Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đòn bẩy thị trường và những lực cản

Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT với kỳ vọng sẽ xây dựng được một cơ sở hạ tầng đồng bộ cho việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước .Ảnh: Lê Toàn.

Chính phủ đang triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), với tổng kinh phí trong thời gian 5 năm lên tới 1.700 tỷ đồng, kỳ vọng vào việc xây dựng một cơ sở hạ tầng đồng bộ cho việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước, trở thành một chính phủ điện tử.

Hệ quả của Đề án 122 và trước đó là Chương trình quốc gia về CNTT đang là những rào cản và tạo mối nghi ngại đối với mục tiêu tham vọng về triển khai có hiệu quả chính phủ điện tử, cũng như đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT. Có thể năm nay doanh thu của thị trường CNTT Việt Nam đạt khoảng 7,5 tỷ đô-la Mỹ, tăng 21% so với 6,4 tỷ đô-la năm 2009, nhưng phần lớn là nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp CNTT trong nước vẫn chỉ là “những con cá nhỏ bơi trong biển lớn”.

Đòn bẩy thị trường cơ quan nhà nước

Các doanh nghiệp trong nước thường than phiền thiếu thị trường. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít chú trọng đến ứng dụng CNTT, còn các cơ quan nhà nước dường như vẫn chưa có nhiều động thái “chung tay” với hàng Việt trong lĩnh vực này, dẫu Chính phủ đã có chủ trương phát triển thị trường trong nước, bắt đầu từ cái đòn bẩy là các tổ chức nhà nước là khách hàng. Thị trường này được nhiều chuyên gia đánh giá là một “mỏ vàng” cần khai phá, và là nơi mà doanh nghiệp tìm thấy “bầu sữa” để phát triển và vươn ra biển lớn.

Thế nhưng, cái chủ trương hợp lý đó lại chưa thể thực hiện được khiến doanh nghiệp CNTT trong nước vẫn nhỏ, còn các cơ quan nhà nước thì vẫn yếu kém trong việc ứng dụng CNTT.

Ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông, ngân sách hằng năm dành cho CNTT chưa năm nào giải ngân hết, chỉ đạt khoảng 70-80%. Nguyên nhân nằm ở thủ tục phiền hà, từ khâu chuẩn bị xét duyệt đến đấu thầu và triển khai dự án còn nhiều bất cập. Sự phiền hà làm thời gian xét duyệt kéo dài, đến khi xét duyệt được dự án thì công nghệ đã lạc hậu, lại phải làm lại quy trình. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ kéo dài ra mãi dẫn đến công nghệ không phù hợp cộng thêm yếu tố trượt giá và tăng giá nên nhiều dự án đành phải dang dở.

Còn ở Đà Nẵng, cái khó đó lại nằm ở chỗ thiếu tiền. Dù ngân sách Bộ Thông tin-Truyền thông rót về cùng với ngân sách địa phương cộng lại mỗi năm cũng mấy chục tỷ đồng, nhưng ở cái thành phố mà ứng dụng CNTT thuộc hàng đầu Việt Nam, thì ngân sách ấy chưa thể đáp ứng nổi. Nguồn kinh phí đó chỉ đủ để đầu tư một lần vào việc triển khai dự án hay hệ thống thông tin, chứ chưa bao gồm kinh phí dự phòng, bảo trì, sửa chữa.

Trong khi đó, ở Hà Nội, các cơ quan nhà nước đang đau đầu với bài toán về nguồn nhân lực CNTT có trình độ. Máy móc thiết bị, cơ chế chính sách, đầu tư tài chính đều đã sẵn sàng, nhưng tham vọng đưa CNTT phục vụ các dịch vụ công của thành phố vẫn còn giẫm chân tại chỗ. Nguyên nhân là đội ngũ chuyên gia CNTT không thể nào trụ lại được để làm nghề trong các cơ quan nhà nước với đồng lương thấp, trong khi những lời mời gọi từ các doanh nghiệp bên ngoài luôn hấp dẫn...

Những cái thiếu về cơ chế-chính sách, đầu tư chưa thỏa đáng cùng nạn chảy máu chất xám là ba mảnh ghép ở ba thành phố có chỉ số ứng dụng CNTT hàng đầu của quốc gia tạo nên một bức tranh xám về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Ba mảnh ghép ấy cũng chính là những nút thắt cổ chai cản trở sự vươn lên của cả ngành công nghiệp cũng như dịch vụ về CNTT của cả nước.

Để giải quyết vấn đề thủ tục và để giải ngân hết số tiền 100 tỷ đồng mỗi năm, ông Tuấn nói rằng Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM sẽ không tập trung vào việc triển khai mà chú trọng đến việc chuẩn hóa công nghệ. Còn chuyện kinh phí, với ngần ấy tiền ở một thành phố lớn, trong những năm qua sở cũng chỉ mới triển khai được một số dự án ở các cơ quan cấp quận huyện, chưa thể nói đến các dự án sản xuất phần cứng, phần mềm, đặc biệt là dịch vụ.

Và những lực cản

Kinh phí CNTT nằm trong khoản chi 2% tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ, chứ chưa được tách ra thành một khoản chi, nên chưa thể theo kịp và đáp ứng được đặc thù của CNTT. Chẳng hạn, thoạt nghe con số 100 tỷ đồng dành cho CNTT của TP.HCM thấy là lớn, thế nhưng nếu tính tổng chi ngân sách của thành phố năm nay khoảng 120.000 tỷ đồng, thì 100 tỷ nằm lọt thỏm giữa con số 2.400 tỷ đồng dành cho khoa học công nghệ.Thế nhưng, câu chuyện về sự lãng phí của Đề án 112 có lẽ là một bài học cho các nhà hoạch định chính sách về CNTT cũng như nhận thức của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước các cấp về sự cấp thiết của việc ứng dụng CNTT, thực sự biến tham vọng về chính phủ điện tử sớm thành hiện thực.

Cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn những địa phương và các cơ quan trực thuộc chưa có cổng thông tin điện tử. Hiện chỉ mới có 46,4% cán bộ, công chức sử dụng e-mail cho công việc và 96,6% các tỉnh thành có trang web. Nhiều trang web của các cơ quan nhà nước rất ít người truy cập, nghèo nàn thông tin, dữ liệu không cập nhật, thiếu sự tương tác của người dân…

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, nếu được các doanh nghiệp trong nước tận dụng khai phá thì sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho cả hai bên. Thế nhưng, cho đến nay nhà nước và doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn nhau e dè, vì dường như chưa có được sự tin tưởng lẫn nhau.

Một vị lãnh đạo của một ngành ở TP.HCM nói rằng việc sử dụng các phần mềm trong nước sản xuất còn nhiều trục trặc. Việc sử dụng đó chỉ như một kiểu thử nghiệm, nhưng lại vừa tốn thời gian, vừa mất tiền bạc mà lại không có hiệu quả. Còn doanh nghiệp cũng có vẻ như khá e dè trước những hàng rào thủ tục nhiêu khê.

Doanh nghiệp hiểu rằng nay nhà nước không thể tạo bệ đỡ như thời bao cấp, nhưng có thể phát triển thị trường ở khu vực công bằng cách xây dựng những hàng rào kỹ thuật tại thị trường trong nước, hỗ trợ về đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Còn các cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án có quy mô lớn theo mô hình nhà nước đầu tư, hoặc hợp tác công-tư, đồng thời bảo vệ thị trường trong nước thông qua các quy định pháp lý.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghiệp sáng tạo còn yếu
  • Cuộc khảo sát Đầu tư Công nghiệp Việt Nam 2010
  • Hội đồng khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Cần thêm 15 trường CĐ, ĐH y dược
  • Ngành Giao thông cần chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư
  • Lương được trả theo hợp đồng lao động
  • Ý kiến của Bộ Công thương về giảm thuế NK ô tô
  • 60% y tá, bác sĩ lơ mơ về chống nhiễm khuẩn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi