Dán nhãn năng lượng sẽ là "giấy thông hành" cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng được gia nhập thị trường |
Ông Phương Hoàng Kim - Phó vụ trưởng vụ Khoa học và công nghệ, Phó chánh văn phòng tiết kiệm năng lượng Bộ Công thương cho biết, để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, Bộ Công thương đang xây dựng và trình Chính phủ thông qua lộ trình dán nhãn năng lượng cho tất cả các sản phẩm tiêu thụ năng lượng.
Bộ Công Thương sẽ đánh giá và dán nhãn năng lượng cho tất cả các loại sản phẩm tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011 – 2015.
Cấm lưu thông sản phẩm không tiết kiệm năng lượng
Theo dự thảo, lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng được áp dụng đối với 4 nhóm sản phẩm, bao gồm: thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng - thương mại, thiết bị công nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải. Nhóm các sản phẩm gia dụng như đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compac, chấn lưu điện tử, máy điều hòa nhiệt độ ... việc dán nhãn năng lượng tự nguyện được khuyến khích thực hiện đến hết 31/12/2012 và bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2013. Với nhóm sản phẩm này nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu thì không được nhập khẩu, sản xuất và phân phối trên thị trường kể từ năm 2014. Đặc biệt, đối với các sản phẩm đèn tròn (đèn sợi đốt) không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60 W.
Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, dán nhãn năng lượng tự nguyện khuyến khích thực hiện đến hết 31/12/2013 và bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2014. Nhóm thiết bị công nghiệp, thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 31/12/2012 và bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2013. Nhóm phương tiện giao thông vận tải sẽ dán nhãn tự nguyện khuyến khích đến hết năm 2014, sau đó dán nhãn bắt buộc. Theo các chuyên gia, hiện tại việc dán nhãn năng lượng mới dừng ở mức khuyến khích DN tham gia nhưng trong tương lai gần, dán nhãn năng lượng sẽ là "giấy thông hành" cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng được gia nhập thị trường. Việc dán nhãn không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn khi mua các thiết bị gia dụng, mà còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao. Tham gia thực hiện dán nhãn năng lượng DN sẽ có cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm, thể hiện trách nhiệm xã hội đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nhờ những sản phẩm chất lượng.
DN vẫn băn khoăn
Hiện nay nhiều DN muốn tham gia việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm của mình nhưng lại vướng mắc về trình tự, thủ tục khi tham gia, chi phí kiểm định... Ông Nguyễn Tuấn Bình - đại diện Cty LG Electronics VN bày tỏ mong muốn được tiếp cận với chương trình dán nhãn năng lượng, bởi hiện nay thông tin về hiệu suất năng lượng của các sản phẩm điện gia dụng không được chính xác khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Thực hiện dán nhãn cho các sản phẩm của DN sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm chất lượng. Cũng theo ông Bình, Nhà nước cần có thêm chính sách để thúc đẩy DN tham gia chương trình dán nhãn năng lượng, sớm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ các DN thực hiện dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, trước hết cần đầu tư xây dựng các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành cũng như thiết bị để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị dán nhãn theo lộ trình. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề thực hiện kiểm tra, thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các thiết bị, phương tiện phải dán nhãn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin đến cộng đồng về các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, theo Bộ Công thương, chuẩn bị cho lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Nhà nước sẽ có quy định đối với mua sắm công bắt buộc phải sử dụng những thiết bị, sản phẩm đã thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đây chính là yếu tố buộc DN phải tham gia chương trình dán nhãn năng lượng.
Tiếp theo các sản phẩm bóng đèn, quạt điện, Bộ Công Thương đã công bố quyết định dán nhãn năng lượng cho 4 sản phẩm mục tiêu năm 2011 là máy giặt, máy điều hòa không khí, tủ lạnh và nồi cơm điện. Bộ Công Thương quy định: hiệu suất năng lượng của các sản phẩm tủ lạnh, tủ kết đông lạnh, điều hòa không khí, nồi cơm điện được dán nhãn phải lần lượt đạt các tiêu chuẩn TCVN 7828:2007, TCVN 7830:2007, TCVN 8252:2009. Riêng sản phẩm máy giặt gia dụng phải có mức hiệu suất tối thiểu đạt tiêu chuẩn TCVN 8526:2010. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com