới nhất, nhưng theo tôi biết vốn đầu tư giải ngân từ Mỹ cũng rất cao trong năm 2009. Trải qua suốt cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, tốc độ tăng trưởng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam không hề chậm lại.
Ngoài ra, tôi phải nói thêm rằng FDI là một thống kê thú vị. Bạn không thể tìm được tên một số công ty Mỹ lớn nhất ở Việt Nam nếu nhìn vào danh sách FDI, bởi lẽ nhiều dự án đầu tư được đăng ký từ các trụ sở châu Á. Nói tổng quát là có rất nhiều tỉ đôla Mỹ. Ví dụ như dự án nhà máy Intel sẽ chính thức khai trương cuối tháng 5 này.
Những lĩnh vực đầu tư chủ chốt của doanh nghiệp Mỹ hiện nay là gì?
Những dự án lớn nhất hiện nay thuộc về lĩnh vực dầu khí, chẳng hạn như dự án đầu tư của Chevron lên tới gần 4 tỉ USD, có lẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam tính đến thời điểm này. Ngoài ra còn có các đầu tư trong lĩnh vực hoá chất. Tôi cũng muốn kể đến những công ty trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel. Công nghệ cao đang là lĩnh vực được doanh nghiệp Mỹ quan tâm. Gần đây cũng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và y tế. Hiện có ít dự án FDI trong lĩnh vực địa ốc, nhưng thực ra một lượng lớn vốn đầu tư Mỹ được đổ vào khu vực này với hình thức đầu tư gián tiếp, thông qua các quỹ đầu tư.
Doanh nghiệp Mỹ có quan tâm nhiều đến khu vực bán lẻ không, thưa ông?
Cho tới nay vẫn còn khá ít công ty Mỹ tham gia vào khu vực bán lẻ ở Việt Nam. Theo tôi hiểu doanh nghiệp nước ngoài chưa dễ dàng gì tham gia kinh doanh bán lẻ. Chúng tôi nhận được những than phiền từ các nhà bán lẻ châu Âu, rằng đàm phán WTO của Việt Nam trong khu vực bán lẻ không rõ ràng khiến mỗi công ty bán lẻ nước ngoài hiện nay mới chỉ được phép mở một cửa hàng.
Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tiến một bước dài trong thời gian qua. Ông đánh giá thế nào về điều này?
![]() |
Quý 1/2010, xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Mỹ đạt 20,4 triệu USD. Trong ảnh: làm khuôn mẫu tại một nhà máy nhựa Việt Nam. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 15 năm, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ có 400 triệu USD. Cả hai phía đều hy vọng thương mại sẽ tăng trưởng, nhưng tôi nghĩ không ai trong chúng ta hình dung ra thương mại hai chiều đã đạt tới 16 tỉ USD trong năm qua. Trong đó Mỹ xuất sang Việt Nam khoảng hơn 3 tỉ USD giá trị hàng hoá, và phần còn lại là giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường xuất khẩu đang phát triển nhanh nhất của Mỹ. Hoàn toàn đáng kinh ngạc.
Trong thời gian khủng hoảng vừa rồi, xuất khẩu sang Mỹ của rất nhiều nước giảm, riêng Việt Nam thì hầu như không bị ảnh hưởng. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có giảm một chút, nhưng nếu so sánh với một số nước như Ý, xuất khẩu sang Mỹ giảm đến 50%, thì có thể nói Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Gần đây các quốc gia đều có xu hướng tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Doanh nghiệp Việt Nam cũng lo ngại về tình trạng này từ phía Mỹ. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?
Ai cũng than phiền về chủ nghĩa bảo hộ, chẳng hạn các biện pháp đối với ngành thuỷ hải sản từ Việt Nam. Nhưng mặt hàng này xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tăng 30%. Tôi cho rằng đây là hiện tượng bình thường. Mỗi quốc gia đều tìm cách suy luận các quy định thương mại theo cách có lợi cho mình, nhưng WTO đã thiết kế một cơ cấu giải quyết các tranh chấp. Người ta đã tổng kết rằng thực ra Trung Quốc là nước kiện về vấn đề phá giá nhiều nhất. Mỹ nằm ở vị trí khá thấp trong danh sách những nước kiện về phá giá. Mỹ thực ra là một thị trường cực kỳ mở, hoàn toàn không có rào cản.
Ông giải thích như thế nào về vụ mặt hàng nhựa của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp chống phá giá tại Mỹ?
Về vấn đề này, theo tôi hiểu thì ngành công nghiệp này của Việt Nam đã chối từ không cung cấp thông tin cho phía Mỹ, và theo quy định của WTO, thì phía Mỹ nói không có thông tin họ sẽ đặt giả định, và những giả định đó dĩ nhiên là không có lợi cho các công ty Việt Nam. Mặc dù có một vài trường hợp ngoại lệ, nước Mỹ thực ra rất thành công trong việc cưỡng lại chủ nghĩa bảo hộ.
(Theo Lan Anh // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com