Năm 2010, Bộ Công Thương đề ra bảy giải pháp phát triển công nghiệp thương mại.
Cụ thể:
Thứ nhất: duy trì và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu theo hướng có lợi thế, hiệu quả, hướng ra xuất khẩu. Khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng sang các thị trường tiềm năng. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ưu tiên nhập khẩu công nghệ nguồn từ những nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, thu hút các cơ sở gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp để cải thiện từng bước ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và khu vực dân cư.
Thứ hai, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Theo đó, chú trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều lao động. Công tác xúc tiến thương mại cần chú trọng vào các thị trường chủ lực như châu Á, các nước EU, Bắc Mỹ, Nga, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi; tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA) ở Nhật Bản và các nước trong khu vực; nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường và các điều kiện thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất trong nước các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu.
Thứ ba, thực hiện quyết liệt các giải pháp hạn chế nhập khẩu bằng cách tiếp tục kiểm soát và hạn chế cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là với các mặt hàng ô tô, điện thoại di động; tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa.
Thứ năm, tăng cường hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh việc vận động các nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án đã được soát xét để đưa vào hoạt động năm 2010, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.
Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ ưu đãi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra an toàn công nghiệp, an toàn lao động trong các doanh nghiệp.
Mục tiêu phấn đấu năm 2010
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12% so với năm 2009. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp đạt 6,0 - 6,3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 60,15 tỷ USD tăng 6%, kim ngạch nhập khẩu đạt 74,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009.
Tỷ lệ nhập siêu khoảng 24%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên thị trường nội địa đạt 1.412.460 tỷ đồng, tăng khoảng 18%.
Tổng mức đầu tư các tập đoàn, tổng công ty, công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ thực hiện 177.157 tỷ đồng, tăng 32,8%. Chỉ số giá tiêu dùng không quá 7%.
Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com