Theo EVN, tình hình cung ứng điện tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và đời sống xã hội. |
Ngày 6/6, tại hội nghị giao ban của Bộ Công Thương về tình hình công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh ba vấn đề.
Thứ nhất, chưa tăng giá điện từ 1/6. Thứ hai, là kiên quyết thực hiện các giải pháp mạnh để kiềm chế nhập siêu. Thứ ba, ngành công thương sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cung ứng điện tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và đời sống xã hội. Tính đến thời điểm này, lượng nước về các hồ thủy điện đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Với hai kiến nghị của EVN, gồm kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 24 về giá điện theo cơ chế thị trường và kiến nghị đưa phần lỗ của EVN trong năm 2010 được hạch toán vào năm 2012, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng đồng thời, ông khẳng định sẽ không thực hiện tăng giá điện từ 1/6 tới, để tránh lạm phát có nguy cơ tăng cao do giá điện tăng.
Bộ trưởng Hoàng cũng đề nghị EVN không tiết giảm điện trong tháng 6 và huy động tối đa các nguồn điện để cung cấp điện tốt nhất trong mùa khô.
Những mặt hàng trong diện bình ổn thị trường như xăng dầu, sắt thép, phân bón... đều đảm bảo duy trì nguồn cung ổn định trong tháng 5/2011. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình hiện nay, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã khuyến nghị các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu và kinh doanh, trong giai đoạn nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể vào tháng 7, nhất là để ứng phó với những phát sinh không lường trước được trong quá trình bảo dưỡng.
Trong khi đó, bà Đàm Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tỏ rõ những quan ngại về diễn biến thị trường trong tháng 6 và trong thời gian tới. Theo phân tích của bà, kinh doanh dầu diezel hiện đang trở về đúng tình trạng của năm 2008. Hiện mặt hàng này đã có lãi nên các doanh nghiệp đầu mối khác đang tích cực nhập hàng về khiến cho kế hoạch kinh doanh của Petrolimex bị ảnh hưởng, lượng tiêu thụ diezel của Petrolimex đang bị sụt giảm mạnh (trước đó, kinh doanh dầu diezel bị lỗ nhưng Petrolimex vẫn phải đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường).
Vị Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng nêu một nguy cơ: có thể xăng dầu sẽ chảy ngược về Việt Nam do giá tại các nước lân cận đã giảm gần như bằng nhau, thậm chí giá tại Việt Nam còn cao hơn.
Để tránh nguy cơ này, đồng thời giải quyết được vấn đề các doanh nghiệp đầu mối phải tham gia đồng đều vào thị trường, đại diện của Petrolimex đã một lần nữa đề xuất Bộ Tài chính sử dụng một công cụ điều hành bằng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Về kiểm soát nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đánh giá cao hai văn bản mà bộ này mới ban hành, gồm Thông báo 197 quy định cảng nhập khẩu mỹ phẩm, điện thoại di động và rượu chỉ được nhập khẩu qua các cảng Hải Phòng, Tp.HCM và Đà Nẵng; và Thông tư 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi.
Theo Bộ trưởng Hoàng, các văn bản này “không phải sản phẩm riêng của Bộ Công Thương, mà cả các bộ ngành liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Hải quan... Đây là những biện pháp cần thiết, phù hợp với cam kết gia nhập WTO, không chỉ giúp hạn chế nhập siêu mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, những biện pháp này sẽ không chỉ được thực hiện trước mắt mà sẽ vận dụng lâu dài”.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com