Các chuyên gia vừa đưa ra lời cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu năng lượng trong vòng 5 năm tới, vì tốc độ cạn kiệt tại hầu hết các mỏ dầu lớn trên thế giới diễn ra nhanh hơn dự đoán. Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu tăng cao do nhu cầu gia tăng nhanh và nguồn cung giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi
kinh tế thế giới. Nhà kinh tế hàng đầu của IEA cũng khuyến cáo, nhiều quốc gia đã xem nhẹ hoặc thậm chí không biết rằng nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt với tốc độ nhanh hơn dự tính trước đây tối thiểu là một thập kỷ. Mức giảm sản lượng dầu tại các mỏ hiện nay là 6,7% mỗi năm so với dự đoán đưa ra hồi năm 2007 là 3,7%. Cơ quan này đánh giá mức tiêu thụ dầu hiện nay là không bền vững với cầu vượt xa cung. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa đúng mức tại các nước sản xuất dầu là lý do khiến dầu khan hiếm trong vòng 5 năm tới, điều này sẽ cản trở tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo các chuyên gia, sớm hay muộn thế giới cũng phải đối mặt với sự cạn kiệt nguồn dầu mỏ, nên cần từ bỏ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này càng sớm càng tốt, khi mà tất cả hệ thống kinh tế - xã hội đều phụ thuộc vào dầu, trong khi việc thay đổi nhiên liệu đòi hỏi nhiều thời gian và tiền của. Do đó mọi người cần nhận thức một cách nghiêm túc vấn đề này.
Cần giải pháp tiết kiệm Trong các giải pháp để ứng phó với tình trạng cạn kiệt năng lượng, người ta thường nhắc đến giải pháp cắt giảm và tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Mục tiêu nhằm sử dụng năng lượng hiện có ở mức tối thiểu, đồng thời mang lại hiệu quả nhất, trước khi nghĩ đến các nguồn năng lượng thay thế khác. Cho đến nay, phát triển kinh tế cộng với đà gia tăng dân số tỷ lệ thuận với việc tiêu thụ năng lượng, buộc tất cả các nước, nhất là với Việt Nam trong điều kiện thiếu điện hiện nay, phải nghĩ đến sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng của mình. Việc tiết kiệm năng lượng có thể thực hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển, từ quy mô công nghiệp đến gia đình.
Không phải đến bây giờ sản xuất công nghiệp mới tính đến hiệu quả năng lượng. Ngay từ khi xảy ra cơn sốc dầu mỏ năm 1973, phần lớn các ngành công nghiệp đều đã nghĩ tới việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế. Các ngành công nghiệp đã sớm tập trung đầu tư trang thiết bị cho năng suất cao, chuyển đổi sử dụng nhiên liệu để hạ thấp giá thành. Với công trình dân dụng, người ta cố gắng hướng các công trình sao cho các phòng được sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời theo cách tự nhiên nhiều nhất. Các loại vật liệu nhằm tiết kiệm năng lượng (TKNL) cũng được tính đến. Giải pháp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà để thu năng lượng mặt trời sưởi ấm trực tiếp cho ngôi nhà cũng đang là hướng phổ biến. Một khi bên trong nhà đã được sưởi ấm, cần phải tính đến việc lựa chọn nguyên liệu cách nhiệt để làm sao nhiệt lượng sử dụng bị thất thoát ít nhất.
Cuối cùng là sinh hoạt bên trong mỗi ngôi nhà, phải hạn chế tối đa việc tiêu thụ năng lượng của các thiết bị gia dụng. Ở đây các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên tưởng như nhỏ nhưng lại rất hữu ích, như tắt điện mỗi khi ra ngoài, sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm, không để đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh… Những cử chỉ nhỏ đó hoàn toàn không khó khăn, nhưng lại có thể mang lại lợi ích lớn trong việc TKNL. Các nhà khoa học đã tính được hơn 30% các phát thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Làm cách nào để TKNL và hạ tỷ lệ đó xuống? Giải pháp trước mắt có lẽ là hạn chế sử dụng xe hơi. Giải pháp tiếp theo thuộc phần của các nhà khoa học, đó là tối ưu hóa công nghệ chế tạo xe hơi theo hướng giảm thiểu khí thải (xe hơi chạy bằng điện, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu tái tạo...). Đó là vấn đề cho tương lai, nhưng trước mắt sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân vẫn là hiệu quả nhất. Hiệu quả năng lượng sẽ rất lớn nếu như trong đời sống hằng ngày, mỗi người chỉ cần một vài hành động tiết kiệm nhỏ, như thế cũng giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu điện được báo trước vào mùa khô năm 2010.