Trong khi thị trường ô tô đang “cháy hàng”, thì Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại đề xuất kéo dài thời gian giảm các loại thuế, phí đối với ô tô.
Trong kiến nghị mới đây gửi tới Bộ Công thương, ông Akito Tachibana, Chủ tịch VAMA cho hay, thị trường ô tô năm 2010 khó có thể dự báo, bởi phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung, chính sách thuế và yếu tố tâm lý của khách hàng.
“Nếu các loại ưu đãi thuế hết hiệu lực vào cuối năm 2009 như kế hoạch đề ra ban đầu, thì thị trường năm 2010 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá xe đột ngột tăng trở lại”, ông Akito Tachibana nhận xét.
Đi kèm với nhận xét này, VAMA đưa ra một kịch bản khiêm tốn để dự báo cho doanh số của VAMA trong năm 2010 là “có thể bằng hoặc tăng trưởng thấp so với năm 2009, nếu các chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì, kết hợp với kinh tế hồi phục tốt trong năm 2010”.
Trước đó, từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Trên thực tế, từ tháng 1 đến tháng 4/2009, doanh số bán hàng của các hãng xe ô tô tại Việt Nam chỉ duy trì ở mức cầm cự, không có tăng trưởng, nếu không muốn nói là ảm đạm và có sự giảm sút mạnh.
Nhưng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như giảm 50% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/2/2009, giảm lệ phí trước bạ 50% từ ngày 1/5/2009, thị trường ô tô đã đột ngột “ấm lên” và quay trở lại tình trạng xếp hàng như các thời điểm sốt xe ở những năm trước đó.
Tuy nhiên, VAMA cho rằng, thị trường vẫn chưa hồi phục. Doanh số của VAMA từ đầu năm tới tháng 7/2009 vẫn giảm 25% so với cùng kỳ năm 2008. Bên cạnh tác động của suy thoái kinh tế, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi từ ngày 1/4/2009 cũng tác động xấu tới việc sản xuất và tăng cường đầu tư nội địa hóa cho dòng xe 6 - 9 chỗ ngồi.
Thị trường từ nay tới cuối năm 2009 cũng được chính VAMA thừa nhận là “sẽ tiếp tục sôi động”. Điều này là do tâm lý của khách hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế đã tạo ra sự gia tăng đột biến về nhu cầu mua xe trước khi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2009.
Trong khi đó, các doanh nghiệp không kịp sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, vì việc đầu tư mở rộng sản xuất cần thời gian chuẩn bị, đặt hàng linh kiện... Thực tế này đã dẫn tới tình trạng khan hàng ở một số loại xe được khách hàng ưa chuộng, đồng thời một số khách hàng chuyển sang mua xe nhập khẩu, làm gia tăng nhập siêu.
Tỷ trọng của xe nhập khẩu nguyên chiếc, cả cũ và mới, trên thị trường chiếm 26% trong tháng 3/2009, đạt 33% vào tháng 4/2009, lên 35% vào tháng 5/2009 và hiện ở mức 39%. Thực tế này cho thấy, các nhà sản xuất ô tô đang “tiếc đứt ruột” vì không kịp trở tay để bán hàng tốt thời khủng hoảng.
“Trước sự cạnh tranh mạnh của xe nhập khẩu, dự kiến sản lượng tiêu thụ của VAMA trong năm 2009 chỉ bằng hoặc tăng trưởng thấp hơn năm 2008, với số lượng 110.000 - 120.000 xe sản xuất trong nước”, ông Akito Tachibana cho biết. Do vậy, các doanh nghiệp ô tô trong nước thời gian gần đây đã liên tục đề cập việc tiếp tục giãn thời gian hỗ trợ về thuế cho sản xuất ô tô để “tránh sốc” cho thị trường. Theo đó, VAMA vừa chính thức đề nghị các cơ quan hữu trách giãn thời gian hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ đến hết năm 2010.
Dĩ nhiên, đề xuất kéo dài thời gian giãn thuế cho mặt hàng ô tô, một hàng hóa xa xỉ nhưng lại đang được xếp hàng mua vào thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, khó có thể tìm được sự thông cảm từ các cơ quan hữu trách. Đó là chưa kể, trong khi xuất khẩu chưa phục hồi như các năm trước, thì nhập siêu lại gia tăng và ô tô là một mặt hàng dễ nhìn, dễ thấy lại đang tăng mạnh về số lượng nhập khẩu.
Bởi vậy, các ưu đãi về thuế như thực hiện trong năm 2009 xem ra khó lòng được kéo dài, nhất là khi ngân sách quốc gia đang phải “gồng mình” để chống chọi với ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo dự báo của Bộ Công thương trước đó, quy mô thị trường vào năm 2015 có thể ở mức cao là 235.000 xe (khi thị trường tăng trưởng liên tục 17%/năm) hay ở mức thấp là 166.000 xe (với mức tăng trưởng liên tục 8%/năm).
Tuy nhiên, dù thị trường có thế nào, thì các nhà sản xuất ô tô vẫn cho rằng, cần phải có những hướng đi cụ thể khi các cam kết giảm thuế đang phải thực hiện và xe nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ còn chịu thuế suất 60% vào năm 2013 khi nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Nhưng dù chỉ còn 4 năm nữa là tới thời điểm thuế nhập khẩu giảm mạnh, thì lộ trình phát triển ngành ô tô của Việt Nam vẫn chưa có nhiều lối đi cụ thể, ngoài việc tăng, giảm, hoãn, giãn thuế để ứng phó với thị trường.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com