Ngày 25-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về hai dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Hợp tác xã (HTX )sửa đổi.
Hệ thống Saigon Co.op là một trong những mô hình hợp tác xã hoạt động thành công. Ảnh: TẤN THẠNH
VKSND không nên tham gia 100% án dân sự
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự, các ý kiến đại biểu (ĐB) tập trung vào 2 nội dung lớn: Vai trò của VKSND và cơ chế đặc biệt để xem lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Là người trong ngành kiểm sát, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) ủng hộ quan điểm “việc dân sự cốt ở hai bên” và tán thành việc sửa đổi điều 21 của Bộ Luật Tố tụng dân sự theo hướng VKSND sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự.
Tuy nhiên, một số ĐB lại không đồng tình với quan điểm này. ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) băn khoăn: “Việc dự thảo luật đưa VKSND tham gia phiên tòa liệu có phải là một bước tiến, có giải quyết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới hạn chế bất cập trong giải quyết tranh chấp dân sự tại tòa án hiện nay hay đây lại là một bước lùi?”. Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho rằng cần phải phân biệt vị trí của VKSND ở phiên tòa dân sự và phiên tòa hình sự. “VKSND chỉ nên tham gia phiên tòa với nhiệm vụ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật” – ĐB Nguyễn Đăng Trừng nói.
ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng quy định điều kiện xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như dự thảo luật là quá đơn giản. Việc bổ sung cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng được ĐB đề nghị phải chặt chẽ hơn và có sự tham gia của các ủy ban của QH.
“Mở” chứ không nên “thắt”
Chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật HTX(sửa đổi). Nhìn từ góc độ người trong cuộc, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) nhấn mạnh ý nghĩa “đối nhân” và “quyết định mang tính dân chủ” của mô hình HTX. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, trong tình hình hiện nay, không nên lo lắng về việc “mở” cho các HTX kinh doanh đa ngành, đa nghề, góp vốn vào nơi khác để tạo sự đột phá cho mô hình này đóng góp vào nền kinh tế. Ông Hòa khẳng định: “Đồng tiền đi liền khúc ruột, nên trao cho hội đồng thành viên HTX quyết định họ nên sử dụng đồng vốn của chính mình như thế nào”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng dự luật có vẻ nhìn nhận chưa đúng bản chất cốt lõi của kinh tế hợp tác, đó là sự hợp tác bình đẳng và lâu dài. Từ đó, dự luật quy định một số điểm có thể dẫn đến việc “hạn chế phạm vi hoạt động, thậm chí gây bế tắc kéo dài đối với mô hình này”. Ông Dung dẫn ví dụ về quy định: “HTX cung cấp không quá 40% hàng hóa dịch vụ ra ngoài cộng đồng”.
ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu) cũng không đồng tình với nhiều quy định tại dự luật theo cách máy móc và xa rời thực tiễn. Ông Văn cho rằng dự luật nên “mở” để HTX phát triển chứ không nên tiếp tục “thắt”. Ông Văn góp ý: “Muốn tránh việc HTX lợi dụng các ưu đãi của Nhà nước dành cho thì nên sử dụng các chính sách pháp luật khác, như chính sách thuế”.
Báo chí góp phần nâng cao dân chủ xã hội Chiều 25-11, Văn phòng QH đã tổ chức họp báo tổng kết công tác thông tin tuyên truyền kỳ họp thứ 8, QH khóa XII (từ ngày 20-10 đến 16-11). Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Sỹ Dũng, khẳng định: “Báo chí đã thêm lửa cho đại biểu và góp phần quan trọng nâng cao dân chủ xã hội”. Theo Văn phòng QH, đã có khoảng 900 bài viết phản ánh về kỳ họp, nhiều gấp đôi so với kỳ họp thứ 7. Thống kê cho thấy hai vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm là vụ việc tại Tập đoàn Vinashin (115 bài) và khai thác bauxite tại Tây Nguyên (118 bài). T.Dũng |