Nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới, cũng bất lực với tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay.
Bệnh viện… bẩn
Sản phụ chờ khám tại bệnh viện. Ảnh: T.H. |
Sau khi nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM hơn 10 ngày, bệnh nhân Võ Duy H. 39 tuổi được chuyển đến một khoa khác với một chẩn đoán mới: Nhiễm trùng huyết do nhiễm khuẩn bệnh viện khi ông H. nằm điều trị ở khoa hồi sức trước đó. Vì vậy, bệnh viện yêu cầu ông H. phải kéo dài thêm thời gian điều trị lên 10 ngày, với hàng loạt chi phí kèm theo.
Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện khiến bệnh nhân phải kéo dài điều trị, tiêu tốn tiền bạc, có bệnh nhân phải điều trị 5-10 loại kháng sinh để chống vi khuẩn trong bệnh viện vẫn diễn ra hằng ngày ở các tuyến BV tỉnh và trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Khoa Sức khỏe môi trường - Viện Y tế công cộng TPHCM cho biết, 70% các phòng phẫu thuật khoa ngoại và phòng hồi sức cấp cứu tại các BV Chợ Rẫy, Thống Nhất, Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Nguyễn Tri Phương, An Bình khi khảo sát đều có sự hiện diện nhiễm khuẩn. Hầu hết các mẫu không khí, nước… sau khi kiểm tra đều có sự xuất hiện của vi sinh vật.
Khảo sát cho thấy cứ 10 bệnh nhân nhập viện nằm nội trú thì có một người rước thêm bệnh từ chính bệnh viện, trong khi 60% y, bác sĩ vẫn hiểu biết lơ mơ về chống nhiễm khuẩn từ bệnh viện cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lê Thị Anh Thư- Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, khảo sát sơ bộ tại BV Chợ Rẫy và Nhi Đồng 1 TPHCM cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết theo thứ tự là 17,1% và 27,3%. Còn tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định, qua khảo sát ghi nhận tỷ lệ viêm phổi bệnh viện do thở máy gần 60%.
Hiện Việt Nam có trên 350 bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố với hơn 80.000 giường bệnh, với tình trạng nhiễm khuẩn như hiện nay khiến 4-5 ngàn bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh. Loại nhiễm khuẩn hàng đầu hiện nay là nhiễm khuẩn hô hấp chiếm 55,4%, nhiễm khuẩn vết mổ 13,6%... |
Trong đó, tỷ lệ viêm phổi do Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%… Kết quả khảo sát tại 29 khoa lâm sàng thuộc khối ngoại, sản, cấp cứu của 9 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh của khu vực phía Bắc cho thấy, mới có 2,3% số bệnh viện có lavabo đủ phương tiện vệ sinh bàn tay; hơn 58% nhân viên y tế trả lời sai các câu hỏi về vệ sinh bàn tay.
Kháng sinh chịu thua
Tại BV Gia Định, nghiên cứu cho thấy, có hơn 93% mẫu đờm phân lập được vi khuẩn là đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị trước khi có kháng sinh đồ. Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh - Phụ trách nhóm khảo sát về mô hình vi khuẩn kháng kháng sinh tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM cho biết, trong 476 mẫu bệnh phẩm từ 184 bệnh nhân đang nằm tại khoa này từ tháng 1 đến 6-2010 đã phát hiện 40% trường hợp bệnh nhân trên mắc nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm.
Bác sĩ Thịnh cảnh báo các vi khuẩn trên đã có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thế hệ mới. Kháng sinh bị đề kháng cao nhất là Imipenem. Các vi khuẩn chỉ còn nhạy với loại kháng sinh Cefoperazol/Sulbactam nhưng cũng đã kháng tới 43,4% trong các trường hợp được khảo sát.
(Theo Lê Nguyễn // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com