“Một trong các yếu tố khiến dự trữ ngoại hối bị suy giảm là do thâm hụt cán cân thanh toán, do nhập siêu liên tục, nên chìa khóa căn bản cho vấn đề này là phải giảm nhập siêu”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên xoay quanh việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua cũng như những giải pháp để giảm thiểu rủi ro từ việc dự trữ ngoại hối mỏng hiện nay.
Điều chỉnh tỷ giá phải đi kèm quản lý giá
Việc điều chỉnh tỷ giá có phần “mạnh tay” của NHNN vừa qua đã tạo dư luận nhiều chiều. Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Cũng đã khá lâu rồi chúng ta mới điều chỉnh tỷ giá. Đợt điều chỉnh gần đây nhất là vào tháng 2.2010, trước đó là tháng 11.2009. Chỉ có một điểm khác là điều chỉnh tỷ giá lần này có biên độ hết sức lớn, tới 9,3%, tính biên trần mức điều chỉnh đến 9,3% là mức rất mạnh so với nhiều năm nay. Trước đây điều chỉnh chỉ dao động xung quanh 2 - 3%.
Đánh giá tác động của lần điều chỉnh tỷ giá này có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thì cho rằng nên tăng từng ít một, tức theo phương pháp tỷ giá “trườn bò”, nhưng cũng có quan điểm cho rằng nếu như vậy sẽ không phản ánh đúng tương quan cung - cầu của thị trường, sẽ dẫn tới tâm lý thị trường tiếp tục kỳ vọng có bước điều chỉnh nữa, và như vậy sẽ gây tác hại cho nền kinh tế.
Chúng ta biết là thời gian vừa qua, có những lúc tỷ giá thị trường có thể đã cao hơn gần 10% so với tỷ giá chính thức mà NHNN đang áp dụng. Việc điều chỉnh tỷ giá lần này là đưa tỷ giá trở về đúng tương quan cung - cầu thị trường hiện nay. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi theo tôi là hợp lý.
Tôi cho rằng, áp dụng phương pháp nào cũng đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng là làm thế nào để phát huy mặt tích cực và có biện pháp đi kèm để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Vậy theo ông, ngoài những tác động tích cực như ông vừa nói thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ tạo ra những áp lực gì cho nền kinh tế và nên sử dụng biện pháp đi kèm như thế nào để giải quyết?
Chúng ta biết rằng mặt tích cực của điều chỉnh tỷ giá là khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, qua đó điều chỉnh cán cân thương mại. Nhưng mặt trái của việc điều chỉnh tỷ giá là trong điều kiện vẫn nhập siêu cao thì sẽ gây ảnh hưởng đến giá thành của những mặt hàng nhập khẩu dẫn đến gây sức ép đến lạm phát. Vì vậy, cần phải có các biện pháp quản lý thị trường và quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả.
Tránh tình trạng để doanh nghiệp (DN) là người bán hàng tăng giá một cách không hợp lý. Đồng thời, song song với biện pháp quản lý thị trường, chúng ta cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để ổn định tâm lý người dân và DN. Sơ bộ đánh giá những ngày qua thì đa phần không ngạc nhiên lắm trước sự điều chỉnh tỷ giá, vì sự chênh lệch giữa tỷ giá thị trường và ngân hàng thực tế đã đến gần 10% rồi.
Vậy theo ông vì sao thị trường kỳ vọng từ lâu nhưng đến bây giờ mới điều chỉnh tỷ giá?
Để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2010, chúng ta đã giãn khoảng cách điều chỉnh tỷ giá. Không điều chỉnh tỷ giá mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 đã lên tới 11,75% rồi, nếu điều chỉnh sẽ còn cao hơn. Nhưng nói vậy không có nghĩa vì kiềm chế lạm phát mà mãi mãi không tăng tỷ giá, vì còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng nữa.
Giảm nhập siêu để hạn chế rủi ro dự trữ ngoại hối
Khả năng chịu đựng ở đây mà ông muốn nói tới liệu có phải là việc “nín nhịn” điều chỉnh tỷ giá phần nào dẫn tới thực trạng dự trữ ngoại hối của chúng ta chỉ còn trên 10 tỉ USD như một vị bộ trưởng thông tin cuối năm 2010 vừa qua? Việc dự trữ ngoại hối mỏng sẽ dẫn tới những rủi ro như thế nào cho nền kinh tế, thưa ông?
Thông thường không có một nguyên tắc định lượng cụ thể nào về tỷ lệ dự trữ ngoại hối. Nhưng trong điều kiện phát triển của VN hiện nay, các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị, dự trữ ngoại hối phải đảm bảo 10 - 12 tuần nhập khẩu. Năm vừa rồi chúng ta nhập khẩu lên tới 84 - 85 tỉ USD, như vậy chúng ta cần phải có 20 tỉ USD dự trữ mới đảm bảo được nhập khẩu. Mức dự trữ ngoại hối hiện nay là thấp so với yêu cầu.
Một trong các yếu tố khiến dự trữ ngoại hối bị suy giảm là do thâm hụt cán cân thanh toán, do nhập siêu liên tục, nên chìa khóa căn bản cho vấn đề này là phải giảm nhập siêu.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra đề xuất này và kiến nghị Chính phủ không thể để nhập siêu cao như hiện nay mà phải giảm mạnh hơn nữa. Ủy ban đã đề nghị có giải pháp giảm nhập siêu xuống 15% kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Tất nhiên để thực hiện được cũng cần có thời gian, phải mất vài ba năm nữa và muốn giảm được nhập siêu thì phải giải quyết được bài toán tái cấu trúc nền kinh tế.
Trước mắt trong năm 2011, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu.
Thưa ông, có ý kiến lo ngại dự trữ ngoại hối mỏng như hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến nợ công. Ông nghĩ sao trước lo ngại này?
Hiện nay đối với Nhà nước thì nợ nước ngoài vay chủ yếu là dài hạn, các khoản vay nợ đến hạn phải trả không nhiều. Cho nên trong thời gian trước mắt, việc phải dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ của Chính phủ không đáng lo ngại. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tiếp tục quản lý chặt chẽ để đảm bảo cân đối ngoại tệ quốc gia. Nếu cán cân thanh toán của chúng ta được cải thiện trong những năm tới thì sẽ không có gì đáng lo ngại.
Việc dự trữ ngoại hối mỏng có thể chưa tác động ngay đến nợ công như ông vừa nói nhưng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ gây áp lực như thế nào đối với các DN nhập khẩu và đang vay nợ nước ngoài, phải thanh toán bằng USD, thưa ông?
Xác định nợ công nói riêng và nợ quốc gia nói chung tính ra đồng VN thì đương nhiên giá trị nợ tuyệt đối tăng lên, do tác động của việc điều chỉnh tỷ giá. Đây cũng là một trong những tác động phụ của việc điều chỉnh tỷ giá và đó là điều cần phải tính tới khi lựa chọn điều chỉnh tỷ giá. Đây là hạn chế của VN trong giai đoạn đầu phát triển.
Các DN vay ngoại tệ vẫn chịu rủi ro hối đoái vì chưa áp dụng các công cụ phân tán rủi ro, trong khi các nước khác áp dụng công cụ hạn chế rủi ro hối đoái thì dù tỷ giá có tăng, giảm đến 30%/năm cũng không có vấn đề gì cả, bởi vì ở các nước họ có những công cụ phân tán rủi ro cho toàn xã hội, sử dụng như một hình thức bảo hiểm và tính toán chi phí tài chính đưa vào giá thành.
Ở ta thì công cụ chống rủi ro hối đoái trên thị trường chưa phát triển nên DN gặp khó khăn khi điều chỉnh tỷ giá. Điều đó cũng gây trở ngại cho Nhà nước khi áp dụng điều chỉnh tỷ giá. Trong thời gian tới đây, thị trường tài chính đặt ra yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ và sâu hơn nữa để có các công cụ chống rủi ro cho các khoản nợ nước ngoài.
Cảm ơn ông.
(Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com