Giá điện Việt Nam luôn là tâm điểm gây nhiều tranh cãi lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên mạnh dạn cải cách cơ chê này bằng việc thành lập một "siêu Bộ" quản lý giá điện hay xây dựng giá điện sàn.
Ấn tượng nhất tại hội thảo mới đây về giá điện do Học viện Tài chính tổ chức, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã mang tới đơn khiếu nại của người dân về giá điện được gửi Hội từ tháng 9/2011.
Tác giả của lá đơn phân tích: từ 1/3/2011, giá điện được Nhà nước cho tăng khoảng gần 16%. Biểu giá mới có ưu đãi 50 kWh đầu tiên, trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay trung bình sử dụng khoảng 100-200kWh/tháng.
Như vậy tính ra, nếu dùng 100kWh/tháng, người dân chịu giá điện tăng 54,86%. Nếu dùng 150kWh/tháng, họ phải chịu tăng 35,13 % và nếu dùng 200kWh thì họ phải trả giá điện tăng cao hơn 23,5%.
Ông Vương Ngọc Tuấn bày tỏ, theo thống kê của người dân gửi tới Hội, tăng giá điện như vậy là gánh nặng không nhỏ đối với phần lớn người tiêu dùng, nếu tính cả tác động tăng giá điện với các mặt hàng khác thì gánh nặng này còn lớn hơn.
Ông Vương Ngọc Tuấn. (Ảnh: PH) |
Đồng cảm với tâm tư của ông Tuấn, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế xã hội Hà Nội phân tích: "Nghịch lý lớn nhất hiện nay của ngành điện là mãi chỉ thấy tăng giá lên chứ chưa bao giờ xuống. Diễn biến này ngược hẳn với ngành viễn thông, sau cạnh tranh đều có giảm giá".
TS Phong nói: "Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình của EVN với việc cung ứng điện cũng chưa được rõ ràng. Đó là tình trạng tư nhân sản xuất điện nhưng không bán được hoặc chỉ được bán ngắn hạn thì ai dám đầu tư? EVN vừa phân phối vừa thu mua điện thì ép đủ kiểu, thậm chí lấy lý do đường truyền tải điện không có nên không mua, cho dù đã có hợp đồng mua bán điện với nhà máy phát điện tư nhân rồi.
Chính vì thế, ông Phong đề nghị, cần sớm bóc tách sản xuất và phân phối điện ra, tách giữa chức năng quản lý nhà nước với EVN. Cơ quan quản lý điện không thể là Bộ Công Thương mà có thể phải là siêu Bộ, ở cấp cao hơn nữa.
Ông lưu ý, ở đây, bóc tách sản xuất và phân phối để bình đẳng cạnh tranh còn phải bóc vấn đề an ninh năng lượng với thị trường thương mại. Những nhà máy điện lớn, trọng điểm thì phải giữ do Nhà nước quản lý. Làm vậy rồi, quỹ bình ổn sẽ không phải phục vụ cho ngành điện mà cho an ninh năng lượng.
Liên quan minh bạch giá điện, ông Phong đề xuất, cần xây dựng giá điện sàn. Đây là giá chi phí tối thiểu, EVN bán giá tối thiểu để không lỗ, sau đó, Nhà nước quy định có giá mềm bán thương mại cộng thêm vào giá bán lẻ. Như thế, EVN sẽ luôn không phải giải trình khi được điều chỉnh. Người dân cũng sẽ dễ chấp nhận hơn.
Theo TS Vũ Xuân Thuyên, Cục Phát triển DN - Bộ KH&ĐT, áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường là phải tái cơ cấu EVN, song hành với minh bạch, công khai các yếu tố cấu thành giá điện. Chính phủ cần tách một bộ phận hiên này của EVN là các công ty độc lập, phát điện, truyền tải điện, phân phối và dịch vụ hỗ trợ ngành điện. Nhà nước nắm giữ độc quyền hệ thống truyền tải vì an ninh ngành điện. Với hệ thống phân phối điện đến các hộ tiêu dùng cho thực hiện đấu thầu cạnh tranh.
Tuy nhiên, lộ trình cải cách ngành điện hiện đang rất chậm. Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, cuối năm nay, thị trường phát điện cạnh tranh mới vận hành và phải chờ tới sau năm 2022, mới có thể có thị trường bán lẻ điện, người dân có thể tự do chọn nhà cung ứng điện cho mình.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com