Phải đổi mới từ chính tư duy của các nhà bán hàng về thị trường nội địa, thị trường nội địa không phải là nơi trú chân tạm thời, càng không thể coi người tiêu dùng nội địa đồng nghĩa với việc sử dụng hàng thứ phẩm (hàng không xuất khẩu được thì tiêu thụ trong nước)...
Đây là những lời tâm huyết của các chuyên gia kinh tế thương mại về giải pháp quay trở lại chiếm lĩnh thị trường nội địa của các DN trong nước, tại một hội thảo cùng chủ đề do Bộ Công Thương, Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa tổ chức ngày 15.12 tại HN.
Chất lượng hàng nội phải tương đương hàng XK
TS Phạm Tất Thắng- nguyên GĐ Trung tâm thông tin thương mại, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu thương mại - chỉ ra “lối mòn” trong tư duy của các nhà sản xuất trong nước khi coi thị trường nội địa chỉ là chỗ trú chân tạm thời. Kinh doanh theo kiểu “buôn cau ăn chũm” hay “Ta về ta tắm ao ta...” đã không còn phù hợp với bối cảnh thị trường. Người tiêu dùng nội địa cũng có quyền được đòi hỏi chất lượng sản phẩm tương đương hàng xuất khẩu (XK).
Hiện nay, có 3 phân khúc thị trường mà người sản xuất cần phải nắm bắt để đáp ứng. Nhóm phân khúc người thu nhập cao, có khả năng tiêu dùng các mặt hàng chất lượng tốt, giá cả không thành vấn đề; nhóm thứ hai là đối tượng trung lưu, có sức tiêu thụ lớn, với giá cả hợp lý; nhóm cuối cùng là người thu nhập thấp ở thành thị và nông thôn, có nhu cầu sử dụng hàng hoá chất lượng phải chăng, giá rẻ.. Tuy nhiên, trên hết là thái độ phục vụ, nhà sản xuất phải luôn tôn trọng khách hàng, coi khách hàng là đối tượng quyết định sự sống còn của sản phẩm.
Ông Đỗ Gia Phan- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (HBVNTD) - khẳng định, người tiêu dùng Việt không quay lưng với hàng nội, nhưng không phải ủng hộ bằng bất cứ giá nào.
Lấy một số liệu so sánh từ cuộc điều tra của HBVNTD cho thấy, phần lớn ý kiến đều cho rằng: Một trong những điểm yếu của DN trong nước là nghèo nàn về mẫu mã, ít thay đổi hợp thị hiếu, chất lượng không ổn định, lúc đầu thì tốt, nhưng hàng sản xuất đại trà lại không như sản phẩm chế thử; chế độ bảo hành không nghiêm túc, nhiều DN gây khó dễ cho khách hàng khi phải bảo hành, hoặc bảo hành qua loa, khuyến mãi nửa vời.
Ông Phan không nhất trí với quan điểm cho rằng, người tiêu dùng VN “sính ngoại” nên quay lưng với hàng nội. “Thực tế là chỉ đúng ở một tầng lớp người có tiền, đại đa số người Việt vẫn chuộng hàng nội, do chất lượng và giá cả đáp ứng tốt nhu cầu của đại bộ phận người dân” - ông nói.
DN VN lâu nay bỏ quên và đối xử không công bằng với thị trường nội: Sản phẩm chất lượng cao thì dành để XK, còn hàng kém chất lượng, hàng phế phẩm, có khuyết tật, không đạt tiêu chuẩn XK thì dành bán trong nước. Cần phải thay đổi tư duy này...
Nhà nước hỗ trợ, DN tự thân
Không thể phủ nhận thị trường trong nước với 85 triệu dân, quy mô dân số trẻ là thị trường đầy hấp dẫn đối với các DN nước ngoài, nhưng lâu nay các DN trong nước đã hầu như bỏ ngỏ trận địa.
Ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN - cho biết: Đã có lúc thị trường VN được xếp là thị trường có tốc độ tăng trưởng số 1 thế giới, với tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng từ 20-27%/năm.
Trong khi đó, bản thân người tiêu dùng đã có những thay đổi lớn về tư duy, văn hoá tiêu dùng, biết tự điều chỉnh tiêu dùng phù hợp với diễn biến của thị trường, họ có những đòi hỏi chính đáng quyền lợi đối với sản phẩm sản xuất trong nước hay sản phẩm nhập khẩu từ giá cả, chất lượng, xuất xứ hàng hoá, vệ sinh thực phẩm...
Tuy nhiên, còn một bộ phận lớn người tiêu dùng nông thôn - chiếm số đông - là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất sau cơn bão giá, đến giảm phát, khiến họ vừa chịu áp lực đầu vào và áp lực đầu ra.
Ông Ruệ cho biết: “Đối với khu vực này, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ, tập trung kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng. Thời gian qua, nhiều DN đã chấp nhận giảm lãi để bán hàng ở thị trường nông thôn nhằm đứng chân được ở thị trường này.
Ông Võ Tôn Quyền cho biết, thời gian qua Nhà nước đã đóng vai trò “bà đỡ”, giúp DN vượt qua khủng hoảng như hỗ trợ lãi suất 4%, giảm thuế VAT 50%, đối với những “vùng trắng” về chợ, tới đây Chính phủ sẽ sửa Nghị định 02 để hỗ trợ kênh phân phối ở vùng sâu, vùng xa, DN cần tận dụng cơ hội để đứng chân trên thị trường nội, chiếm lại lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng hàng hoá, phù hợp với tập quán mua bán của người dân.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com