Việc ra mắt Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM chính thức đánh dấu việc hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý mới tại 5 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối điện khu vực trong cả nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá đây là một bước tiến tới thị trường điện cạnh tranh ở khâu phân phối theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tới dự và phát biểu tại lễ ra mắt ngày 20/4 của 2 Tổng Công ty nói trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, việc chính thức đi vào hoạt động theo mô hình tổng công ty của 2 doanh nghiệp nói trên, sau các Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và TP Hà Nội, sẽ tạo sự thay đổi lớn đối với lĩnh vực kinh doanh, phân phối điện năng.
Tổng Công ty Điện lực miền Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 2 và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai. Còn Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
“Đây không phải là việc đổi tên thông thường, mà là sự biến đổi về chất lượng. Doanh nghiệp được trao quyền tự chủ hơn, có điều kiện hạch toán minh bạch chi phí giá thành điện để tiến tới thị trường điện cạnh tranh ở khâu phân phối theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội và môi trường kinh doanh có nhiều thách thức đối với ngành điện, Phó Thủ tướng lưu ý 4 nhiệm vụ trọng tâm của các doanh nghiệp đảm nhiệm chức năng kinh doanh, phân phối điện.
Thứ nhất là việc xây dựng mô hình quản lý, sớm ổn định tổ chức, cơ cấu, quy chế làm việc, cơ chế tài chính, thực hiện phân cấp mạnh mẽ để các đơn vị thành viên và từng nhân viên phát huy được năng lực, hiệu quả hoạt động theo đúng mục tiêu của mô hình mới.
Thứ hai, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh điện phải lấy tiêu chí dịch vụ khách hàng là mục tiêu cao nhất trong mọi hoạt động, đáp ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo.
Thứ ba, với thách thức và nhiệm vụ ngày càng nặng nề cho ngành điện, các DN phải lấy năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh làm hướng đột phá để vươn lên, chú trọng đổi mới khoa học công nghệ, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường.
Và cuối cùng, với cơ chế, mô hình quản lý mới, các doanh nghiệp ngành điện cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp tốt giữa các đơn vị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng, làm tốt công tác đào tạo cán bộ, nâng cao tay nghề công nhân.
Sau khi thành lập, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM bắt đầu hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, hạch toán độc lập. Các Công ty mẹ hoạt động đa ngành, đa sở hữu, trong đó ngành nghề chính vẫn là kinh doanh điện, viễn thông công cộng, đầu tư vào các ngành nghề có thế mạnh khác. Riêng khâu bán điện được giao cho các Công ty thành viên, bán điện trực tiếp đến các khách hàng hoặc qua các đại lý.
Như đã đưa tin, ngày 12/1/2010, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 60/TTg-ĐMDN đồng ý thành lập 5 Tổng Công ty quản lý phân phối điện, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Tổng Công ty Điện lực miền Nam hiện đang chịu trách nhiệm quản lý lưới điện phân phối từ 110 KV trở xuống và kinh doanh bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Sản lượng điện thương phẩm năm 2009 đạt 28,6 tỷ kWh, phân phối đến hơn 5 triệu hộ tiêu thụ, doanh thu đạt khoảng 27.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực TP.HCM quản lý và phân phối lưới điện trên địa bàn 24 quận, huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh. Sản lượng điện thương phẩm năm 2009 đạt 13,2 tỷ kWh, phân phối đến khoảng 1,8 triệu khách hàng, doanh thu 15.821 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14,9%, tổn thất điện năng hiện còn 6,03%. |
(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com