Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thừa nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay có 3 trở ngại. Đó là: Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng; hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực; vướng mắc trong thủ tục hành chính. Để giải quyết vấn đề khó khăn trong thủ tục hành chính, Chính phủ đã thành lập một tổ chuyên trách, tư vấn về cải cách hành chính với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Thủ tướng quyết định trong năm tới sẽ thực hiện những cải cách mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính. Được biết, qua điều tra tại các doanh nghiệp, năm 2008 dù số doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế dễ gây ra tiêu cực đã giảm nhiều so với năm 2006 nhưng vẫn còn khá cao, tới 37% doanh nghiệp (năm 2006 là hơn 70% doanh nghiệp). Hiện có khoảng trên 6.500 thủ tục hành chính của 21 Bộ nhưng khi xuống các địa phương thì có rất nhiều phiên bản, gọi là thủ tục con ở 4 cấp chính quyền, trong đó có nhiều thủ tục không có căn cứ pháp lý, do các địa phương ban hành. Nếu cải cách hành chính hiệu quả, sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 13-17 tỉ đồng.
Cùng quan điểm với ông Lộc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế của Việt Nam thuộc nhóm lạc hậu nhất trong khu vực, theo một số tổ chức quốc tế đánh giá. Thống kê cho thấy, hiện nay doanh nghiệp mất 1.050 giờ một năm để làm các thủ tục thuế. Vì vậy, theo Thứ trưởng, cần giảm 200-300 giờ cho doanh nghiệp. Một trong các giải pháp để khắc phục được việc trên phải cải cách hóa đơn. Trong năm 2009, những nội dung trọng tâm của công tác cải cách hành chính thuế là: nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; cải cách thủ tục hành chính thuế và tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ người nộp thuế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các chuyên gia ngành Tài chính đã lần lượt trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp. Vấn đề doanh nghiệp bức xúc nhất vẫn là hoàn thuế. Bà Trần Thị Minh, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Vinaxuki cho rằng, chính sách thuế cởi mở rõ ràng nhưng đến khi thực hiện thì rất vướng mắc, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công ty bà chuyển từ công ty tư nhân sang cổ phần, xin hoàn thuế nhưng hoàn thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi không áp dụng việc cho hoàn trước rồi kiểm tra sau ở Cục Thuế Hà Nội mà họ yêu cầu phải có quyết toán qua lần chuyển đổi. Về hóa đơn chứng từ, doanh nghiệp bà sử dụng hóa đơn tự in. Doanh nghiệp chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội nhưng vì trong thông báo sử dụng hóa đơn chưa kịp nên Cục Thuế Hà Nội không đồng ý, doanh nghiệp phải dừng bán hàng mất 13 ngày, gây thiệt hại lớn. Cũng bức xúc về hoàn thuế, đại diện của Công ty TNHH Phước Hồng (Hải Phòng) thắc mắc việc hoàn thuế khi mua hàng của đơn vị bỏ trốn. Doanh nghiệp này mua hàng để xuất khẩu từ 2002 đến 2004, năm 2005 người bán hàng bỏ trốn. Trong khi công văn của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc doanh nghiệp mua hàng trước thời điểm người bán bỏ trốn thì doanh nghiệp vẫn được khấu trừ và hoàn thuế nhưng “chúng tôi đã làm không dưới 30 công văn đề nghị Cục thuế Hải Phòng giải quyết, làm đầy đủ hồ sơ hoàn thuế gửi Cục thuế Hải Phòng mà đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn thuế”-đại diện này bức xúc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận và hứa sẽ xem xét ngay và trả lời một cách thỏa đáng các câu hỏi của các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Thuế, Hải quan với cộng đồng các doanh nghiệp là mục tiêu chiến lược trong năm 2009 trong việc ngăn chặn sự suy giảm kinh tế để đảm bảo phát triển hợp lý, bền vững cho người lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm giải pháp, trong đó có 2 nhóm liên quan trực tiếp đến cơ chế chính sách, tài chính tín dụng, đặc biệt là việc đổi mới thủ tục ngành Thuế và Hải quan nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nêu rõ, Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) có ý nghĩa chính trị và kinh tế hết sức to lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Trong năm 2009, những nội dung trọng tâm của công tác cải cách hành chính thuế là: nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; cải cách thủ tục hành chính thuế; tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ người nộp thuế. Đối với ngành Hải quan thì cần tập trung vào đẩy nhanh và mở rộng việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ra một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, giảm thời gian thông quan
các lô hàng./.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời trực tiếp doanh nghiệp tại Hội nghị
(Theo Tổng Cục Hải Quan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com