Theo thông tin từ tổng công ty Điện lực miền Bắc, Trung Quốc lại đòi tăng giá bán điện cho Việt Nam với mức tăng ước từ 15% trở lên. Điều này sẽ làm khó khăn thêm cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi khoản phát sinh hơn 27.000 tỉ đồng năm 2010 đang bị treo lại.
Kéo đường dây mua điện Trung Quốc qua xã Ỷ Ty, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng |
Giá điện Trung Quốc ngày càng đắt đỏ
Công ty Điện lực miền Bắc cho hay, năm 2010, Việt Nam đang mua của Trung Quốc với giá 5,1 cent/kWh. Nhưng mới đây, phía đối tác Trung Quốc lại đòi tăng giá điện lên cao hơn. Mức đề nghị tăng lần này của Trung Quốc rất cao, vượt mức giá bán điện bình quân năm 2011 mà Chính phủ vừa phê duyệt, có thể lên tới 6 – 7 cent/kWh.
Hiện, cả tổng công ty Điện lực miền Bắc và EVN đều không đồng ý với mức giá bán điện mới của Trung Quốc đưa ra và vẫn đang tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, trong lúc hợp đồng nhập khẩu điện năm 2011 chưa chốt ký, phía Trung Quốc đã yêu cầu mức giá điện mới bán cho Việt Nam sẽ phải được áp dụng từ 1.1.2011. Hai bên phải cam kết với nhau, khi thống nhất được giá thì phía Việt Nam sẽ phải trả bù phần chênh lệch giá mới so với giá hiện nay tính trên sản lượng điện đã cấp cho Việt Nam từ đầu năm.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tăng giá bán điện cho Việt Nam. Năm 2008, giá điện mà Trung Quốc bán cho Việt Nam là 4,5 cent/kWh và đến năm 2010, mức giá mới đã tăng thêm 12%.
“Nguồn cứng”
Từ ba năm nay, nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cung ứng điện quốc gia của Việt Nam. Thiếu hụt nguồn điện nội địa triền miên là một trong những lý do thúc đẩy EVN mỗi năm phải cầu cứu vào việc chia sẻ sản lượng điện từ Trung Quốc. Hồi cuối năm 2010, Chính phủ cũng đã thông qua chủ trương nhập khẩu tối đa nguồn điện của nước này và coi đây là một trong những giải pháp dài hạn, căn cơ để đảm bảo nguồn cung điện quốc gia. Vì lẽ đó, sản lượng điện của Trung Quốc đã trở thành một nguồn cứng trong kế hoạch cấp điện mỗi năm.
Cái giá của sự phụ thuộc
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, Việt Nam cũng hứng chịu không ít những khó khăn khi phải phụ thuộc ít nhiều vào đối tác bán điện này. Đơn cử như tháng 3.2010, đúng lúc thuỷ điện miền Bắc sụt giảm trầm trọng thì công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc lại tạm ngưng cấp điện đường dây 220kV Tân Kiều – Lào Cai và 110kV Hà Khẩu – Lào Cai. Lý do là... để thi công công trình. Chia sẻ với báo chí dịp này, ông Đặng Hoàng An, phó tổng giám đốc EVN khi đó, giải bày rằng việc đàm phán mua thêm điện của Trung Quốc rất khó khăn khi chính nước bạn cũng kêu thiếu điện do hạn hán.
Năm 2011, EVN mua của Trung Quốc khoảng 4,671 tỉ kWh Việt Nam bắt đầu mua điện của Trung Quốc từ tháng 7.2005, nhưng chỉ để cung cấp cho hai tỉnh miền núi là Hà Giang và Yên Bái, với sản lượng khi đó chỉ 180 – 200 triệu kWh. Năm 2007, EVN mua 2,67 tỉ kWh và phân phối cho tám tỉnh phía Bắc. Năm 2008, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,5 tỉ kWh. Năm 2011, dự kiến EVN sẽ mua của Trung Quốc khoảng 4,671 tỉ kWh (chiếm tỷ trọng khoảng 4% tổng sản lượng điện cấp cho Việt Nam). Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2011, EVN đã mua của Trung Quốc 956 triệu kWh, tăng 28,89% so với cùng kỳ năm 2010. Theo kế hoạch từ tháng 3 tới tháng 6, mỗi tháng Việt Nam sẽ nhận khoảng 420 – 434 triệu kWh của Trung Quốc. |
Năm nay, Trung Quốc không đưa ra lý do thiếu điện, song việc ký hợp đồng mua điện lại vất vả vì lý do tăng giá. Nếu mức giá mới còn cao hơn cả giá bình quân bán điện trong nước thì năm 2011, EVN sẽ còn lỗ nặng hơn trong kinh doanh điện. Chưa hết, việc tăng mua điện Trung Quốc còn gặp trở ngại vì đặc thù hạ tầng kỹ thuật lưới điện hai quốc gia. Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, hai đường dây 110kV và 220kV tải điện từ Trung Quốc hiện đang độc lập với hệ thống điện quốc gia, chỉ phục vụ cung ứng điện trực tiếp cho 12 tỉnh phía Bắc. Nguồn điện Trung Quốc không hoà được vào nguồn điện Việt Nam. Ngay cả nguồn 110kV và 220kV của Trung Quốc cũng không hoà được với nhau. Do vậy, việc cấp hỗ trợ giữa các nguồn để đáp ứng nhu cầu phụ tải gặp nhiều khó khăn. Khi dư điện của Trung Quốc, sản lượng này cũng không thể san sẻ sang cho tỉnh khác.
Nhu cầu mua điện của Trung Quốc tăng cao, khu vực cấp điện rộng hơn so với thiết kế ban đầu nên các đường dây trên đều đã bị quá tải. Các đơn vị nhận điện ở cuối đường dây 110kV có chất lượng điện áp không ổn định, giờ cao điểm điện áp thấp, có lúc điện áp đường dây này chỉ còn 82kV, giờ thấp điểm, điện áp lại rất cao, về đêm Sơn La thường lên trên 125kV.
Các tỉnh phía Bắc này còn phải phụ thuộc một sản lượng điện đáng kể từ nguồn thuỷ điện nhỏ, đa số không có hồ chứa, công suất phát rất thấp, dưới 30MW. Vì thế, mùa khô, khi thiếu nguồn thuỷ điện, việc tăng mua từ nguồn Trung Quốc để bù đắp lại cũng lại gặp phải khó khăn do năng lực truyền tải. Trong khi đó, việc mua điện của Trung Quốc phải thực hiện theo hợp đồng thương mại rất chặt chẽ. Chỉ cần sử dụng tăng hay giảm sản lượng điện so với mức đăng ký trong hợp đồng, phía Việt Nam ngay lập tức sẽ bị phía Trung Quốc phạt. Điển hình như năm 2010, do thiếu điện và nhu cầu mua vượt sản lượng, ngoài chi phí phải trả trong hợp đồng, tổng công ty Điện lực miền Bắc đã bị đối tác Trung Quốc phạt trên 887.000 USD.
Những khó khăn nêu trên đặt ra cho EVN bài toán về hiệu quả của chiến lược nhập khẩu điện dài hạn từ nước láng giềng!
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành điện, Trung Quốc bán điện cho Việt Nam có lợi hơn nhiều so với việc bán cho nội địa. Nếu tải nguồn điện này từ biên giới các tỉnh phía tây Trung Quốc vào nội địa phía đông Trung Quốc, chi phí truyền tải sẽ còn đắt hơn nếu bán điện cho Việt Nam. Thực tế trên là một câu chuyện đáng lưu ý!
(Theo Băng Dương/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com