Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng thanh tra CP Trần Văn Truyền: “Các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài mới chỉ là cá biệt”

“Các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài mới chỉ là cá biệt”
 (Mạnh Quân (thực hiện) // Theo Sài Gòn Tiếp Thị )


Sau vụ PCI, gần đây báo chí nước ngoài lại đưa tin về việc toà án Mỹ xét xử, kết án phạt tù một số thành viên của công ty Nexus Technologies vì hối lộ tại Việt Nam. Trong giờ giải lao tại Quốc hội cuối tuần trước, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền về vấn đề tương trợ tư pháp, khả năng hợp tác với nước ngoài và những biện pháp kỹ thuật trong việc điều tra các vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Trong vụ Nexus Technologies, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác của Việt Nam có tìm hiểu hay trao đổi với cơ quan tư pháp của Mỹ để điều tra các cá nhân có liên quan ở trong nước không, thưa ông?

Nó cũng vậy thôi, cũng giống như trước: việc kết án của họ là theo quy định pháp luật của họ. Còn với mình thì nếu có, họ phải chuyển hồ sơ liên quan, họ chứng minh là có câu chuyện đó, mình nghiên cứu thấy có đủ điều kiện thì mình tiến hành xem xét theo pháp luật Việt Nam.

Trong vụ Nexus Technologies, mình đã có liên hệ hay có việc họ chuyển hồ sơ cho mình nghiên cứu chưa?

Chưa bao giờ mình yêu cầu nên họ chưa chính thức chuyển cho mình nghiên cứu gì cả. Chúng ta mới chỉ thấy thông tin chung trên mạng vậy thôi chứ chưa có việc chuyển chính thức nào. Phía mình thì Thủ tướng đã giao cho bộ Ngoại giao bằng quan hệ đối ngoại liên hệ, trao đổi với họ để nhờ họ cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan không chỉ vụ này mà 3 – 4 vụ đã xảy ra gần đây, kể cả vụ liên quan đến công ty Phát triển công nghệ (CFTD). Nếu họ có chuyển thì sẽ giao cho các cơ quan chức năng xem xét, chuyển hoá cái đó. Nhưng giờ theo tôi biết thì việc đó chưa làm.

Nhưng toà án Mỹ khi xét xử vụ Nexus Technologies cũng đề cập cụ thể đến từng việc liên quan đến từng hợp đồng cụ thể mà công ty này triển khai ở Việt Nam. Căn cứ trên những thông tin đó, mình có thể kiểm tra được chứ, thưa ông?

Những hành vi tiêu cực, bôi trơn thì làm sao tồn tại trên hợp đồng mà điều tra.

Nhiều nước hiện nay đã có luật cấm, trừng phạt công dân, doanh nghiệp của họ có các hành vi hối lộ, tham nhũng liên quan đến tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Việt Nam đã có kế hoạch, dự định xây dựng một đạo luật như thế chưa, thưa ông?

Những vấn đề về chống tham nhũng trên lĩnh vực tư, chống tham nhũng trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài… thì còn phải điều chỉnh nữa. Nhưng những vấn đề này thì Quốc hội, Chính phủ chưa đặt ra. Qua thực tiễn nếu có nảy sinh các vấn đề, Thanh tra Chính phủ mới kiến nghị Chính phủ xây dựng văn bản, quy định. Hiện nay, vấn đề tham nhũng có liên quan đến yếu tố nước ngoài đã nảy sinh rồi nhưng chưa phải là phổ biến, vẫn là cá biệt nên chưa đặt ra.

Nếu cán bộ, công chức tham nhũng mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài và chuyển khoản vào đó thì Chính phủ có biện pháp nào để kiểm soát?

Cái này mới đang xây dựng. Hiện nay chúng tôi đang tập trung làm đề án kiểm soát thu nhập vẫn chưa xong.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Nói hối lộ thì phải có căn cứ để xem xét

Hôm 9/7/2009, trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngành thanh tra sáu tháng đầu năm, tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, về vụ báo chí nước ngoài đưa tin cựu lãnh đạo công ty Nexus Technologies của Mỹ hối lộ một số quan chức Việt Nam để đổi lấy hợp đồng với 10 đơn vị trực thuộc bộ của Việt Nam số tiền 100.000 USD, việc này chưa rõ có căn cứ là phía bộ Tư pháp Mỹ có nói như vậy không. “Họ phải có bằng chứng là bút tích hay là ghi âm, ghi hình hoặc người làm chứng... chứ nếu cứ nói có hối lộ cho quan chức Việt Nam rất ngẫu nhiên và tuỳ hứng thì không có căn cứ gì để xét cả”.

Ông Truyền cũng cho biết thêm, ông mới nhận được thông tin Chính phủ sẽ chỉ đạo cho các cơ quan ngoại giao liên hệ để phía Mỹ cung cấp thông tin về vụ việc trên và chưa rõ sẽ xem xét, xử lý việc này như thế nào.

Mạnh Quân // Sài Gòn Tiếp Thị


Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:
Kê khai tài sản để tạo lập cơ sở pháp lý ban đầu
HOÀI NAM thực hiện// Sài Gòn Giải Phóng


Sau hơn 7 tháng thực hiện Nghị định 37 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, đến nay đã có 35 cơ quan ở Trung ương và 57/64 tỉnh thành trong cả nước báo cáo kết quả, tiến độ kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Đánh giá kết quả của đợt kê khai này, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ảnh), cho biết:

 * Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một chủ trương lớn trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ đã ban hành nghị định và Thanh tra Chính phủ đã có thông tư hướng dẫn thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đối tượng phải kê khai trong đợt này là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên. 

Sau đợt này, sẽ thực hiện kê khai tiếp ở một số đối tượng cán bộ, công chức trong lĩnh vực thực thi công vụ có liên quan đến người dân. Hiện phần lớn địa phương và bộ ngành đã kết thúc đợt 1 kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và đang tổng hợp báo cáo để chuyển giao về cho các cơ quan chức năng quản lý. Trong đó, cũng đã có một số địa phương tiến hành việc thẩm tra, xác minh các trường hợp mà dư luận phản ánh kê khai tài sản chưa đúng. 

* Đã có trường hợp nào bị phát hiện kê khai không trung thực, thưa Tổng Thanh tra?

* Đã có một trường hợp ở Cà Mau (nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Công Lộc) kê khai tài sản không trung thực, bị người dân tố cáo. Các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành thẩm tra, xác minh và kết hợp với việc xử lý nhiều sai phạm khác của đồng chí này, trong đó có xử lỗi không trung thực trong kê khai tài sản, đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức viện trưởng Viện KSND tỉnh. 

* Tại Tây Ninh vừa qua, trong cuộc họp kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, một lãnh đạo cấp tỉnh đã báo cáo với Đoàn kiểm tra Trung ương: “Ở Tây Ninh, cán bộ nào cũng có đất và có rất nhiều đất, nhưng không kê khai và tổ chức Đảng cũng không biết”. Tại một số tỉnh thành khác, cũng có những ý kiến tương tự. Tổng Thanh tra có nhận định gì?

* Như tôi đã nói, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức trong đợt này không đặt ra việc kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, mà yêu cầu là phải kê khai. Đây là nghĩa vụ và thực hiện theo luật pháp quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức. Người cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm pháp lý trong lời khai của mình. Do vậy, đợt kê khai này là kê khai đầu tiên và nó tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng quản lý cán bộ, công chức. 

Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh. 

Kết quả thẩm tra, xác minh nếu đúng thì thôi, khai không đúng thì sẽ công khai cái phần không đúng. Chẳng hạn như trước kia khi kê khai anh nói có 2 căn nhà, mà thẩm tra, xác minh có 3, 4 căn thì sẽ công bố anh có 3, 4 căn nhà. Như vậy là anh kê khai không đúng và anh sẽ bị xử lý cái tội không trung thực. Do đó, ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức.

Hiện nay có nhiều cán bộ băn khoăn nói là “kê khai tài sản để làm gì?”. Vấn đề này, tôi đã nói là kê khai để quản lý cán bộ, để tạo lập cơ sở pháp lý ban đầu và sau này, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đây để thẩm tra, xác minh khi có yêu cầu và sẽ công khai khi cần thiết. Còn việc công khai đến đâu, sẽ do các cơ quan có trách nhiệm quyết định.

* Như vậy, sau đợt kê khai này, còn có đợt “kê khai bổ sung”?

* Không phải là đợt “kê khai bổ sung” như nhiều người nghĩ. Chính vì hiểu như vậy mà một số cán bộ kê khai không đầy đủ, hoặc tìm cách giấu giếm, để vợ, con, anh em bà con đứng tên giùm nhiều tài sản. Như tôi đã nói, khi đã xác lập được hồ sơ pháp lý kê khai ban đầu của cán bộ, công chức, cơ quan quản lý sẽ lấy số liệu này làm căn cứ để đối chiếu với đợt kê khai sau này. Cụ thể, sang năm 2009 sẽ thực hiện kê khai hàng năm. Nếu phát hiện có chênh lệch so với bản kê khai ban đầu thì cán bộ đó phải giải trình rõ nguồn gốc phát sinh thêm tài sản này. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật.

* Nhiều cán bộ cho rằng, có thể giấu giếm, không kê khai tài sản lúc này để vài năm sau về hưu, coi như “an toàn”?

* Hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý. 



TIỂU SỬ TÓM TẮT TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

TRẦN VĂN TRUYỀN

Họ và tên khai sinh: TRẦN VĂN TRUYỀN

Họ và tên thường gọi: TRẦN VĂN TRUYỀN

Sinh ngày: 20/10/1950

Quê quán: xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Nơi cư trú: căn hộ 607, nhà B1, nhà công vụ Hoàng Cầu, thành phố Hà Nội

Dân tộc: Kinh            Tôn giáo: không

Trình độ học vấn: Đại học Luật

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X; Tổng Thanh tra Chính phủ

Nơi làm việc: Thanh tra Chính phủ

Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 09/7/1968

Ngày chính thức: 02/7/1969

Tình trạng sức khỏe: Tốt

Khen thưởng: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến Cách mạng hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Hai, 10 Huy chương, 24 Bằng khen, 1 danh hiệu.

Kỷ luật: không

Đại biểu Quốc hội khóa X, XII.

* Nguồn Bộ Nội vụ// theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(Tinkinhte.com tổng hợp )

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Cần có ủy ban giám sát quốc gia về thị trường bất động sản
  • Việt Nam - thị trường đang lên
  • Tổng lãnh sự Mỹ Ken Fairfax: 15 năm, thương mại Việt – Mỹ tăng 40 lần
  • Để nông dân vay được vốn ưu đãi, nên giao cho Hội Nông dân
  • Chưa kiểm soát được giá bán tiêu
  • Việt Nam gia nhập Công ước Vienna (CISG) : “Bóng” đã về tay DN
  • Kiểm toán : Không thể… nhiều - nhanh - tốt - rẻ !
  • Nên sửa Luật Hợp tác xã
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi