Bộ Tài chính đang triển khai một chương trình toàn diện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hạn chế tình trạng chuyển giá.
Hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), VN đang đứng trước sức ép chọn lọc vốn theo chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Trong đó, đang nổi lên vấn đề ứng xử thế nào trước hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp (DN) FDI.
Bắt đầu truy thu
Theo một con số thống kê, năm 2009, cả nước có 56% trong tổng số 1.358 DN FDI đang hoạt động báo cáo lỗ. Các DN này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, 99% hàng sản xuất được xuất khẩu sang nước thứ ba. Vì hạch toán lỗ nên DN tránh được thuế thu nhập và phí chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Do đó, số thuế ngân sách thu được từ các DN này không đáng kể.
Hiện tượng khai lỗ triền miên của các DN FDI trong nhiều năm nhưng không đóng cửa mà còn mở rộng quy mô đầu tư, suất đầu tư thường cao hơn mức thông thường khiến các cơ quan quản lý và giới chuyên môn từ lâu đã nghi ngờ về hiện tượng chuyển giá trong khu vực kinh tế này.
Năm 2005, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về việc chống chuyển giá của các công ty con VN sang công ty mẹ ở nước ngoài bằng phương pháp định giá chuyển giao giữa các bên có quan hệ liên kết.
DN FDI đã có nhiều đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu. Trong ảnh:Hội chợ đồ gỗ Expo 2010. Ảnh: HỒNG THÚY
Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, quá trình triển khai thực hiện rất khó khăn vì vật tư, nguyên liệu được chuyển từ nước ngoài với chứng từ nhìn trên sổ sách rất hợp pháp. Hơn nữa, khi gia nhập WTO, VN phải tuân thủ nguyên tắc chung là hủy bỏ áp bảng giá tối thiểu để xác định thuế. Thay vào đó là xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn.
Hạn chế mặt trái vốn FDI Theo TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, đề án tái cơ cấu kinh tế đã đặt ra 3 ngưỡng lớn, trong đó có vấn đề thu hút vốn FDI. Đây là một chủ trương tất yếu vì hội nhập là xu thế không thể đảo ngược. Vừa qua, việc thu hút FDI đã đề cập nhiều đến những mặt tiêu cực, hạn chế, các DN FDI đã không thực hiện được vai trò là đầu tàu như mong đợi, không hình thành được ngành công nghiệp phụ trợ cũng như các chuỗi giá trị gia tăng là cơ sở để thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ. Nhưng không thể vì thực tế đó mà không tiếp tục thu hút FDI. Vấn đề phải làm thế nào để khai thác được thế mạnh và hạn chế được những mặt trái của nguồn vốn quan trọng này. |
Để phù hợp tình hình thực tế và kiểm soát tốt hơn, năm 2010, Bộ Tài chính đã sửa đổi thông tư này, trong đó chú trọng hiện tượng chuyển giá đầu vào. Tính chung từ năm 2008 đến nay, Bộ Tài chính đã thanh tra 127 DN FDI báo cáo lỗ nhiều liên tục trong 3 năm và xác định khai lỗ không đúng thực tế. Số tiền truy thu về cho ngân sách là 1.450 tỉ đồng. Số tiền này không đáng kể so với quy mô và số lượng DN FDI khai lỗ ở VN.
Tăng cường kiểm soát
Trước hiện tượng chuyển giá và một số mặt trái trong thu hút vốn FDI, đã có ý kiến cho rằng nên hạn chế vốn FDI. Tuy nhiên, xu hướng chung cho rằng không nên giảm thu hút FDI để tạo nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng.
Thay vì hạn chế thu hút vốn, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát hữu hiệu để hạn chế tình trạng chuyển giá. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với DN FDI, đối chiếu với các chứng từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới (tham vấn giá) thông qua biện pháp xây dựng một cơ sở dữ liệu giá thế giới.
Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp chỉ đạo các cơ quan thương vụ, cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài sẵn sàng cung cấp thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu để phối hợp chống chuyển giá.
(Theo Phương Anh/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com