Ông Trần Tiến Cường |
Cơ quan soạn thảo đang khẩn trương hoàn tất các bước cuối cùng để có thể trình Chính phủ ban hành Nghị định ngay trong tháng 2 này. Cũng phải nói thêm rằng, đây là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 95/2006/NĐ-CP ngày 8/9/2006 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên, chứ không phải là Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung.
Nguyên nhân là, Nghị định 95/2006/NĐ-CP không quy định việc quản lý các công ty sau chuyển đổi và hơn nữa, trong quá trình thực hiện nghị định này, đã bắt đầu nảy sinh nhiều điểm không còn phù hợp.
Do sức ép về thời gian phải chuyển đổi tất cả các công ty nhà nước còn lại, nên trong Dự thảo Nghị định lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một loạt đối tượng doanh nghiệp sẽ chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, như tổng công ty nhà nước; công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong trong mô hình công ty mẹ - công ty con; tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty nông nghiệp; công ty lâm nghiệp; các nông, lâm trường quốc doanh...
Có vẻ như, tất cả các quy định đó đều nhằm mục tiêu cuối cùng là có thể hoàn tất việc chuyển đổi các công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, nên các điều kiện, thủ tục chuyển đổi có phần đơn giản hơn?
Dự thảo Nghị định mới không quy định về mức vốn điều lệ khi chuyển đổi như ở Nghị định 95/2006/NĐ-CP. Vấn đề xử lý lao động dôi dư, tài chính... cũng có những quy định phù hợp hơn, nhất là với các công ty trong diện sẽ được cổ phần hóa.
Quy định như vậy để vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí khi chuyển đổi, vừa đảm bảo nguyên tắc mỗi công ty khi chuyển đổi chỉ xử lý một lần với số lao động dôi dư, tài chính, đất đai...
Tạm thời, các công ty thuộc diện cổ phần hóa mà chưa thực hiện xong khâu xác định giá trị doanh nghiệp, thì cứ chuyển thành công ty TNHH một thành viên, sau thời điểm 1/7/2010 mới cổ phần hóa. Với những đơn vị đã xác định xong giá trị doanh nghiệp, sẽ đẩy nhanh và tiếp tục thực hiện cổ phần hóa.
Nhưng còn tới 1.500 công ty đang chờ được chuyển đổi. Liệu thời gian gần 5 tháng còn lại có đủ kịp để thực hiện công việc quan trọng này?
Dự thảo Nghị định lần này có thể ví như một con thuyền đưa các công ty nhà nước chuyển từ hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước sang Luật Doanh nghiệp. Không thể quay lại “nhà” cũ, nên buộc họ phải nỗ lực cố gắng để có thể chuyển sang “nhà” mới.
Quả thực, thời gian còn lại là rất ngắn và từ nhiều năm trước, tôi đã cảnh báo điều này. Về phía cơ quan soạn thảo Nghị định đã rất cố gắng trong một thời gian rất ngắn thực hiện hàng loạt công việc để có thể hoàn tất Dự thảo Nghị định. Phần còn lại thuộc về sự chỉ đạo thực hiện từ các cơ quan nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp.
Nhưng giả sử không kịp chuyển đổi, giải pháp cần thiết sẽ là gì, thưa ông?
Có lẽ, sẽ phải kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết về việc kéo dài thời hiệu của Luật Doanh nghiệp nhà nước. Nhưng tôi hy vọng, nhận thức rõ yêu cầu cấp bách này, cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sẽ quyết liệt trong chỉ đạo cũng như thực hiện để có thể chuyển đổi đúng thời hạn.
Một điều luôn được nhắc tới là nhanh, nhưng không được thiếu cẩn trọng trong việc chuyển đổi...?
Quan điểm thống nhất của chúng tôi là dù có sức ép về thời gian, nhưng không thể bỏ qua yêu cầu về chất lượng. Chính vì thế, Dự thảo Nghị định lần này có nhiều quy định mà Nghị định 95/2006/NĐ-CP chưa có, như các quy định về quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng Thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, giám đốc...
Những điểm khác biệt này sẽ tạo sức ép, khiến chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với đồng vốn của Nhà nước... Và như vậy, việc chuyển đổi sẽ đảm bảo được cả yếu tố hình thức lẫn nội dung, cả sức ép thời gian và chất lượng chuyển đổi.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com