Một câu hỏi day dứt được đặt ra mỗi khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán hàng năm: đến bao giờ Việt Nam mới kiềm chế được các sai phạm ngày càng gia tăng trong các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách?
Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng dù đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 4.2005, dường như mới chỉ dừng lại trên giấy. Hơn bốn năm qua, những trường hợp người dân phát hiện sai phạm trong các dự án đầu tư công thật đơn lẻ, trong khi chưa có bất kỳ một đánh giá tổng kết nào của các cơ quan chức năng về việc này.
Thực ra, quy chế này chỉ là một phần trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm bớt những sai phạm trong thực hiện các dự án công. Trước đó, năm 2003, một văn bản pháp lý khác là thông tư 03 của bộ Kế hoạch và đầu tư đã được ban hành nhằm tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy chế giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình. Những văn bản ít ỏi này, tiếc thay, đều có mức độ pháp lý thấp, làm một số bộ, ngành, địa phương “chưa quan tâm đúng mức” đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư, theo báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty về công tác đầu tư trong giai đoạn 2006 – 2008.
Bất cập này, có thể đổ lỗi cho việc thiếu hụt nguồn nhân, vật lực ở các cơ quan nhà nước, hay tình trạng thờ ơ vô trách nhiệm của những cán bộ liên quan. Công thương, một trong những bộ lớn nhất ở Việt Nam là một ví dụ ở cấp trung ương. Mỗi năm, bộ này có khoảng 4.000 – 4.500 dự án đầu tư từ các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc chủ quản. Ông Trần Khánh Toàn, một quan chức của bộ này nói: “Nhiều đến thế mà dự án nào chúng tôi cũng tổ chức đi kiểm tra giám sát thì không thể nào có bộ máy làm hết được".
Đó là cấp Trung ương. Còn với nhiều địa phương, tình hình tồi tệ hơn. Ông Nguyễn Ngọc Long, trưởng phòng giám sát thẩm định dự án, sở Kế hoạch và đầu tư Vĩnh Phúc nói: “Các cấp ở Trung ương không thể hiểu hết được vấn đề ở địa phương. Ở địa phương, ngay từ khi hình thành dự án, doanh nghiệp, nhà thầu đã xông vào cuộc rồi. Họ đi từ A đến Z, gần như thay thế cả chủ đầu tư, thay thế cả ban quản lý dự án. Chủ đầu tư chẳng có trách nhiệm gì, chỉ có việc ngồi chơi và uống nước”. Ông Long nói thẳng: “Tổng mức đầu tư của dự án càng lớn lợi ích các bên càng tăng lên, (mà) không cần biết hiệu quả nó thế nào”. Theo ông Long, tình hình vô trách nhiệm ở địa phương đã đến mức đáng lo ngại. Thậm chí chủ đầu tư còn ký phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán không có số, hay bản thiết kế thi công dự toán một nhà 5 tầng mà vẫn ghi là móng cọc bêtông cốt thép, hoặc móng băng.
Trong khi đó, vai trò giám sát của cơ quan quản lý địa phương, cũng như của Trung ương là quá bất cập so với thực tế. Ông Long nói: “Chúng tôi (sở) chỉ biết là có báo cáo thế thôi, còn không thể kiểm tra được báo cáo của họ sai hay đúng, có trung thực hay không. Khi chúng tôi báo cáo về bộ Kế hoạch và đầu tư, nói thật cũng là báo cáo để có báo cáo thôi. Chúng tôi cũng cảm thấy áy náy lắm”.
Cho dù đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đang giảm dần, nhưng nó vẫn chiếm từ 40 – 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Những khe hở, dù nhỏ bởi sự thiếu vắng khuôn khổ pháp lý cần thiết, cũng sẽ dẫn đến những thất thoát rất lớn mà Kiểm toán Nhà nước thường công bố hàng năm. Cả Chính phủ và Quốc hội đều đã nhận diện rõ vấn đề, và nay là thời điểm để khắc phục tình trạng này.
( Theo Tư Hoàng // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com