Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá điện được tăng, giảm theo quý

Bộ Công Thương vừa hoàn tất dự thảo quy định về giá điện theo cơ chế thị trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xây dựng và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.

Sẽ xoá bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt

Theo dự thảo, giá điện sẽ được xây dựng hàng năm, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12. Giá điện bình quân cơ sở năm được xây dựng và phê duyệt trên nguyên tắc đảm bảo thu hồi được tổng chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện trong năm áp dụng giá bao gồm các thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ, giá phân phối và bán lẻ điện và chênh lệch chi phí ở các khâu do biến động ở các yếu tố đầu vào hình thành giá khác với các thông số tính toán trong phương án giá điện cơ sở của năm trước.

Giá điện bình quân cơ sở năm được xây dựng căn cứ trên các thông số đầu vào hình thành giá được quy định cố định cho từng quý trong năm áp dụng giá gồm: tỷ giá ngoại tệ, giá các loại nhiên liệu chính cho phát điện, cơ cấu điện năng phát từ các loại nhiên liệu khác nhau, điện năng thương phẩm.

Cùng với việc tính giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ sẽ có cơ chế hình thành quỹ hỗ trợ phát triển điện ở khu vực nông thôn, hải đảo và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo khi điều kiện cho phép. Theo đó, giá điện sinh hoạt cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia nơi mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế do UBND tỉnh phê duyệt nhưng không được ngoài khung giá quy định trong biểu giá điện.

Về nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, căn cứ giá điện bình quân cơ sở hàng năm được duyệt, biểu giá điện được xây dựng cho từng nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt và theo từng cấp điện áp.

Biểu giá điện được áp dụng theo thời gian sử dụng điện trong ngày đối với khách hàng sử dụng điện cao áp và trung áp cho mục đích sản xuất, kinh doanh và khách hàng sử dụng điện hạ áp tại những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ giảm dần và tiến tới xoá bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt; Có cơ chế hỗ trợ giá cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp cho 50kWh đầu tiên trong biểu giá bậc thang điện sinh hoạt. Giá điện từ bậc thang thứ hai phải tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện và để bù chéo cho bậc thang đầu tiên trong biểu giá bậc thang điện sinh hoạt.

Sẽ điều chỉnh giá điện theo quý

Về nguyên tắc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, dự thảo nêu rõ: Hàng quý, căn cứ vào giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát theo các nguồn chính thức, đơn vị bán buôn điện có trách nhiệm tính toán kiểm tra tác động của các biến động các yếu tố trên lên giá điện bình quân cơ sở trong quý tiếp theo để xem xét điều chỉnh giá điện. Khi giá điện bình quân quý được điều chỉnh khác với giá điện bình quân cơ sở quý được duyệt, biểu giá điện được điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng với mức điều chỉnh giá do các chi phí phát sinh trong quý trước gây ra.

Trường hợp giá điện bình quân cơ sở đề xuất cho năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá điện bình quân thực hiện của năm trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt giá điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo.

Trường hợp giá điện bình quân cơ sở đề xuất cho năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trên 5% so với giá điện bình quân thực hiện năm trước, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét phương án điều chỉnh giá điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo cũng quy định rõ các điều kiện để điều chỉnh giảm giá điện bình quân quý, cụ thể: Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm hoặc tăng trong phạm vi một phần trăm (≤ 01%) so với giá điện bình quân cơ sở quý, không điều chỉnh giảm hoặc tăng giá điện bình quân quý tương ứng.

Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm trên một phần trăm (> 1%) đến mười phần trăm (≤ 10%) so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện phải giảm giá điện bình quân quý tương ứng;

Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm trên mười phần trăm (> 10%) so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện tiếp tục giảm giá điện bình quân quý sau khi cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế bình ổn giá tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng vượt một phần trăm (> 1%) đến năm phần trăm (≤ 5%) so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá điện bình quân quý tương ứng;

Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng vượt năm phần trăm (> 5%) đến mười phần trăm (≤ 10%) so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá theo điểm a Khoản này cộng (+) thêm 70% của mức giá điện bình quân quý tăng trên năm phần trăm (> 5%) đến mười phần trăm (≤ 10%); phần chênh lệch chi phí còn lại được điều chỉnh vào các quý kế tiếp để bình ổn giá điện.

Trường hợp các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá điện bình quân cơ sở quý hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua cơ chế bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điểm mới của dự thảo này là lần đầu tiên Bộ Công thương đưa ra quy định lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng điên. Theo đó, doanh nghiệp buôn bán điện phải trích lập quỹ bình ổn giá điện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

(Theo Doãn Hiền // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi