Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?Bài 1: Nâng cao vị thế nông sản nội địa

Với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang thổi vào thị trường luồng sinh khí mới. Bằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đã và đang khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng...

Nhiều tiểu thương và người tiêu dùng ở TP Cần Thơ cho biết, hiện nay khi mua bán trái cây và các loại nông sản khác nói chung (như: gạo, rau củ, cá, thịt...) để sử dụng trong gia đình, phần lớn mọi người đều chọn mua hàng nội địa. Việc người Việt Nam ưu tiên dùng các loại nông sản Việt Nam chẳng những thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng, mà theo nhiều người nó còn giúp tiết kiệm tiền và góp phần bảo vệ sức khỏe...

QUAY VỀ VỚI HÀNG NỘI

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trở nên hoài nghi về chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu khác như: trái cây, rau, củ... Trong điều kiện các cơ quan chức năng chưa có đủ lực lượng, phương tiện máy móc và kinh phí để lấy mẫu kiểm tra chất lượng và sự an toàn của tất cả các mẫu nông sản nhập khẩu bán trên thị trường, thì phản ứng tức thời của người tiêu dùng là có thái độ thận trọng hơn khi dùng nó. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng quay lại sử dụng các loại hàng nông sản Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và người buôn bán hàng cũng có xu hướng chuyển sang ưu tiên bán các loại hàng nội địa.

Hiện nay, không ít người tiêu dùng đã bỏ trái cây ngoại, quay lại dùng các loại trái cây nội vừa tươi ngon, giá cả lại không quá đắt. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ (Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn- Cần Thơ), cho biết: “Sau khi có thông tin về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt đối các loại thịt gia cầm, heo đông lạnh nhập khẩu, từ tháng 4-2009 đến nay, siêu thị đã ngừng kinh doanh các mặt hàng nhập ngoại này. Hiện nay, các loại nông sản khác như: cá, trái cây, rau củ, gạo... trong siêu thị chủ yếu là các loại hàng nội địa, hàng nhập ngoại chỉ chiếm khoảng 10- 20%. Thời gian gần đây, tôi thấy số lượng các mặt hàng nông sản nội địa bán tại siêu thị có xu hướng ngày càng tăng”. Bà Trầm Thị Mỹ Hòa, Giám đốc Siêu thị Maximark Cần Thơ (Công ty cổ phần Đầu tư An Phong), cho biết: “Siêu thị đang bán các mặt hàng nông sản trong nước và ngoài nước để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Tuy nhiên, trong đó đa số vẫn là các loại hàng nông sản trong nước. Cụ thể, các loại rau củ là gần như 100% là hàng trong nước, còn trái cây và cá thịt có 70-80% là hàng trong nước. Hiện nay, hàng nông sản có nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại thường rẻ hơn hàng nhập ngoại, chất lượng thì ngày càng được khẳng định, đây là điều kiện thuận lợi để các mặt hàng này đi vào các siêu thị. Thuận lợi để người tiêu dùng trong nước dễ chọn mua được các loại hàng nội địa có chất lượng”.

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh trái cây, rau củ và gạo tại TP Cần Thơ, hiện nay khi mua các mặt hàng này đa số người tiêu dùng đều chọn mua hàng Việt Nam. Ngoại trừ khi dự đám tiệc hay biếu tặng, người tiêu dùng mới có xu hướng chọn mua hàng ngoại. Tuy nhiên, xu hướng này cũng giảm so với trước. Chị Phạm Thị Xuân Hiền, bán trái cây ở chợ Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Cách đây 1-2 năm, 90% người mua trái cây để biếu tặng và đi đám tiệc thường mua các loại trái cây ngoại như: bom và lê (Nhật, Trung Quốc), cam (Trung Quốc). Hiện nay, chỉ còn 50-60% so với trước do gần đây nhiều người tiêu dùng đã hạn chế mua trái cây ngoại vì sợ có chứa các chất bảo quản độc hại. Thay vào đó, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua các loại trái cây nội như: mãng cầu ta, nhãn, thanh long, cam... Các loại trái cây nội này cũng có quanh năm như trái cây ngoại, giá nhiều loại lại rẻ hơn”. Bà Lê Thị Dung, tiểu thương bán rau củ ở chợ An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều loại rau củ bán tại chợ là hàng nhập ngoại từ Trung Quốc như: cà-rốt, củ hành, tỏi... Cà-rốt Trung Quốc có màu sắc đỏ, đẹp và bóng láng hơn hàng trong nước nhưng gần đây do biết là hàng Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng sợ không an toàn cho sức khỏe nên đã rất hạn chế mua về sử dụng. Ngoại trừ trường hợp không có hàng trong nước, họ buộc phải mua”.

BẢO QUẢN VÀ TIÊU THỤ - KHÂU ĐỘT PHÁ

Thời gian qua, điểm yếu của nhiều loại trái cây và hàng nông sản trong nước là giá cả lên xuống thất thường và nguồn cung thường bị gián đoạn. Lúc rộ mùa nguồn cung nông sản dồi dào, giá rẻ, còn ngược lại lúc nghịch mùa ít hàng, giá cao. Khâu bảo quản hàng sau thu hoạch quá yếu kém nên nhiều loại hàng không giữ được màu sắc tươi đẹp và độ tươi ngon khi phải vận chuyển đi xa và để trong nhiều ngày. Đa số các sản phẩm lại chưa có bao bì, thương hiệu...

Trong khi đó, nhiều loại trái cây, gạo và rau củ ngoại có quanh năm, được bảo quản lâu, giá cả lại ít biến động mạnh và có bao bì, màu sắc đẹp. Người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm này khá dễ vì ra các siêu thị, chợ và điểm bán hầu như nơi nào cũng có. Anh Nguyễn Văn Lạc ở ấp Thới An A, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói: “Trái cây trong nước có nhiều loại ngon, giá cũng rẻ, nhưng có khi muốn mua các loại trái cây nội địa ngon, không biết tìm mua ở đâu, vì các vựa trái cây ở gần nhà không thấy bán, nên tôi đành chọn mua trái cây nhập ngoại cùng loại cho tiện. Hơn nữa, bao bì đẹp và sang trọng”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì không chỉ đơn thuần là việc làm thay đổi tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng trong nước, mà cần phải nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản trong nước. Đồng thời, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm nội địa có chất lượng. Để làm được điều đó, không chỉ phải tổ chức lại khâu phân phối hàng và bán lẻ hàng mà cần phải có sự quy hoạch, tổ chức lại các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến hàng. Hiện nay, việc tiêu thụ và bán lẻ các loại nông sản ở thị trường nội địa chủ yếu do các tiểu thương và hộ buôn bán nhỏ lẻ đảm nhiệm. Các doanh nghiệp có tham gia nhưng chưa nhiều và chưa sâu rộng. Cụ thể, ở TP Cần Thơ hiện các doanh nghiệp tham gia việc bán lẻ các loại nông sản chủ yếu mới ở khu vực nội ô, thông qua các siêu thị và một số cửa hàng tiện ích đặt tại quận nội ô Ninh Kiều. Trong khi đó, hiện mới chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản là gạo đã quan tâm và tiến hành mở các chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng trong nước...

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo quản và tiêu thụ các loại nông sản trong nước. Hiện nay, các tiểu thương và những hộ buôn bán nhỏ lẻ không phải chịu thuế giá trị giá tăng (VAT) nhưng các doanh nghiệp lớn khi bán hàng nông sản ở thị trường trong nước phải chịu thuế VAT từ 5-10%, tùy loại hàng. Trong khi đó, việc kinh doanh các loại nông sản như: rau củ, trái cây lại chịu rất nhiều rủi ro: giá cả lên xuống thất thường theo mùa, hàng mau hư hỏng cần phải có biện pháp bảo quản tốt... Vì vậy, các doanh nghiệp còn ngại tham gia bán hàng ở thị trường nội địa mà chủ yếu tập trung làm hàng xuất khẩu. Trước đây, ở TP Cần Thơ có một công ty chuyên kinh doanh các loại rau quả ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên từ nhiều năm qua công ty này đã ngưng hoạt động”.

Cũng theo ông Hừng, việc sản xuất nhiều loại nông sản ở nước ta còn manh mún, chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung. Nông dân bán hàng với số lượng nhỏ nên phải nhờ thương lái thu gom mua hàng, chứ chưa có điều kiện trực tiếp quảng bá và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Vì vậy, khi mua hàng từ tiểu thương và qua sự giới thiệu của họ, nhiều người tiêu dùng chưa thật sự tin cậy và thấy được hết cái ngon và chất lượng của sản phẩm. Trong khi đó, việc kinh doanh và bán lẻ nhiều loại nông sản ở thị trường nội địa chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia dẫn đến hạn chế trong đầu tư khoa học công nghệ, máy móc, kho chứa để bảo quản, đóng gói hàng, cũng như tiếp thị, quảng bá sản phẩm”.

(Theo Cần Thơ Online)

  • Ảnh hưởng của ngành ICT đối với sự biến đổi khí hậu
  • Công nghiệp nhiều doanh nghiệp lớn
  • “Thuốc” tăng trưởng cho ngành cơ khí Việt Nam
  • Từ 14/2/2010: Mở rộng đối tượng thực hiện hợp đồng dầu khí
  • Công nghiệp cán đích với tăng trưởng 7,6%
  • Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài
  • Siết chặt nhập khẩu ô tô, kim loại quý
  • Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước: Còn nhiều lực cản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi