2010 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2001-2010), vì vậy việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng.
Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã đề ra các giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu, ngăn chặn lạm phát cao trở lại. Muốn thực hiện giải pháp này có hiệu quả, ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các luồng tiền.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Bảo Minh
Các chuyên gia cho rằng, năm 2010, để kinh tế phát triển bền vững, cần phải kiểm soát tốt các luồng tiền. Năm 2009, với GDP tăng trưởng 5,23% có thể xem đó là sự cố gắng của Chính phủ, của cộng đồng các doanh nghiệp (DN)... trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới ở mức âm. Song, chúng ta cũng không nên quá lạc quan với kết quả đó. Bởi, tuy đã vượt qua khủng hoảng, vượt qua suy thoái, mức lạm phát giảm đáng kể, song những điểm yếu của nền kinh tế của nước ta vẫn còn tồn tại... Chẳng hạn, năng lực của các DN vẫn còn yếu; các chính sách về xuất khẩu, nhập khẩu vẫn gặp khó khăn; hệ thống thị trường vận hành chưa đồng bộ dẫn đến nền kinh tế thiếu hiệu quả. Nguồn năng lực từ DN cho đến người lao động đều yếu... Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng đang từng bước thay đổi tư duy cho phù hợp với đà phát triển kinh tế của đất nước bằng tầm nhìn chiến lược như phục hồi tăng trưởng, chặn suy giảm kinh tế, ngăn lạm phát trở lại... Những điều kiện cho tăng trưởng của nước ta nói chung là khả quan. Nếu ổn định được vĩ mô, DN mới có cơ sở đầu tư, người lao động cũng yên tâm sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó sẽ cân đối được nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, việc tái cơ cấu nền kinh tế đang đặt ra những điều kiện cần và đủ để thực hiện. Cơ cấu kinh tế hiện nay là kết quả của sự dịch chuyển tích cực trong nhiều năm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do nguồn lực được phân bổ chưa đều. Vì thế, việc phân bổ lại nguồn lực cho hiệu quả ở các ngành, các vùng, khu vực là việc làm cần thiết và kịp thời. Để làm được điều này, các ngành chức năng phải nghĩ đến vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng, vì cho đến nay tăng trưởng của chúng ta vẫn dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, sức lao động rẻ, nên sức cạnh tranh, tăng trưởng thấp, đồng thời gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Bởi, phân bổ nguồn lực mà chỉ tập trung vào một vài chỗ dễ kiếm lợi nhanh và địa phương nào cũng muốn có nhiều nhà cửa, sân bay, khu công nghiệp to... sẽ rất nguy hiểm, đẩy DN ra ngoài sự phát triển. Vì thế, các ngành chức năng cần có chương trình cụ thể, với hành động quyết liệt mới hy vọng đạt hiệu quả.
Trên cơ sở tình hình kinh tế năm qua, năm nay lạm phát có tăng cao hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan. Chẳng hạn như giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới (trong đó có xăng, dầu) tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loại hàng hóa khác. Điều này ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Do đó, chúng ta chỉ có thể bám sát diễn biến thị trường thế giới, nhằm dự báo chính xác để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Tín dụng năm 2009 tăng 38% do chúng ta phải "bơm" tiền cho việc kích cầu đầu tư và tiêu dùng, với ngân sách kích cầu tới nhiều tỷ USD, vì thế nếu luồng tiền này không được kiểm soát chặt chẽ cũng dễ "bùng" lên lạm phát. Ngoài ra, việc thâm hụt ngân sách cũng gây áp lực trong điều hành; nên cần phải có sự chuyên nghiệp, linh hoạt trong sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.