Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Tài chính khẳng định không hề có dự án “phát quang, trồng rừng”

Trước thông tin về người dân ở nhiều địa phương thế chấp sổ đỏ cho một số công ty để vay vốn dự án “phát quang” và “trồng rừng” từ nguồn vốn của Chính phủ và tổ chức phi chính phủ đồng thời các công ty làm đầu mối “chạy vốn” trồng rừng sẽ được Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn này, ngày 15-7, Bộ Tài chính đã có văn bản khẳng định đây là những thông tin có tính chất lừa đảo để trục lợi.

Sau khi nhận được một số hồ sơ đề nghị vay vốn cho “dự án phát quang”, “dự án trồng rừng” do một số tổ chức và cá nhân gửi đến, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời chính thức cho các tổ chức và cá nhân này với nội dung khẳng định Chính phủ không có dự án nào về phát quang, trồng rừng và cho đến thời điểm hiện tại không có nguồn vốn nào (kể cả trong nước và ngoài nước) cho mục đích nói trên.

 

Theo Bộ Tài chính, hiện có 9 chương trình, dự án trồng rừng sử dụng vốn vay và viện trợ của các Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chinh phủ nước ngoài đang trong quá trình triển khai, chủ yếu thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong các dự án này, không có dự án nào có tên là “Phát quang, trồng rừng” nêu trên. Đến nay, Bộ Tài chính không nhận được thông tin chính thức nào về việc có nguồn vốn trong nước hoặc ngoài nước cho những dự án này. Đây có thể là trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng các địa phương và người dân có nhu cầu về vốn trồng rùng  với mục đích trục lợi và mang tính lừa đảo.

 

Vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét và xử lý những vụ việc này. Bộ Tài chính cũng cảnh báo các địa phương, các tổ chức và cá nhân cần thận trọng trước những thông tin về việc có những nguồn vốn không minh bạch.

 

Về cơ chế xét duyệt tài trợ các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay, viện trợ nước ngoài, theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan chủ trì điều phối nguồn vốn ODA (vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại) là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Quy trình xem xét thực hiện tài trợ cho các dự án có thể tóm tắt theo các bước sau:

 

Bước 1: Các Bộ, UBND tỉnh đăng ký dự án với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Bước 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục dự án ODA trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Bước 3: Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động các nhà tài trợ, đàm phán và ký kết các Thoả thuận khung về ODA (đối với các chương trình, dự án được các nhà tài trợ chấp thuận).

 

Bước 4: Các Bộ, UBND tỉnh chỉ định cơ quan làm chủ dự án và chủ dự án lập dự án chi tiết, trình cơ quan chủ quản cấp trên phê duyệt.

 

Bước 5: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán và ký kết các Thoả thuận cụ thể về viện trợ không hoàn lại; Bộ Tài chính đàm phán và ký kết các Thoả thuận cụ thể về vay ưu đãi với các nhà tài trợ.

 

Bước 6: Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế tài chính trong nước áp dụng cho dự án đã được lựa chọn (cấp phát hay cho vay lại).

 

Bước 7: Chủ dự án thành lập Ban Quản lý dự án và  triển khai thực hiện dự án… (đối với các chương trình viện trợ không hoàn lại thường có sự tham gia của nhà tài trợ vào Ban Quản lý).

 

Bước 8: Thực hiện giải ngân: Thông thường các Nhà tài trợ chuyển tiền cho dự án theo đề nghị của Ban Quản lý dự án sau khi đã hoàn thành các thủ tục theo quy định. Bộ Tài chính thực hiện ghi thu ngân sách và ghi chi ngân sách cho dự án, tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý tài chính đối với các dự án này. 

 

Mọi tổ chức cá nhân khi đề xuất tài trợ các dự án phải tuân theo quy trình chặt chẽ nêu trên, đúng quy định của Nhà nước.

(Theo THU HÀ // Báo Nhân dân điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi