Rất ít DN có đủ khả năng để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước như yêu cầu của Bộ Công Thương |
Theo thư mời thầu ngày 11/8/2009 do Bộ Công Thương công bố, thì có 9 gói thầu thuộc “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009”. Tới ngày 21/9/2009, Bộ công bố kết quả trúng các gói thầu này. Nhưng theo các DN thì những tiêu chí mà Bộ Công Thương đưa ra với các DN dự thầu là quá khó để có thể đáp ứng.
Thông tư số 21/2009/TT-BCT ngày 15/7/2009 và bài thầu của của Bộ Công Thương quy định: Sau khi trúng thầu, DN trúng sẽ đàm phán về các nội dung chi tiết của đề án và thời gian triển khai cụ thể với Bộ Công Thương. Về kinh phí, Thông tư số 21/2009/TT-BCT quy định Bộ Tài chính là cơ quan hướng dẫn thủ tục tạm ứng và quyết toán kinh phí cho đơn vị trúng thầu thực hiện đề án đã được Bộ Công Thương phê duyệt (Điều 7: Thủ tục cấp và quyết toán kinh phí). Lượng hỗ trợ là 70% kinh phí của các hoạt động này.
Dễ cho Bộ quản lý
Về hình thức, Bộ Công Thương chia “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009” thành 9 gói thầu. Đó là các gói thầu: Ấn phẩm, Điều tra thị trường, Đưa hàng Việt về khu đô thị, Đưa hàng Việt về nông thôn, Hội chợ, Hội thảo, Phiên chợ công nhân KCN, Truyền thông qua báo giấy, báo điện tử, Truyền thông qua truyền hình. Các gói thầu đều có nội dung liên quan tới cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Trong đó, có 2 gói thầu liên quan trực tiếp tới tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng bình dân. Đó là 2 gói thầu đưa hàng Việt về nông thôn và khu đô thị. Về nội dung, các gói thầu có thời hạn thực hiện trong 1 năm, từ tháng 10/2009 đến tháng 10/2010. Bộ khuyến cáo các DN có thể trực tiếp, hoặc liên danh với nhau để tham gia dự thầu, nhưng phải có bảo lãnh của ngân hàng. Các gói thầu đều có phạm vi thực hiện trên cả nước. Và vì thế, thì cũng có thể hiểu, chắc chắn chỉ 9 DN, hoặc liên danh 9 nhóm DN sẽ trúng 9 gói thầu có phạm vi thực hiện trên địa bàn cả nước trong vòng 1 năm. Theo quy định tại điều kiện dự thầu, người trúng thầu sẽ đàm phán và được Bộ Công Thương phê duyệt chi tiết của chương trình triển khai, trước khi được Bộ Tài chính tạm ứng kinh phí thực hiện.
Liên quan đến vấn đề đưa hàng Việt về nông thôn, mời xem bài PV ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị VN trên trang 6 số báo này. |
Căn cứ vào nội dung và hình thức của điều kiện dự thầu các gói thầu, sẽ thấy Bộ Công Thương đề cao khả năng giám sát, điều chỉnh, quản lý đối với việc thực hiện triển khai các gói thầu. Thể hiện cụ thể bằng việc chia “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009” thành 9 gói thầu, cùng với nó chỉ có 9 nhà thầu hoặc liên danh 9 nhà thầu trúng thầu. Bộ Công Thương sẽ thực hiện chức năng giám sát, quản lý việc triển khai chương trình của mình thông qua các đầu mối này. Hiệu quả quản lý, giám sát sẽ đơn giản và dường như nhờ thế sẽ tốt hơn.
Nhưng khó cho DN
Theo nguồn của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2008, tổng số đơn vị hành chính của VN có 44 thành phố với 46 quận, cả nước có 47 thị xã, 533 huyện, 1327 phường, 617 thị trấn và 9.111 xã. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra với 9 gói thầu của Bộ Công Thương là phải “phủ sóng” được hết trên toàn bộ các đơn vị hành chính này là rất khó thực hiện. Bởi, với cách chia các gói thầu theo công việc nhưng thực hiện trên phạm vi cả nước, thì sẽ hiếm DN có đủ khả năng, đủ thực lực về tài chính và con người để kham nổi khối lượng công việc rất lớn trong mỗi gói.
Chẳng hạn, với 44 thành phố, 46 quận, 1327 phường, vài chục triệu công dân, thì không hiểu có DN nào đủ sức kêu gọi vài chục DN trong nước để tổ chức sự kiện đưa hàng Việt về với các khu đô thị ? Và mặt khác, khi văn hóa tiêu dùng của cư dân tại các đô thị đã khác hoàn toàn với nông thôn, thì không hiểu các DN sẽ đem hàng gì mang nhãn “made in Viet Nam” để thuyết phục người tiêu dùng ? Và liệu có phải vì lý do ấy, mà cho đến nay, gói thầu “Đưa hàng Việt về khu đô thị” vẫn chưa có đủ số nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Để đến nỗi chính Bộ Công Thương phải thông báo tiếp tục gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu đến ngày 6/10/2009.
Gói thầu Đưa hàng Việt về khu đô thị không là một ngoại lệ của sự kém thu hút trong xây dựng các bài thầu thuộc “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009”. Còn có hai gói thầu khác cũng trong tình trạng như gói thầu này. Đó là các gói thầu Tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam và phía Bắc, và gói thầu Tổ chức và tư vấn các hoạt động bán hàng phục vụ công nhân tại các KCN. Cả hai gói thầu này đều không có đủ số lượng nhà thầu tham gia và vì thế đều phải gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu đến ngày 6/10/2009.
Theo một DN chuyên ngành tổ chức sự kiện, hạn chế lớn nhất trong phương án phân chia các gói thầu của Bộ Công Thương là phạm vi thực hiện quá rộng: Trên địa bàn cả nước. DN này phân tích, quy định như thế sẽ tạo hai hạn chế. Thứ nhất: ít DN nào có đủ thực lực đảm đương gói thầu, vì thế DN trúng thầu sẽ phải đàm phán với DN các địa phương để triển khai. Và với những địa phương không tiến triển trong đàm phán để triển khai, thì hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các DN tổ chức theo kiểu có cho... xong. Như vậy, mục tiêu của gói thầu nhằm giáo dục ý thức người dân sử dụng hàng Việt sẽ không đạt được. Thứ hai: Trường hợp việc đàm phán tổ chức đưa hàng về nông thôn giữa các DN tổ chức diễn ra thuận lợi, thì cũng không nhiều DN mặn mà với gói thầu của Bộ Công Thương. Lý do vì DN địa phương chỉ tiếp cận được với gói thầu qua DN trúng thầu, và đằng sau đó là núi thủ tục liên quan tới việc quyết toán, tạm ứng, thanh toán... tiền từ Bộ Tài chính... “Nếu DN địa phương có thể tiếp cận trực tiếp nguồn tiền này từ địa phương, thì tính... hấp dẫn của gói thầu sẽ khác hẳn” – DN này nói.
Theo quan điểm của DN, Bộ Công Thương nên chia “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009” thành nhiều gói thầu theo phạm vi vùng miền cụ thể. Cách làm này vừa sức với nhiều DN hơn, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều DN muốn tham gia đấu thầu. Chất lượng và hiệu quả của chương trình, vì thế, cũng sẽ cao hơn. “Việc chia chương trình thành nhiều gói thầu thực hiện trên phạm vi cả nước đã làm cho nhiều DN địa phương không thể tham gia đấu thầu. Dù điều họ mong muốn chỉ là được khai thác tiềm năng tổ chức chương trình đưa hàng Việt về địa phương mình” – DN này kết luận.
(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com