Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 7 tăng 0,52% so với tháng 6, đưa CPI 7 đầu năm chỉ tăng 3,22% so với cuối năm ngoái.
Theo số liệu vừa được Tổng Cục thống kê công bố, tháng này, tăng giá mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm phương tiện đi lại và bưu điện, với mức tăng tới 3,05% so với tháng trước.
Nguyên nhân được đưa ra là 2 đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 10/6 và 1/7 đã khiến cho chi phí đi lại, đặc biệt là đi lại bằng taxi, xe khách tăng. Chính vì thế, dù các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông trong nhóm hàng này giảm giá tới 0,37% nhưng nhóm hàng hóa trên vẫn tăng mạnh.
Ảnh minh họa
Đứng thứ 2 về mức tăng trong tháng này là nhóm nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng, tăng 1,89%. Nhu cầu về xây dựng tăng sau khi sau các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ giúp kích thích sản xuất, tiêu dùng. Đây được cho là lý do nhóm mặt hàng trên tăng giá trong tháng 7.
Những nhóm hàng hoá khác như nhóm đồ uống thuốc lá; nhóm văn hóa, thể thao, giải trí; đồ dùng dịch vụ khác; nhóm dược phẩm y tế; giáo dục… tăng dưới 0,5%, từ 0,21% đến 0,47%.
Giảm giá duy nhất trong tháng này là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nhưng giảm rất nhẹ: 0,05%. Đây là nhóm có quyền số cao nhất trong rổ 10 nhóm hàng hóa tính CPI. Chính vì thế, sự giảm giá của nhóm hàng hóa này đã tác động mạnh đến CPI chung của tháng.
Tính theo địa phương, với mức tăng 0,82%, Gia Lai trở thành địa phương có mức tăng giá cao nhất. Đứng vị trí thứ 2 là Hà Nội và Đà Nẵng, tăng 0,77%.
*Từ tháng 10/2009, CPI sẽ được tính theo phương pháp mới. Theo đó, danh mục mặt hàng để tính CPI sẽ là 572 mặt hàng thay vì 490 như hiện nay. Số nhóm mặt hàng tăng từ 10 lên 11 bởi nhóm giao thông, bưu chính viễn thông được tách thành hai nhóm riêng nhằm bảo đảm phản ánh khách quan hơn do hai nhóm hàng này không liên quan nhiều đến nhau.
(Theo H.Thủy // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com